Ngày 01/06/2017, sau 6 năm nghiên cứu, trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại,Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tuyên bố đã triển khai thành công Hệ thống tính cước thời gian thực (Online Charging System) có tên gọi vOCS.
OCS (Online Charging System) là hệ thống cho phép nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tính cước thời gian thực cho mạng 2G, 3G, 4G và PSTN/ADLS/FTTH trên tất cả các thiết bị thông minh bao gồm các giải pháp M2M, V2V cho điện, nước và giao thông. Đồng thời, OCS hỗ trợ các nhà mạng trong việc quản lý, thiết lập, xử lý, lưu trữ hoạt động tính cước, thiết lập các gói cước cho tất cả các dịch vụ mà nhà mạng viễn thông đang tiến hành kinh doanh như thoại, data, SMS, VAS…. OCS gắn liền với hoạt động kinh doanh và được coi là trái tim của các nhà mạng trong việc thiết lập các bài toán kinh doanh, giúp tăng sự linh hoạt kinh doanh dẫn đến tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ.
vOCS là hệ thống tính cước theo thời gian thực do Tập đoàn Viettel tự phát triển (v có nghĩa là Viettel và cũng có nghĩa là Việt nam). Được xây dựng từ năm 2011, với đội ngũ kỹ sư 20 người và 100% là người Viettel, hệ thống OCS do đã trải qua 3 phiên bản chính 1.0 với dung lượng 1 triệu thuê bao/site; 2.0 với 8 triệu thuê bao/site và 3.0 với dung lượng tối đa lên tới 24 triệu thuê bao/site. vOCS 3.0 với dung lượng 24 triệu thuê bao/site cũng là dung lượng lớn nhất thế giới với một OCS triển khai trên thực tế. Trước đó, hệ thống lớn nhất trên thế giới từng được triển khai chỉ có dung lượng 12 triệu thuê bao/site.
Ngoài việc có dung lượng lớn nhất, hệ thống vOCS 3.0 của Viettel còn có khả năng độc nhất trên thế giới: cho phép mỗi người dùng có thể sử dụng một gói cước riêng biệt. Thời gian triển khai hệ thống này cho một nhà mạng khác chỉ cần 3-4 tháng, với 3-5 kỹ sư (thời gian triển khai của nhà cung cấp nước ngoài cần tối thiểu 12 tháng, với 50 chuyên gia).
Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel (VTTEK) là đơn vị nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Đội ngũ phát triển vOCS 3.0 có 30 người, trong đó 80% là 9x và một số vừa mới tốt nghiệp khi vào làm sản phẩm, 10 kỹ sư trong nhóm là nữ.vOCS 3.0 sẽ giúp Viettel có khả năng tuỳ biến để thiết kế cho mỗi người dùng một gói cước, điều mà các hệ thống OCS khác chưa làm được. Theo tính toán, nhờ việc tự phát triển hệ thống trí tuệ vOCS 3.0, Viettel đã tiết kiệm được hơn 70 triệu USD chi phí đầu tư.
Hiện tại, vOCS 3.0 của Viettel đã được triển khai tại 6 quốc gia (Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Peru và Việt Nam) với số lượng thuê bao quản lý là 140 triệu. Trong tương lai, Viettel sẽ triển khai hệ thống này cho tất cả các thị trường quốc tế mà Tập đoàn đầu tư. Bước tiếp theo trong việc phát triển của vOCS 3.0 là Viettel sẽ đóng gói và đưa sản phẩm chào bán cho các nhà mạng khác trên thế giới.
OCS được coi là trái tim của nhà mạng bởi nó chứa toàn bộ cơ sở dữ liệu về cước phí của người dùng được ghi nhận theo thời gian thực, chính sách kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của các hãng viễn thông. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 20 nhà cung cấp hệ thống tính cước thời gian thực, trong đó có 03 nhà cung cấp lớn nhất là Amdocs, Ericsson, Huawei. Như vậy, việc Viettel triển khai thành công hệ thống tính cước vOCS 90 triệu thuê bao tại Việt Nam và với tổng số 140 triệu thuê bao trên 6 quốc gia đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất OCS lớn nhất toàn cầu.
Ông Nguyễn Đình Chiến – PTGĐ phụ trách mảng nghiên cứu sản xuất của Viettel cho biết: “Hiện nay, an ninh, an toàn thông tin đã trở thành mối quan tâm lớn của bất kỳ quốc gia nào. Đến nay, khoảng 30% thiết bị của mạng lưới viễn thông của Viettel đã được Viettel làm chủ. Mục tiêu tới năm 2020, 100% mạng lưới viễn thông của Viettel là thiết bị do Viettel nghiên cứu, sản xuất. Chúng tôi đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới”.
Mới đây, tổ chức IT World Award – Giải thưởng CNTT thế giới đã công bố vOCS 3.0 của Viettel dành giải Bạc tại hạng mục Sản phẩm CNTT sáng tạo nhất. Dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức ngày 26/6/2017 tại San Francisco, Hoa Kỳ.