VNPT và Nokia vừa ký hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G, IoT.
Từ ngày 14 - 19/10/2018, trong chương trình thăm và làm việc tại châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU-Bỉ. Tại 2 diễn đàn này, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận của Tập đoàn VNPT với các đối tác Áo và Bỉ.
Tại Vương quốc Bỉ, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Nokia cùng ký kết 2 thỏa thuận hợp tác phát triển các công nghệ viễn thông, CNTT mới. Với thỏa thuận thứ nhất, hai bên sẽ thiết lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G và công nghệ IoT. Theo đó, VNPT và Nokia sẽ hợp tác để thiết lập phòng nghiên cứu về 5G và IoT nhằm: thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và các giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; thử nghiệm, phát triển các công nghệ, ứng dụng IoT.
Ngoài ra, Tập đoàn VNPT và Nokia còn ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G, IoT. Theo đó VNPT và Nokia sẽ phối hợp nghiên cứu triển khai các ứng dụng giải pháp IoT cũng như các công nghệ, ứng dụng trong mạng 4G, 5G.
Tập đoàn VNPT và Nokia hợp tác để hiện đại hóa mạng lưới VNPT theo định hướng 5G và Cloud. Ngoài ra, hai bên sẽ chia sẻ thông tin các nghiên cứu mới nhất về công nghệ và sản phẩm mới trên mạng 5G. Dự án này dự kiến được thực hiện trong vòng 3 năm với tổng giá trị khoảng 15 triệu USD.
Chiều ngày 11/10/2018, Bộ TT&TT đã tổ chức
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 9 năm 2018 của Bộ TT&TT, Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết đã làm việc với một số nhà sản xuất thiết bị mạng để tìm hiểu kế hoạch sản xuất thiết bị 5G của họ, đồng thời tham khảo việc quy hoạch tần số 5G.
Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bản chất công nghệ 5G là để phục vụ cho IoT, giúp kết nối data giữa vật với vật. Bởi vậy, cần tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp IoT khi quy hoạch phát triển công nghệ 5G. Bộ TT&TT sẽ ban bố kế hoạch phát triển 5G vào ngày 1/1/2019. Đồng thời, Quyền Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Tần số khi lựa chọn tần số 5G cần lưu ý đến bài toán đầu tư, kinh tế.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào ngày 1/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ TT&TT chú trọng phát triển hạ tầng kết nối băng rộng, tiến tới triển khai nhanh công nghệ 5G phục vụ phát triển. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh trên thị trường thanh toán điện tử. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nền kinh tế hiện nay sang nền kinh tế số. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G bởi thực tế việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ. Theo thống kê thì tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới.
Mới đây, MobiFone cũng đề xuất muốn được thử nghiệm 5G. Đại diện Viettel bày tỏ mong muốn sẽ được sớm cấp phép 5G. Ông Phùng Văn Cường, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, đến thời điểm này Việt Nam có hạ tầng cáp quang mạnh phủ đến tận gia đình, xóm, xã. Việt Nam là nước triển khai 4G chậm, nhưng chỉ trong 6 tháng sau khi được cấp phép, Viettel đã triển khai được 40.000 trạm thu phát sóng và phủ sóng 4G toàn quốc. Ông Phùng Văn Cường cho biết, đối với công nghệ 5G, Viettel muốn phát triển sớm vào năm 2020. Tuy nhiên, việc thực thi như thế nào còn phụ thuộc vào chiến lược của Bộ TT&TT.
Theo ICT News