Khi thị trường viễn thông trong nước đang ngày càng trở nên “chật chội” thì việc tìm kiếm thị trường nước ngoài là cần thiết để mở rộng quy mô của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư ra nước ngoài cũng đều gặp thuận lợi và gặt hái được những thành công. Một trong những yếu tố tiên quyết quyết định thành công cho kế hoạch đầu tư ra bên ngoài là lựa chọn thị trường.
Tại Đại hội đồng cổ đông cổ đông thường niên năm 2017, Tổng CTCP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) đã trình Đại hội thông qua chủ trương vào 2 thị trường đông dân là Indonesia và Nigeria. Theo ông Lê Đăng Dũng, Tổng Giám đốc Viettel Global, việc đầu tư vào những thị trường đòi hỏi vốn lớn như Nigeria, rất có thể, phải có sự chấp thuận của Quốc hội, những dự án lớn như vậy rất có thể Tập đoàn (Viettel) sẽ trực tiếp đầu tư.
Tại sao đầu tư vào Indonesia và Nigeria?
Báo cáo của Viettel Global phân tích, việc đầu tư vào Indonesia đồng nghĩa với việc Viettel sở hữu thị trường 70% dân số Đông Nam Á. Mật độ thuê bao 3G, 4G của Indonesia mới chỉ chiếm 58% dân số, còn khá thấp so với các nước tương đương trong khu vực (Philippines 60%, Thái Lan 126%), vì thế tiềm năng khai thác viễn thông tại nước này còn rất lớn.
Nếu thành công, “một mũi tên có thể trúng 2 đích”: Thứ nhất, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực; Thứ hai, tạo tiền đề để Viettel tiếp tục đầu tư sang các khu vực khác.
Đối với Nigeria, đây là thị trường tiềm năng với Viettel bởi nhiều lý do: thị trường đông dân, GDP đầu người cao hơn VN, là thị trường có khả năng tiêu dùng, có thu nhập, trình độ dân trí cao, người dân có nhiều giao dịch nên có nhu cầu sử dụng lớn, mạng lưới viễn thông tại đây lại chưa phát triển, thuê bao 3G vẫn đang chiếm tỷ lệ nhỏ, là cơ hội của Viettel để phát huy ưu thế về hạ tầng viễn thông.
Theo Viettel Global, 02 thị trường này đều là thị trường đông dân, quy mô dự án lớn, cần phải xem xét kỹ lưỡng, được ĐHĐCĐ phê duyệt trước khi thực hiện tính toán hiệu quả đầu tư, xây dựng phương án và làm các thủ tục đầu tư.
Khó khăn
Theo BCTC 2016 của Viettel Global, công ty tiếp tục khó khăn do tình trạng bất ổn chính trị, kinh tế tại một số thị trường nước ngoài. Mặc dù các thị trường châu Phi đang có tín hiệu kinh doanh khởi sắc nhưng đồng nội tệ mất giá mạnh khiến Viettel Global ghi nhận khoản lỗ 3000 tỷ đồng trên sổ sách.
Ông Lê Đăng Dũng cho biết: “ Khoản nỗ này là con số ghi nhận trên sổ sách, tiền vẫn còn nguyên và Viettel không mất mát gì ở đây. Khi USD tăng, Viettel Global sẽ không mua USD mà giữ bằng nội tệ. Thực chất, đây là khoản lỗ tỷ giá hay lỗ chưa thực hiện”.
“Khi quy đổi như vậy, có một số thị trường, đồng nội tệ bị mất giá so với đồng đô la Mỹ, ví dụ như Mozambique, mất giá tới 58%. Tức là trước kia, 55 metica (đơn vị tiền tệ Mozambique) đổi được 1 đô la thì bây giờ cần 90 metica đổi được 1 đô la. Nghĩa là, khi quy đổi ra đô la Mỹ, số tiền mà chúng tôi tạo ra ở Mozambique tự nhiên chỉ còn một nửa” – Ông Dũng giải thích thêm.
Nói về giải pháp, Tổng Giám đốc Viettel Global cho hay, bất kỳ nước nào cũng sẽ gặp nguy cơ về tỷ giá, không chỉ riêng ở Châu Phi. Giải pháp của Viettel ở đây là chi trả các khoản khoản chi phí bằng nội tệ. Ví dụ như chi phí mua thiết bị, chi phí đầu tư mới, đi vay, Viettel cũng sẽ vay bằng đồng nội tệ để khi chi trả không cần phải đổi ra đô la Mỹ.
Ông Dũng khẳng định, “Hai thị trường đều có dân số khoảng 200 triệu, trong đó Nigieria có GDP/người đạt mức 3.000 USD, cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ có câu chuyện, liên tục đầu tư như vậy, đặc biệt là các thị trường có quy mô lớn thì phải khoảng 3 năm mới bắt đầu có lãi. Do đó, trong thời gian đầu mới kinh doanh khi báo cáo hợp nhất, sẽ làm giảm lợi nhuận trong kết quả chung của Viettel Global. Nhưng khi những thị trường lớn này bắt đầu có lãi thì sẽ làm tăng lợi nhuận của Viettel Global rất nhanh.”