Trước hết, xin ông cho biết, công nghệ 5G khác với 3G và 4G mà chúng ta đang sử dụng như thế nào?
ông Trần Tuấn Anh: Đương nhiên, các công nghệ ra đời sau bao giờ cũng có những ưu thế vượt trội so với trước. 5G khác 3G và 4G cả về hạ tầng mạng và dịch vụ. Công nghệ 5G là tổ hợp của slicing network, tập hợp của các mạng dùng riêng.
Còn về dịch vụ thì từ trước đến nay 3G, 4G là phục vụ nhu cầu giao tiếp của con người với nhau cùng các dịch vụ truy nhập Internet. Còn với 5G là phục vụ cho tất cả các nhu cầu, trong đó có Internet kết nối vạn vật (IoT), kết nối máy móc với nhau…
Riêng về tốc độ của 5G thì nhanh hơn rất nhiều. Trong khi tốc độ của 4G là 200 - 400 Mbps thì 5G đạt tới 10 - 20 Gbps. Vì thế, về bản chất là một cái gì đó khác xa với các công nghệ di động trước đó.
Ông Trần Tuấn Anh thuyết trình về công nghệ 5G tại phiên thảo luận chuyên đề về hạ tầng, tài nguyên Internet và vấn đề quyền riêng tư, bảo mật
|
Như vậy, công nghệ 5G là cả về ứng dụng chứ không chỉ là hạ tầng viễn thông. Xin ông cho biết cụ thể vấn đề này là như thế nào?
Về bản chất, hạ tầng viễn thông là tổ chức các kết nối. Còn đối tượng kết nối thì 3G, 4G chủ yếu là kết nối người sử dụng. Riêng với 4G có thêm kết nối với máy móc thiết bị. Nhưng 5G thì phục vụ những kết nối cao cấp hơn như trong đô thị thông minh, phục vụ sản xuất công nghiệp, phục vụ nông nghiệp thông minh… Ứng dụng 5G là để phục vụ cho các quy trình sản xuất chứ hoàn toàn không phải là để phục vụ con người với nhau. Tuy nhiên, vấn đề có ứng dụng 5G được hay không còn phụ thuộc vào chính các chủ thể của quá trình này.
Như vậy, chính các ngành có nhu cầu đương nhiên phải chủ động với 5G và cái quan trọng nhất với họ là phải thực hiện chuyển đổi số hóa các cơ sở dữ liệu của họ. Trên cơ sở đó, họ mới thực hiện phân tích dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất. Chính sự chủ động này sẽ quyết định sự thành công của 5G nói riêng và cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung. Khi đó, sẽ có những bài toán về dữ liệu lớn (big data) cần phải khai thác để biến chúng thành các sản phẩm ứng dụng.
Tuy nhiên, một khi mọi thiết bị sản sản xuất, giám sát được kết nối như vậy thì vấn đề an ninh, an toàn thông tin sẽ phải đặt ra. Chính các chủ thể ứng dụng 5G phải ý thức được điều đó và họ phải đầu tư cho vấn đề này.
Cuối cùng, xin ông cho biết về lộ trình triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện định hướng quyết liệt của Chính phủ về cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ 5G là một hạ tầng, chìa khóa cho sự thành công, tạo bước nhảy vọt về năng suất lao động cho cuộc cách mạng này.
Theo dự kiến, công nghệ 5G sẽ được triển khai trong năm 2019 và Việt Nam phấn đấu là một trong những nước sớm có 5G cùng với các nước phát triển. Và về việc chính thức thương mại cho 5G thì sẽ vào cuối 2019, đầu 2020. Từ nay đến đó, các doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam sẽ từng bước thí điểm công nghệ 5G và ứng dụng trong các lĩnh vực trong thời gian ngắn nhất có thể.
Xin cảm ơn ông!