Trên tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 15/11, nhà nghiên cứu Nhiếp Tuệ Tuệ, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc đã có một bài viết mô tả cụ thể về sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam.
Theo bài viết, vừa qua mọi con mắt của người dân Trung Quốc đã đổ dồn vào Việt Nam, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 10 - 13/11/2017.
Như vậy, Việt Nam là một quốc gia như thế nào? Là một nước láng giềng lạc hậu hay là một kỳ tích tăng trưởng mới?
Nhìn lại 10 năm trước, Việt Nam khi đó mới lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC (năm 2016), vừa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nền kinh tế Việt Nam sau đó đã duy trì tăng trưởng với tốc độ tương đối cao trong hơn 10 năm, đã gây chú ý cho toàn thế giới.
Tuy nhiên vào thời điểm năm 2006, trong con mắt của rất nhiều nước, Việt Nam là một nước nghèo, xe máy đông nghịt trên các con phố nhỏ hẹp ở đô thị, hầu như không có bất cứ cửa hàng cỡ lớn hay siêu thị nào. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 835 USD.
Chỉ 10 năm sau, Việt Nam đã hoàn toàn khác. Mặc dù vẫn là vương quốc của xe máy, nhưng ở đô thị ô tô đã nhiều lên, những nhà cao tầng cũng không còn hiếm thấy, các siêu thị có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào.
Chính phủ Việt Nam dự tính, năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hứa hẹn đạt 2.400 USD, hầu như tăng gấp 3 so với 11 năm trước. Chỉ trong 11 năm, Việt Nam hầu như từ một nước láng giềng lạc hậu từng bước trở thành một kỳ tích mới ở Đông Á.
Sự thay đổi này được lợi từ các nguồn lực độc đáo của Việt Nam và con đường phát triển phù hợp với thực tế. Bờ biển Việt Nam dài 3.260 km, có rất nhiều cảng tự nhiên tốt, nằm ở vùng biển thương mại nhộn nhịp nhất thế giới - ở bờ tây của Biển Đông, có vị trí địa lý ưu việt.
Việt Nam có khí hậu tốt, những thảm họa tự nhiên lớn như động đất, sóng thần ít xảy ra, một năm có 3 mùa lúa, rất dễ bảo đảm tự cung tự cấp về nông nghiệp, tạo nền tảng cho sự phát triển của các ngành nghề khác.
Đồng thời, nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người. Người Việt Nam cần cù, siêng năng, đến nay rất nhiều thanh niên Việt đều kiêm nhiệm 1 - 2 nhiệm vụ, có khả năng học tập rất giỏi.
Đúng như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói, thành tích học tập của sinh viên Việt Nam đứng hàng đầu thế giới, họ có đầu óc kinh doanh. Những hộ gia đình trên các đường phố của Việt Nam đều cải tạo tầng 1 làm cửa hàng, trên các đường phố lớn hay đường quốc lộ đều có người bán hàng.
Hơn nữa, lực lượng lao động người Việt có ưu thế giá rẻ, lương chỉ bằng 1/3 đến 1/2 của Trung Quốc. Điều quan trọng hơn là, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, đến nay tuổi bình quân của 96 triệu người Việt chỉ là 30,5 tuổi, trong đó 70% dân số đang ở độ tuổi lao động.
Tận dụng ưu thế của mình, Việt Nam còn từng bước tìm ra con đường phát triển riêng của mình, đó là hội nhập kinh tế quốc tế, đi con đường phát triển "mở".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tình hình chính trị, xã hội Việt Nam ổn định, ngoại giao “dựa vào” ASEAN, duy trì quan hệ ổn định, hữu nghị với các nước. Đây là một trong những ưu thế chính có thể thu hút rất lớn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Việt Nam hầu như đã có hoặc đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế chủ yếu ở xung quanh. Chính phủ tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài, cung cấp chính sách ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, yêu cầu chính quyền các cấp đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, từ Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, Chính phủ Việt Nam ra sức thúc đẩy các công tác như cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện khá lớn.
Báo cáo môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố vào cuối tháng 10/2017 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68, tăng 14 bậc so với năm 2016.
Nhưng theo báo Trung Quốc, hiện nay kinh tế Việt Nam còn tồn tại những hạn chế nhất định sau đây:
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào là một trong những động lực chính để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh.
Hoàn Cầu cho rằng kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chẳng hạn năm 2016 chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của hãng Samsung (Việt Nam) đã chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam không có chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh, chẳng hạn nguyên vật liệu của các ngành hàng đầu Việt Nam như quần áo, giày dép phải nhập khẩu rất lớn. Làm thế nào để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu hội nhập là một thách thức lớn của ngành chế tạo Việt Nam.
Thứ ba, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng khó có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, cao hơn Malaysia 12%, chi phí logistics mỗi năm có thể chiếm 21 - 25% GDP.
Do bị tác động bởi thâm hụt ngân sách và nợ công leo thang những năm gần đây, đầu tư công của chính phủ có hạn, đã ảnh hưởng đến tốc độ xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng.
Mặc dù vậy, những vấn đề này phần lớn sẽ được từng bước giải quyết trong quá trình phát triển. Điều quan trọng là Việt Nam thông qua Hội nghị Cấp cao APEC 2017 để cho thế giới biết rằng Việt Nam sẽ giương cao ngọn cờ thương mại tự do trước xu hướng chống toàn cầu hóa, tiếp tục xây dựng nền kinh tế mở. Một nước Việt Nam như vậy rõ ràng không thể coi thường, Hoàn Cầu kết luận.