Ảnh minh hoạ: Internet |
Mức phạt lên tới 100 triệu đồng/lần
Chia sẻ tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2017 của Bộ TT&TT diễn ra gần đây, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho hay, trong tháng 4, Cục PTTH&TTĐT đã phối hợp với Cục Viễn thông gặp gỡ, làm việc và thuyết phục các doanh nghiệp gọi điện thoại và sử dụng tin nhắn rác để bán hàng, dịch vụ. Cụ thể, Cục PTTH&TTĐT đã phối hợp với Cục Viễn thông làm việc với Tập đoàn Vingroup.
“Cuối tháng 4/2017, Vingroup đã cho 3 công ty con làm về bất động sản gửi văn bản đến các đại lý bán hàng cho Vingroup trên cả nước, nghiêm cấm các đại lý, nhân viên, cộng tác viên đại lý gọi điện, nhắn tin SMS giới thiệu các dự án do công ty làm chủ đầu tư. Mọi vi phạm đều bị xử lý như bị phạt 100 triệu đồng/lần, chấm dứt hợp đồng đại lý hoặc đưa ra cơ quan chức năng để xử lý… Hoạt động này đã được Vingroup triển khai đến toàn bộ khu vực Hà Nội và một phần phía Bắc; sắp tới sẽ áp dụng tại miền Nam. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục làm việc với Sun Group, bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam...”, ông Lâm cho biết.
Tại Hội nghị, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, trong tháng qua, VNPT đã đưa vào hệ thống chặn tin nhắn rác với tỷ lệ chặn thành công trung bình đạt 91% và đã sẵn sàng áp dụng đầu số nhận phản ánh đối với tin nhắn nội mạng và bổ sung phương án cảnh báo trước khi thực hiện chặn và chặn tin rác từ thuê bao ngoại mạng.
Ông Trần Mạnh Hùng cũng cho biết, trong tháng 4, VNPT đã chặn trên 961.000 tin nhắn rác. Trung bình mỗi ngày có khoảng 32.000 tin nhắn bị chặn. Tổng số thuê bao bị chặn là khoảng 7.787 thuê bao, tương đương với khoảng 260 thuê bao/ngày, tỷ lệ chặn thành công 91%, như vậy còn sót khoảng 9%.
Tính đến 21/4/2017, số thuê bao bị VNPT khóa theo tiêu chí của Bộ TT&TT là khoảng 6,1 triệu thuê bao, số thuê bao đăng ký lại thông tin khoảng 1,3 triệu thuê bao, số thuê bao thu hồi về kho khoảng 565.000 thuê bao. Số thuê bao đăng ký mới từ 1/11/2016 là gần 3,2 triệu thuê bao và số thuê bao đang chờ phê duyệt là 38.000 thuê bao.
Căn cứ kết quả hậu kiểm của VNPT tháng 3, tháng 4 và kết quả giám sát tháng 3 của Vinaphone, Tập đoàn đã yêu cầu Vinaphone xử phạt 10 Giám đốc Trung tâm kinh doanh tại các địa bàn có sai phạm cao gồm Hưng Yên, Hà Nam, Đắc Nông, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng.
Trong khi đó, hai nhà mạng Viettel và Mobifone cũng báo cáo kết quả chặn tin nhắn rác và thu hồi SIM kích hoạt sẵn rất khả quan. Cụ thể, trong tháng 4/2017, Viettel đã chặn được 5 triệu tin nhắn rác và khóa 7000 thuê bao. Mobifone chặn 9,6 triệu tin nhắn rác.
Đẩy mạnh công tác thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ghi nhận công tác xử lý SIM “rác”, tin nhắn “rác” thời gian qua các đơn vị thuộc Bộ đã làm khá tốt và các doanh nghiệp viễn thông cũng vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ.
Trong thời gian qua, các nhà mạng đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tăng cường chặn tin nhắn rác nội mạng, liên mạng. Trong tháng 5/2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi SIM kích hoạt sẵn, thắt chặt quản lý SIM rác và tin nhắn rác. Bộ sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm để làm lành mạnh hóa thị trường…
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị các doanh nghiệp chủ động theo tinh thần cam kết, tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư của mình, để đảm bảo nâng cao không ngừng hiệu quả chặn tin nhắn rác. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng mạng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với VNCERT để tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, về mốc các tin nhắn rác mà các doanh nghiệp đã xác định được bằng hệ thống chặn tin nhắn rác thông minh của mình để đảm bảo hệ thống chặn tin nhắn rác thông minh này được thường xuyên chia sẻ các tri thức đã học được và thường xuyên cập nhật loại tin nhắn rác mới để chặn tin nhắn rác ngày càng nâng cao.