Tháng 9 vừa rồi, các cơ quan tư pháp Trung Quốc vừa ban hành một văn bản hướng dẫn pháp lý về hành động phòng vệ chính đáng, sau khi đã xảy ra một số vụ án gây tranh cãi ở Trung Quốc.
Hồi năm 2017, một thanh niên ở tỉnh Sơn Đông thấy mẹ mình bị những người đến nhà đòi nợ hành hung, khi can thiệp thì bản thân người thanh niên cũng bị đánh. Anh ta liền cầm dao đâm nhiều nhát vào những người đến đòi nợ, làm một người chết và vài người bị thương.
Bản án ban đầu có mức án chung thân, sau đó khi dư luận biết đến vụ việc và bày tỏ sự bất bình thì mức án phúc thẩm sau đó được giảm xuống còn 5 năm tù, tòa án nhận định hành vi của anh ta có yếu tố của sự phòng vệ chính đáng.
Một vụ việc khác hồi năm 2018, ở tỉnh Giang Tô, một thanh niên lái xe ô tô hạng sang đã va chạm gây gổ với một người đàn ông đi xe đạp điện. Người thanh niên đã có hành vi đấm đá rồi chạy lại ô tô lấy dao đánh người đàn ông, không may sau đó bị người đàn ông đi xe đạp điện giằng được dao đánh lại khiến cho bị thương nặng và tử vong sau đó.
Các cơ quan tư pháp Trung Quốc đã xác định hành vi của người đàn ông đi xe đạp điện là phòng vệ chính đáng và không tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ việc cũng nhận được sự quan tâm tán đồng của dư luận người dân Trung Quốc.
Theo văn bản hướng dẫn của các cơ quan tư pháp Trung Quốc, căn cứ để phòng vệ chính đáng sẽ bao gồm hành vi chống lại sự xâm phạm tư gia, giữ người bất hợp pháp, xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, tài sản cá nhân hoặc nhà nước. Tuy nhiên, người dân chỉ có thể phòng vệ chính đáng trong tình thế khi hành vi trái phép vẫn đang diễn ra, khi kẻ tấn công vẫn có phương tiện và ý định thực hiện hành vi trái phép dù đã bị tạm thời ngăn chặn, hoặc khi đuổi tội phạm để lấy lại tài sản.
Xuất phát từ những vụ án thực tế, qua sự biểu đạt quan điểm niềm tin về công lý của dân chúng đã đưa đến sự phát triển triết lý tư pháp và hoàn thiện khung khổ pháp lý của Trung Quốc. Ở Việt Nam, đáng tiếc là từ lâu nay chúng ta đang bỏ lỡ nhiều cơ hội để hoàn thiện nền công lý của đất nước mình.
Năm 2016, dư luận rúng động với vụ án xảy ra ở tỉnh Đăk Nông. Một người đàn ông tên Đặng Văn Hiến có hành vi dùng súng hoa cải bắn chết 3 người trong một vụ tranh đoạt đất đai. Nguyên do là những tranh chấp đất đai từ nhiều năm đã không được giải quyết thỏa đáng. Trong khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp tranh chấp đất đã tự tổ chức lực lượng cưỡng chế, tiến vào phá nhà "cưỡng chế thu hồi" đất của người nông dân.
Tử tù Đặng Văn Hiến và người thân. |
Họ tổ chức 2 xe ủi, 1 máy cày cùng 30 nhân viên bảo vệ mang theo quần áo, mũ, giày bảo hộ, khiên chắn, áo giáp, gậy tiến vào khu vực canh tác, nơi Hiến cùng vợ và hai con nhỏ đang sinh sống trên một khoảnh vườn đang trồng những cây điều và cà phê.
Trước đó, cũng doanh nghiệp kia đã gây ra vụ tranh giành đất đai với một hộ nông dân khác trong cùng khu xóm. Nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp đã dùng dao chém mất một mảng hộp sọ của một người dân tranh chấp đất, gây hoảng sợ kinh hãi cho dân trong vùng.
Từ góc nhìn luật sư, cá nhân tôi thấy hành vi của Đặng Văn Hiến có yếu tố của sự phòng vệ chính đáng, và xin phép nêu một nhận định có tính chất đối chiếu để làm rõ thêm vấn đề: nếu áp dụng theo những văn bản hướng dẫn hiện hành chẳng hạn của cơ quan tư pháp Trung Quốc thì hoàn toàn đủ điều kiện để được vận dụng. Nhưng đáng tiếc, kết quả cuối cùng mức án xử cho Hiến vẫn là tử hình thay vì một mức án nhẹ hơn nếu được xử lý theo tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Theo tìm hiểu, ở Việt Nam cũng từng có văn bản hướng dẫn xử lý những vụ việc có yếu tố phòng vệ chính đáng, nhưng văn bản đó đã quá cũ, được ban hành đã quá lâu. Trong khi đó, Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự thì đã nhiều lần được thay đổi, cho nên có lẽ đó đã là lý do khiến văn bản đã quá cũ kia ít được nhắc tới và không mấy khi được vận dụng.
Cụ thể từ năm 1983, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 07-TANDTC/CT hướng dẫn việc xét xử những hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ.
Vụ án Đặng Văn Hiến cũng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, nhiều người bất bình với mức án, nhưng rất tiếc triết lý tư pháp đã không có được sức ảnh hưởng đủ mạnh để thay đổi nhận định và phán quyết của cơ quan tư pháp xử lý vụ việc.
Nhìn từ nước Mỹ
Năm 1963, ở nước Mỹ, một người đàn ông tên Ernesto Miranda bị bắt giữ vì tội bắt cóc và cưỡng dâm. Quá trình điều tra đã khai nhận tội nhưng lại không được thông báo về quyền im lặng cũng như quyền có luật sư có mặt trong phòng khi thẩm vấn.
Tòa án tối cao nhận thấy Miranda nhận tội do bị đe dọa cho nên đã bác bỏ các chứng cứ kết tội và không kết án ông này. Tuy nhiên, sau đó Miranda vẫn bị kết án trong một vụ xét xử mới, lần này bên công tố dựa vào các nhân chứng và chứng cớ khác, và kết quả là Miranda bị 11 năm tù.
Từ vụ án của Miranda, luật nước Mỹ đưa ra một quy định ràng buộc cứng, đó là trước khi thẩm vấn lấy lời khai cảnh sát phải thông báo cho nghi phạm hình sự quyền được im lặng và quyền được có luật sư, được gọi là lời cảnh báo Miranda, lấy tên từ một vụ án đã thiết lập nên quy định này:
“Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư”.
Từ sự vụ này cho thấy, qua những vụ án thực tế, các nước họ đã xây dựng nên những triết lý tư pháp mới, từ đó hoàn thiện lại những thể lệ thủ tục theo hướng củng cố năng lực thực thi công lý, vun bồi giá trị cảm thức công lý cho người dân nước họ.
Ở Việt Nam, hồi tháng 5 năm 2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải - một thanh niên đã bị tuyên tử hình về tội giết người và cướp tài sản trong một vụ án xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi, ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An từ năm 2008, có hai cô gái trẻ bị giết.
Vụ án đã dằng dai hơn chục năm, bản thân tử tù và gia đình liên tục kêu oan. Việc xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm được hy vọng là bước ngoặt giúp thay đổi số phận của tử tù. Nhưng cuối cùng phán quyết vẫn cho rằng vụ việc đã được xử lý đúng người đúng tội, tuy có một vài sai sót trong hoạt động tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án.
Trong khi ở Mỹ tòa án đã bác bỏ cáo buộc và không kết án Miranda chỉ vì bị cáo đã không được thông báo quyền được giữ im lặng và quyền được có luật sư, một vi phạm nhỏ về thủ tục đã khiến một vụ án bị bác bỏ, cho thấy quan điểm triết lý tư pháp của nước họ coi trọng các chuẩn mực đã được thiết lập và bảo hộ quyền công dân. Thì ngược lại ở ta, đây đó vẫn còn có quan điểm cho rằng những vi phạm này kia mặc dù có xảy ra nhưng không quan trọng và không làm thay đổi bản chất về vụ án.
Cá nhân tôi cho rằng nếu các cơ quan tư pháp dựa vào những vi phạm về thủ tục, tuyên không đủ bằng chứng kết tội Hồ Duy Hải, trả tự do, sau đó thiết lập nên một chuẩn mực tư pháp mới, ràng buộc trong việc xử lý các vụ án về sau, thì đó có lẽ mới là hướng đi đúng góp phần đưa nền tư pháp nước ta tiến nhanh đến chỗ hoàn thiện hơn.
Vụ án Hồ Duy Hải đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng, cho thấy trình độ, nhận thức, kiến văn của dân chúng về các vấn đề tư pháp đã đạt đến một mặt bằng phát triển mới, đòi hỏi các cơ quan tư pháp cũng phải nâng tầm trình độ, đưa ra được phán quyết đáp ứng được nhu cầu cảm thức công lý của dân chúng.
Phải làm được vậy, thì mới tránh được lạc hậu, lạc điệu, tư pháp mới nhanh chóng phát triển, đất nước mới tận dụng được những cơ hội để hoàn thiện nền công lý.