Giải mã về “Binh đoàn quốc tế” tới Ukraine chống Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính phủ Ukraine đang tích cực thành lập “Binh đoàn quốc tế”, đưa tin đã có 20.000 người nước ngoài đã tham gia. Khả năng chiến đấu thực tế của đội quân này ra sao? Họ sẽ có tác động gì đến tình hình chiến sự?
Cựu binh SAS Anh bị bắt gặp đang chờ nhập cảnh vào Ukraine (Ảnh: Reuters).
Cựu binh SAS Anh bị bắt gặp đang chờ nhập cảnh vào Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Binh đoàn quốc tế" của Ukraine là những ai?

Theo tin tức được Bộ Quốc phòng Ukraine công bố cách đây vài ngày, tính đến thời điểm hiện tại, có 20.000 người nước ngoài đã đăng ký tham gia "Binh đoàn quốc tế bảo vệ lãnh thổ Ukraine" được thành lập theo lời kêu gọi của ông Zelensky và một số lớn đã tới chuẩn bị chiến đấu với quân đội Nga. Chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực tuyển mộ người cho đội quân này. Trong bối cảnh đưa tin của truyền thông Nga và phương Tây, tên gọi của 20.000 người này có sự khác biệt rất lớn, phía Nga gọi họ là "lính đánh thuê", còn phương Tây gọi họ là "tình nguyện viên".

Trang web avia của Nga ngày 8/3 đưa tin, cho đến nay, chính phủ Ukraine thông báo có các lính đánh thuê từ 52 quốc gia và khu vực đã đến Ukraine thông qua các nước châu Âu và danh sách này tiếp tục tăng lên. Đây chủ yếu là “những chiến binh dày dặn kinh nghiệm, từng tham gia các chiến dịch quân sự ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới”. Theo phía Ukraine, hiện tại đã có lính đánh thuê từ Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Mỹ, Vương quốc Anh, Brazil, Hàn Quốc, Angola, Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha, Nigeria, Pháp, Hà Lan…đang chiến đấu cho quân đội Ukraine. Tin cho biết, một KOLs người Hàn Quốc vốn là cựu binh được cho là đã bất chấp lệnh cấm để đến Ukraine chiến đấu.

"Lính tình nguyện" Mỹ chờ đợi lên đường tới Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Lính tình nguyện" Mỹ chờ đợi lên đường tới Ukraine (Ảnh: Reuters).

Tin tức về việc người nước ngoài gia nhập "Binh đoàn quốc tế" cũng đã thu hút sự chú ý rộng rãi của các cơ quan truyền thông phương Tây. Trang web tạp chí Foreign Policy đưa tin, các nhóm "những người đặc biệt" được nhìn thấy đang xếp hàng để vào Ukraine tại các ga xe lửa và cửa khẩu biên giới nơi người tị nạn được vận chuyển trên biên giới giữa Ukraine và Ba Lan. Để thể hiện đã được huấn luyện quân sự, hầu hết họ đều mặc quân phục rằn ri, đi giày lính. Mặc dù hầu hết những người trong hàng đều là người Ukraine hưởng ứng lời kêu gọi quay trở về đất nước của họ chiến đấu, nhưng cũng có nhiều người Anh, Ba Lan, Litva, v.v.

Hãng tin Anh Reuters lưu ý rằng trong số những người nước ngoài đã đến Ukraine để tham gia chiến tranh, có mấy chục lính đã xuất ngũ thuộc lực lượng đặc biệt của Anh khét tiếng SAS (Special Air Service). Có tin nói rằng hàng trăm lính đã xuất ngũ từ lực lượng này sẽ lần lượt vào Ukraine, nhưng Reuters không thể xác nhận con số này.

Reuters cũng đặc biệt chỉ ra rằng từ góc độ cơ cấu thành phần những người nước ngoài, chỉ có một số nhỏ đã được huấn luyện quân sự chuyên nghiệp hoặc thực hiện các nhiệm vụ trên chiến trường, một số thiếu các kỹ năng chuyên môn và cần được quân đội Ukraine huấn luyện đặc biệt. Ngoài ra còn rất nhiều người nước ngoài không chấp nhận sự sắp xếp thống nhất của chính phủ Ukraine mà tự mình đi vào vùng chiến sự một cách tùy hứng.

Hôm 27/2, ông Zelensky kêu gọi thành lập "Binh đoàn tình nguyện quốc tế" và ký lệnh miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài tới Ukraine chiến đấu chống Nga (Ảnh: Reuters).

Hôm 27/2, ông Zelensky kêu gọi thành lập "Binh đoàn tình nguyện quốc tế" và ký lệnh miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài tới Ukraine chiến đấu chống Nga (Ảnh: Reuters).

Nhà sử học quân sự Nga Yuri Knutov nói, một số lính đánh thuê đã quen với việc sử dụng một số loại vũ khí, chẳng hạn như lính bắn tỉa. Ông chắc chắn rằng, ngoài những lính đánh thuê này, một số giáo viên quân sự phương Tây và thậm chí cả lực lượng đặc biệt đều có thể đã vào Ukraine. Điều này có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa lực lượng NATO và Nga.

Chuyên gia quân sự Nga Gennady Podresny cho biết, những người lính đánh thuê này chủ yếu là xạ thủ bắn tỉa, bộ binh, xạ thủ máy bay ... Sự xuất hiện của họ trong lực lượng vũ trang Ukraine sẽ có tác động nhất định đến tâm lý của binh lính Nga.

Lính đánh thuê nước ngoài có tác dụng phụ rất lớn

Lực lượng “lính đánh thuê” hay “tình nguyện viên” nước ngoài có thể mang lại bao nhiêu sức chiến đấu ở Ukraine thì vẫn còn phải chờ xem, nhưng những rủi ro không thể kiểm soát mà họ có thể gây ra thì đang không ngừng gia tăng.

Reuters cho rằng việc một số lượng lớn người nước ngoài tiến vào Ukraine có thể đóng vai trò bổ sung nhân lực nhanh chóng trong thời gian ngắn, đặc biệt là sự tham chiến của các nhân viên nước ngoài có trình độ quân sự, có thể giúp quân đội Ukraine nhanh chóng sử dụng các thiết bị quân sự do các nước phương Tây cung cấp, chẳng hạn như tên lửa chống tăng Javelin, "vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo" (NLAW) và tên lửa phòng không vác vai Stinger. Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine mới đây đã thông báo, với sự giúp đỡ của các chiến binh nước ngoài, Cục này đã thành lập một đơn vị đặc biệt bao gồm các nhân viên người nước ngoài, độc lập với "Binh đoàn quốc tế", chuyên thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.

Ảnh những "lính tình nguyện quốc tế" đã đến Ukraine do Bộ Quốc phòng Ukraine công bố (Ảnh: Đông Phương).

Ảnh những "lính tình nguyện quốc tế" đã đến Ukraine do Bộ Quốc phòng Ukraine công bố (Ảnh: Đông Phương).

Điều đáng chú ý là tờ The Wall Street Journal mới đây dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Nga "trong những ngày gần đây cũng đã tuyển mộ các nhân viên vũ trang ở Syria", hy vọng rằng "sở trường của họ trong tác chiến đô thị có thể giúp Nga đánh chiếm Kiev và gây ra đòn hủy diệt cho chính phủ Ukraine”.

Theo một bài báo đăng trên trang web của Viện Brookings – cơ quan tư vấn của Chính phủ Mỹ, các nhân viên vũ trang nước ngoài có nhiều hồ sơ đáng buồn trong lịch sử. Tuy họ được coi là những người chuyên nghiệp, nhưng nói chung thiếu huấn luyện, phần lớn chỉ làm bia đỡ đạn ngoài chiến trường. Nếu chỉ xét từ khía cạnh ngôn ngữ đã là một khó khăn lớn. Sự đa dạng ngôn ngữ của họ không phù hợp với yêu cầu chính xác của hoạt động quân sự. Người nước ngoài tham gia cuộc chiến ở Ukraine cũng không tốt cho người dân địa phương. Quan trọng hơn, một số lượng lớn các phần tử cực hữu xâm nhập vào Ukraine, rất dễ tạo ra các sự kiện khủng hoảng nhân đạo. Những người này trở về quê sau chiến tranh có thể trở thành người khởi xướng hoặc thành viên cốt cán của các tổ chức cực hữu ở chính quốc gia họ. Trong mọi trường hợp, việc người nước ngoài vào Ukraine chiến đấu đều là một "ý kiến ​​tồi".

Tờ Quan điểm Nga dẫn lời ông Igor Korotchenko, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga nói, những lính đánh thuê nước ngoài này đều là những kẻ khủng bố quốc tế, họ đến Ukraine tham chiến phải tự gánh chịu hậu quả. Một khi họ vượt qua biên giới giữa các nước NATO và Ukraine, quân đội Nga sẽ tiêu diệt. Những người như vậy sẽ không được coi và đãi ngộ là tù binh chiến tranh, mà phải bị trực tiếp tiêu diệt.

Lính đánh thuê của Công ty Blackwater khét tiếng (Ảnh: Sohu).

Lính đánh thuê của Công ty Blackwater khét tiếng (Ảnh: Sohu).

Có sự thúc đẩy phía sau của các nước phương Tây?

Nhìn bề ngoài, việc người nước ngoài vào Ukraine để tham gia chiến tranh có vẻ là một hành động cá nhân, thậm chí còn được truyền thông phương Tây coi là "tình nguyện viên", nhưng có thực sự đơn thuần như vậy không?

Xem xét từ cách làm của các chính phủ phương Tây, mặc dù nhiều chính phủ bề ngoài tỏ thái độ không tán thành nhưng họ vẫn dung túng cho công dân nước mình tới Ukraine. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ nói rõ rằng họ không ủng hộ việc đưa người Mỹ vào Ukraine để tham chiến, nhưng lại không thực hiện các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn điều này. Theo tin báo chí, hơn 3.000 người ở Mỹ đã đăng ký gia nhập "Binh đoàn quốc tế" Ukraina, nhiều người trong số họ là quân nhân Mỹ đã xuất ngũ. Một số người ở Mỹ thậm chí đã sử dụng mạng xã hội để xây dựng các nhóm quyên góp tài trợ cho những người tới Ukraine chống Nga.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss, đã công khai ủng hộ việc những người Anh tới Ukraine. Bà tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Đài BBC rằng cuộc chiến tranh này "không chỉ vì Ukraine, mà là vì cả châu Âu".

Ngoại trưởng Canada Melanie Jolly cũng có quan điểm tương tự. Bà này cho biết chính phủ Canada đã cảnh báo công dân của họ không nên đi du lịch đến Ukraine, nhưng người dân Canada có thể tự quyết định. Các chính phủ Đan Mạch và Na Uy cũng đã gợi ý rằng công dân của họ có thể hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Zelensky. Ba nước Baltic thì đã rõ ràng và công khai ủng hộ công dân của họ mang vũ khí đến Ukraine.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss, người ủng hộ các công dân Anh tới Ukraine chiến đấu chống Nga (Ảnh: 163.com).

Ngoại trưởng Anh Liz Truss, người ủng hộ các công dân Anh tới Ukraine chiến đấu chống Nga (Ảnh: 163.com).

Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các nước phương Tây đã tăng cường cử lính đánh thuê của các công ty quân sự tư nhân tới các khu vực tác chiến. Lính đánh thuê nước ngoài đến Ukraine đang phá hoại và tấn công các đoàn xe tiếp tế và thiết bị của Nga, cũng như yểm trợ cho Không quân Ukraine.

Theo Naval Times Mỹ ngày 8/3, một sĩ quan lực lượng đặc biệt Mỹ nói, kể từ năm 2018, các quan chức châu Âu và Mỹ đã âm thầm triển khai một phần quan trọng của khuôn khổ phòng vệ được gọi là "Khái niệm về hoạt động kháng chiến". Công việc này được thực hiện thông qua một cuộc họp giữa các bộ phận và các đại diện đa quốc gia tại Kiev. Trọng tâm của "Khái niệm về hoạt động kháng chiến" là giúp các thành viên NATO và các quốc gia thân thiện xây dựng sức đề kháng dân sự và quân sự hiệu quả trước "cuộc xâm lược" của Nga. Khái niệm hoạt động kháng chiến khuyến khích các quốc gia được hỗ trợ phát triển khuôn khổ pháp lý và cơ cấu tổ chức cho cuộc kháng chiến và đặt nó dưới sự quản lý của lực lượng vũ trang của họ. Điều này giúp các lực lượng kháng chiến dễ dàng nhận được sự hỗ trợ như huấn luyện bên ngoài, chi viện về tài chính và vũ khí.