Stalin sau khi qua đời
Như đã biết, tháng 2/1956 tại Đại hội Đảng lần thứ XX, Nikita Khrushchev đã đọc báo cáo “Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”. Chính lúc đó, như Vladimir Coshkidco và các tác giả khác của sách giáo khoa “Lịch sử nước Nga” khẳng định, tập hợp từ “sùng bái cá nhân” lần đầu tiên được bổ sung thêm tên, họ của Joseph Stalin.
Mặc dù báo cáo được trình bày tại phiên họp kín và được giữ bí mật, nội dung của nó vẫn lọt ra bên ngoài. Các luận điểm trong báo cáo của Khrushchev là cơ sở của nghị quyết “Về khắc phục sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”, được thông qua ngày 30/6/1956. Tuy nhiên, vào thời gian đó thi hài Stalin vẫn còn ở trong lăng, nơi yên nghỉ của Lenin.
Chỉ đến năm 1961, tại Đại hội lần thứ XXII, Ivan Spiridonov, bí thư tỉnh ủy Leningrad, đề nghị đưa thi hài Stalin ra khỏi lăng. Spiridonov tuyên bố rằng, việc Stalin nằm bên cạnh người thày vĩ đại như Lenin là không thể chấp nhận được, liên quan đến những hành động phạm pháp mà ông từng thực hiện.
Ngày 1/11 năm đó dưới màn đêm bao phủ, thi hài của Stalin đã bị đưa ra khỏi Lăng và chôn tại chân tường điện Kremlin. Đáng chú ý rằng, khi đó ngôi mộ của ông chỉ được đậy bằng tấm đá có ghi tên, họ, ngày tháng năm sinh và ngày mất của ông. Chỉ đến năm 1970 trên mộ mới xuất hiện bức tượng bán thân của ông.
Lăng Lenin ở Quảng trường Đỏ, Moskva - nơi đã có thời gian bảo quản thi hài của Stalin. |
Tổng thống Pháp và Liên Xô
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle thăm Liên Xô trước khi bức tượng bán thân xuất hiện trên nắp mộ của Stalin. Một số hoạt động của ngành ngoại giao Pháp đã diễn ra trước chuyến thăm này của de Gaulle. Vào giữa những năm 1960, Charles de Gaulle tỏ thái độ không hài lòng với chính sách của Mỹ ở Đông Dương và Trung Đông.
Washington không chấp nhận đề nghị cải tổ NATO của Pháp, và Paris đã dần theo hướng xa rời hợp tác chính trị quân sự quá chặt chẽ với Mỹ. Trong năm 1966, de Gaulle tuyên bố rút đất nước khỏi tổ chức quân sự của hiệp ước. Các căn cứ quân sự của Mỹ đã rút khỏi nước Pháp.
Tất cả diễn biến trên đã thúc đẩy Pháp và Liên Xô xích lại gần nhau, mà chuyến thăm Moscow của Charles de Gaulle trong năm 1966 đã chứng minh cho điều đó. Đáng chú ý, trong thời gian chuyến thăm này, de Gaulle nhất định đòi đến thăm mộ Stalin ở chân tường điện Kremlin. Và Tổng thống Pháp đã được toại nguyện. Ông đã đặt hoa lên phiến đá trên nắp mộ và đứng đó tầm không dưới 20 phút.
Thời gian đó, không nhiều người dám cả gan có thái độ như vậy với lãnh tụ quá cố của Liên Xô, bởi ở Liên Xô đã diễn ra những chiến dịch rầm rộ chống Stalin. Thậm chí lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa còn không thích đến gần mộ của vị lãnh tụ. Cho nên lúc này mọi người hết sức sửng sốt bởi cách ứng xử của de Gaulle, còn báo chí không hề nhắc đến tình tiết này.
Thái độ của de Gaulle đối với lãnh tụ của Liên Xô
Một số nhà sử học cho rằng hành động của de Gaulle còn hùng hồn hơn nhiều lời ông nói về Stalin. Chẳng hạn, trong cuốn sách “Con trai trả lời thay bố”, Sergo Beria đã dẫn ra nhận xét của de Gaulle về Stalin như sau: “Cách mạng, đảng, nhà nước, chiến tranh đối với ông (Stalin) là nguyên nhân và phương tiện để cai trị. Ông được đề cao khi sử dụng bản chất mưu mẹo, lý luận mac-xit, sự khắt khe cực quyền, tin tưởng vào sự táo bạo và thâm hiểm vượt quá sức người, chinh phục một số người và thủ tiêu những người khác. Trong vòng 15 giờ đàm đạo của tôi với Stalin, tôi đã nghiên cứu vẻ uy nghi tiềm ẩn của ông. Người cộng sản trong bộ quân phục với hàm nguyên soái, nhà độc tài đa mưu ẩn mình, nhà chinh phục với vẻ hiền lành”.
Tuy nhiên, de Gaulle không phủ nhận rằng Stalin yêu quý đất nước “theo cách của mình”. Mặc dù Charles de Gaulle cho rằng Stalin xây dựng quyền lực của mình nhờ “sức sống và sự chịu đựng” của nhân dân, ông cũng khẳng định rằng đại nguyên soái đã tận dụng cả uy tín to lớn cả ở nước Nga, cũng như ở nước ngoài. Trong đó de Gaulle nhận thấy rằng nước Nga tự nguyện chấp nhận Stalin - người có ý chí to lớn - như Sa hoàng “trong giai đoạn đáng sợ của thời gian”.
Năm 1960, Tổng thống Pháp đã viết trong hồi ký của mình: “Ông (Stalin - PV) đã biết thuần hóa kẻ thù của mình, không hoảng hốt khi bị thua và cũng không tận hưởng chiến thắng. Mà chiến thắng của ông thì nhiều hơn là thua. Nước Nga của Stalin – đó không phải là nước Nga trước đây đã bị tiêu vong cùng chế độ quân chủ. Nhưng quốc gia của Stalin, nếu không có những người kế tục xứng đáng với ông, sẽ không thoát khỏi diệt vong”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu