Trong lúc các lực lượng Nga đang tiến đến thành phố của họ, bà Alla Voloshynovych cùng chồng, Vadym Smirnov, tin rằng chính một cột điện thoại bị đặt nhầm chỗ đã cứu sống gia đình bà.
Vào giữa năm 2021, một cột điện thoại được lắp đặt một cách vụng về ở ngoại ô Hostomel, thành phố cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 20 km về phía Tây Bắc, chặn một phần hướng rẽ tay phải trên con đường hẹp bên cạnh đó, khiến nhiều người nghĩ rằng đây là con đường cụt nếu nhìn từ xa.
Alla và Vadym, đều là bác sĩ, đã liên tục đề nghị Hội đồng địa phương đặt lại cột điện thoại này, bởi nó cản trở tuyến đường đi tới nhà họ khi buộc người điều khiển phải lái sang lề đường mới có thể đi vào. Nhưng những người hàng xóm của họ lại phản đối vì chính sự bất tiện này khiến tuyến đường trở nên vắng vẻ và yên tĩnh hơn.
Vụ tranh cãi nhỏ như vậy nhưng kéo dài suốt nhiều tháng ở vùng tập trung người ở tầng lớp trung lưu.
Thế rồi vào sáng ngày 24/2, lính dù Nga đổ bổ xuống sân bay Antonov, gần nhà của gia đình nọ, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Alla, 55 tuổi, một bác sĩ có mái tóc ngắn cùng cử chỉ thân thiện, tỉnh giấc bởi một cú điện thoại lúc sáng sớm từ con gái của bà, người đang sống ở thành phố Bucha gần đó. “Mẹ, có chiến tranh rồi”, con gái bà nói với bà. Alla lay chồng mình dậy và nói đã đến lúc phải tháo chạy.
Vụ nổ tại sân bay Antonov khi quân đội Nga bắt đầu tấn công, được ghi lại bởi camera của gia đình (Ảnh: Vadym Smirnov) |
Đoàn xe xuất hiện
Gia đình đến từ vùng Lugansk đã buộc phải rời khỏi ngôi nhà cũ của họ cách đây 8 năm cùng với 2 người con là Ilia và Anastasia Smirnov – lúc đó ở tuổi 6 và 18 – sau khi các lực lượng ly khai thân Nga chiếm khu vực đó.
Ông Vadym, 56 tuổi, quyết định rằng gia đình họ sẽ không rời khỏi ngôi nhà mình thêm một lần nữa, và thuyết phục vợ chờ đợi. Ông tin rằng một cuộc chiến tranh hiện đại với quy mô như vậy sẽ chấm dứt chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần lễ. Bà Alla bắt đầu đếm từng ngày chiến sự, đánh dấu trên bức tường phòng ngủ của họ.
3 ngày sau, một đoàn xe quân sự của Nga kéo dài trên đoạn đường 64 km đã tới thành phố của họ để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công thủ đô Kiev.
Alla nhớ lại cảnh những chiếc xe tăng có biểu tượng chữ “Z” mà nay đã nổi tiếng tràn vào khu vực. Binh sĩ Nga nhanh chóng dựng các điểm chốt xung quanh Hostomel. Họ cũng bắt đầu thiết lập nhiều căn cứ trong khu vực, và xịt sơn chữ “V”, một biểu tượng khác của quân đội Nga, lên cửa những căn cứ này để xe tăng Nga biết mà không bắn vào.
Cũng trong ngày hôm đó, quan sát qua ống nhòm, bà Alla trông thấy một hàng xe tăng Nga đang đi trên con đường đất tiến về phía nhà mình, nhưng ngừng lại ngay trước cột điện thoại bị cắm sai. Các đội lính xe tăng dường như cho rằng con đường này là lối cụt nên quay đầu.
Cặp vợ chồng đã tránh được một vụ chạm trán, có khả năng trở nên nguy hiểm, với binh sĩ Nga. Nhưng rồi họ nhận ra rằng họ đã bị cô lập, không có nguồn cung từ bên ngoài và không có lối thoát ra bên ngoài.
Họ tiếp tục quan sát tình hình bên ngoài bằng ống nhòm trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Có lúc, họ gọi điện thoại cho Lực lượng bảo vệ lãnh thổ Ukraine để thông báo tin tức, nhưng sau khi nghe thấy nhiều tiếng ồn xung quanh, họ lo sợ rằng lực lượng Nga đang nghe lén hết cuộc gọi của họ.
Hình ảnh con đường có chiếc cột điện thoại bị cắm sai chỗ khiến binh sĩ Nga tưởng đó là đường cụt (Ảnh: Al Jazeera) |
Tháo chạy
Trong lúc đạn pháo làm rung chuyển những bức tường xung quanh ngôi nhà, Ilia, người con trai nhút nhát 14 tuổi của họ, thường tìm đến bàn máy tính cùng chiếc tai nghe của mình. Cậu bé cố gắng thoát khỏi cuộc chiến thực tại và chơi game “Call of Duty”, trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất, cùng với bạn bè mình đang trực tuyến, một vài trong số đó đã trốn sang Ba Lan. “Chiến tranh ngoài đời đáng sợ hơn nhiều so với trong game”, cậu bé nói, thêm rằng cậu bé sợ hãi suốt nhiều ngày liền “nhưng cuối cùng cũng quen.”
Gia đình họ vẫn liên lạc được với người con gái, một lập trình viên sống ở Bucha, cách Hostomel vài km về phía Nam. Cô đã cố trốn thoát vào ngày 24/2 đến nơi an toàn hơn là vùng Ivano-Frankivsk ở Tây Nam Ukraine.
Đến ngày thứ 7 của cuộc chiến, Nga đã phá hủy tháp thông tin liên lạc ở địa phương, và gia đình bà Alla mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Ông Vadym, vốn là người tháo vát, đã tự lắp các tấm pin mặt trời trên mái nhà của gia đình. Mặc dù thiếu nắng, nhưng các tấm pin vẫn cung cấp đủ nhiệt lượng cho mọi người trong những đêm lạnh giá, tuy nhiên họ lại sớm bị cạn nguồn nước và thực phẩm. Cuối cùng, sáng ngày 11/3, họ quyết định sơ tán về phía Tây.
Các thành viên trong gia đình lấy hết tiền mặt có trong nhà cho vào một chiếc túi và mang theo 2 can xăng để sau xe hơi, trước khi rời khỏi nhà. Ông Vadym lái xe chở gia đình, đã phải luồn lách qua vô số những chiếc xe bị cháy đen, trên thân có lỗ đạn trên đường. Họ lái xe qua nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, một số ngôi nhà bị binh sĩ Nga chiếm đóng.
Biểu tượng mà binh sĩ Nga đánh dấu lên những ngôi nhà mà họ chiếm đóng (Ảnh: Al Jazeera) |
Một điểm chốt của Nga
Một vài phút sau, họ gặp phải một điểm chốt của lực lượng Nga. Một binh sĩ, khoảng 20 tuổi, tiến đến xe của họ và yêu cầu họ rời khỏi xe. Bà Alla kể rằng binh sĩ nọ “không có dấu hiệu hung hăng”, anh ta hỏi gia đình bà đang đi đâu, sau đó kiểm tra xe và cho họ đi qua.
Trong lúc Vadym lái xe rời khỏi, bà Alla cảm thấy cực kỳ lo lắng. Do đã trông thấy binh sĩ chiếm đóng khu vực mình sinh sống, bà không tin rằng họ lại để cho gia đình mình đi qua dễ dàng như vậy, và trong trường hợp người lính nọ nổ súng, có khả năng đạn sẽ bắn trúng vào 2 can xăng để trong xe. Quan sát qua gương chiếu hậu, họ thấy hình ảnh người lính Nga mờ dần phía sau.
Có một số tin đồn ở Ukraine cho rằng, binh lính Nga sử dụng những tấm bản đồ cũ từ thời Liên Xô về khu vực xung quanh Kiev, nên không biết những tuyến đường mới. Bởi vậy, ông Vadym quyết định tránh những tuyến đường chính, thay vào đó sử dụng những tuyến đường dành cho xe đạp hay đường rừng.
Bà Alla trong hành trình sơ tán về phía Tây (Ảnh: Al Jazeera) |
Nhưng cuối cùng họ vẫn buộc phải đi vào một tuyến đường nông thôn, kẹp giữa một bên là cánh rừng có binh sĩ Nga và bên còn lại là tuyến phòng thủ của Ukraine liên tục xả đạn vào các vị trí có lính Nga. Họ lái xe trong lúc giữ im lặng tuyệt đối, lo sợ rằng chiếc xe có thể bị trúng đạn vào bất cứ lúc nào.
Cuối cùng, họ không gặp phải vấn đề gì khi băng qua con đường ngắn. Họ đi qua làng Vorzel, bắt gặp một đoàn phương tiện bên trên có cắm những lá cờ trắng tự tạo bằng khăn tắm và giấy. Đây là một phần của “hành lang xanh” được thiết lập để người dân đi sơ tán về phía Tây của Ukraine.
Ông Vadym nhìn thấy một số chiếc xe hơi có lỗ đạn trên thân và cảm thấy gia đình ông thật may mắn. Bà Alla bật khóc khi trông thấy điểm chốt đầu tiên của Ukraine. “Tôi hết sức vui khi nhìn thấy người mình, nhưng cũng cảm thấy buồn cho những binh sĩ của chúng tôi. Họ có thể rời đi nhưng vẫn ở lại và chiến đấu”, bà nói.
Sáng ngày hôm sau, gia đình bà đã tới vùng Ivano-Frankivsk, cũng là nơi mà cô con gái của họ cùng với bạn trai đã tháo chạy tới.
Về nhà
Sau hơn 2 tuần lưu lại khu vực phía Tây đất nước, gia đình này đã có thể trở về nhà của họ khi quân đội Nga bắt đầu rút khỏi khu vực vào ngày 28/3. Họ bắt đầu sửa lại những cánh cửa sổ bị vỡ vụn do chấn động bởi pháo kích gần đó, nhưng đâu đó trên tường bao ánh nắng vẫn xuyên qua những lỗ thủng do đạn bắn.
Anastasia từ Bucha đến giúp đỡ cha mẹ mình. Cô và bà Alla chuẩn bị cà phê và bánh để ăn chiều. Bà Alla kể rằng gia đình họ cảm thấy hết sức khó khăn trong việc điều chỉnh cuộc sống của họ lúc sơ tán đến phía Tây đất nước. “Tôi vẫn rất lo lắng, những âm thanh đạn pháo và tiếng nổ vẫn rất lạ lùng đối với chúng tôi. Tôi khóc suốt 3 ngày liền khi ở đó”, bà kể.
Ông Vadym rút điện thoại của mình ra để chiếu lại cảnh mà camera gắn trong nhà ghi lại được. Hình ảnh cho thấy 2 binh sĩ Nga đang đứng trên cổng nhà ông. “Chúng tôi sơ tán vào ngày 11, và các binh sĩ Nga đến nhà của chúng tôi vào ngày 12. Camera trong nhà vẫn hoạt động suốt!”, ông nói.
Trước khi chiến tranh nổ ra, bà Alla hiếm khi đụng tới rượu. Nhưng trong lúc sơ tán, bà nói bà đã tìm đến rượu để làm tê liệt nỗi sợ hãi mà mình phải trải qua. “Lúc đầu tôi uống rượu nhẹ, sau đó chuyển sang vodka bởi nó mạnh hơn. Nhưng giờ thì ngay cả vodka cũng không còn tác dụng gì”, bà nói.
Hình ảnh binh sĩ Nga bước ra từ nhà của họ được camera ghi lại (Ảnh: Vadym Smirnov) |
Cuộc sống trở lại
Khi trở về nhà, mặc dù căn nhà họ trông như một bãi chiến trường và trống rỗng, nhưng chiếc xe điện vẫn còn nguyên vẹn, bởi vậy mà trong lúc tình trạng thiếu nhiên liệu hoành hành ở Ukraine, gia đình Vadym vẫn có thể chạy xe đi mua hàng hóa thiết yếu và vật liệu để sửa chữa lại căn nhà.
Khu vực này vẫn còn đầy rẫy những ngôi nhà bị phá hủy hoặc bỏ hoang, nhưng sự sống đã dần trở lại với một dạng bình thường mới. Nhiều người lái xe đạp xuất hiện nhiều trên các tuyến đường, một số cửa hàng đã mở cửa trở lại để kinh doanh.
Gia đình họ đang bắt đầu lại cuộc sống của mình. Nhưng bà Alla vẫn trong tâm trạng lo lắng. Mỗi khi bắt gặp một xe quân sự hay nghe thấy tiếng còi hú báo động không kích, bà nhận ra rằng đất nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. “Mỗi lần bật TV lên, tôi lại thấy chiến tranh và bắt đầu khóc”, bà nói.
Alla và Vadym đã dọn sạch đống hỗn độn xung quanh nhà họ và sửa lại phần lớn nội thất bị hư hỏng. Họ dọn gần như tất cả các mảnh đạn khỏi khu vườn, và những khu vực xung quanh nhà. Mặc dù khá khó tính, nhưng ông không bao giờ muốn phàn nàn về chiếc cột điện thoại đặt không đúng chỗ nữa. “Nó đã cứu gia đình tôi”, ông nói.
Theo Al Jazeera
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu