Nguyễn Quốc Phong
Nguyễn Quốc Phong

Nhà báo

Công tác cứu trợ và những “nút thắt” pháp lý cần tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Nghị định 64/2008 của Chính phủ có những quy định chưa sát thực tế, có phần máy móc, thiếu linh hoạt, gây trở ngại cho việc vận động tài trợ giúp đỡ những đồng bào đang gặp cảnh ngộ ngặt nghèo.

Từng tham gia công tác vận động tài trợ và trực tiếp trao quà cho người dân vùng thiên tai, nhiều khi tôi cũng không thể tự lý giải nổi do đâu mà sau hơn chục năm trời những quy định bất cập đến vậy vẫn chưa được điều chỉnh.

Vậy nên mặc dù là nhà báo hưu trí, tôi đã thấy rất vui và mừng cho những đồng nghiệp đang tại nhiệm khi hôm 23/10 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo, giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/NĐ-CP năm 2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (từ đây gọi tắt NĐ 64).

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là các nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để xây dựng dự thảo Nghị định thay thế.

Trong thực tế, thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau, song NĐ 64 chưa quy định rõ ở cấp độ cụ thể nào thì Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi, cấp độ nào thì do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

Ban cứu trợ các cấp, ở mỗi đợt, cũng chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ trong vòng 30 ngày theo quy định. Nhiều địa phương cho biết 30 ngày là quá ít. Tiếp nhận tiền, hàng của tổ chức, cá nhân nước ngoài, của kiều bào, nếu muốn hiệu quả, chặt chẽ, tránh được thất thoát, tiêu cực, mà lại yêu cầu phải làm nhanh thì quả là cực khó nếu không nói là vô kế khả thi.

Khi thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng, tiền, hàng cứu trợ thường có số lượng lớn, công tác tiếp nhận do vậy cần nhiều nhân công và thời gian. Thời gian tiếp nhận nếu không đủ dài có thể dẫn đến việc sử dụng tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng nguyện vọng của người hiến, góp.

Tiền, hàng tài trợ khi sắp xếp phân loại cũng rất tốn thời gian do được hiến, tặng từ nhiều nguồn khác nhau: từ ngân sách nhà nước; từ dự trữ quốc gia; từ quỹ phòng, chống thiên tai; từ nguồn vận động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; từ nguồn hỗ trợ của các quỹ xã hội, từ thiện. Vì thế thời gian sắp xếp, phân loại, sử dụng từng nguồn tài trợ cũng cần được quy định lại cho dài hơn.

Với những cá nhân có cách hoạt động từ thiện hảo tâm gây xúc động lớn như ca sĩ Thuỷ Tiên đang làm, cộng đồng cần ghi nhận, cổ vũ, khích lệ. Tuy nhiên, cần chú trọng công tác chứng từ, thống kê, sổ sách: nếu chủ thể hiến, góp không yêu cầu quyết toán thì không có vấn đề gì lớn, song nếu có yêu cầu thanh quyết toán cụ thể thì câu chuyện lại không hề đơn giản.

Về thủ tục chi, những nguồn tài trợ khác nhau hiện phải tuân thủ những yêu cầu khác nhau: nguồn ngân sách nhà nước thì quy định cụ thể nội dung chi, định mức chi; quỹ phòng chống thiên tai chỉ quy định nội dung chi, không quy định mức chi. Tiền, hàng tài trợ đến từ nhiều nguồn khác nhau, nên việc không quy định mức chi khiến người thì nhận được nhiều, người nhận được ít, mức chênh lệch rất lớn. Chưa kể, một số hộ gia đình còn được trợ giúp trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân.

Hiện nay nguồn đóng góp tự nguyện chủ yếu dùng chi cho cứu đói, cứu rét (lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh, v.v.), cấp cứu người bị thương, trợ giúp gia đình có người chết, người bị nạn; trợ giúp xây dựng nhà bị đổ, bị trôi, bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, nhằm ổn định cuộc sống trước mắt cho nạn nhân, thân nhân của nạn nhân. Những nội dung chi này có phần trùng lắp với nội dung chi trợ giúp lấy từ nguồn ngân sách Trung ương, từ Quỹ phòng chống thiên tai. Như vậy là có phần thừa, trong khi cơ sở hạ tầng thiết yếu còn đang thiếu những hạng mục như trường học, trạm xá, đường giao thông, v.v. thì lại không có nguồn tài trợ.

Ngoài ra, NĐ 64 còn chưa quy định hình thức trợ giúp cụ thể (bằng tiền hay hiện vật) khi sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung chi hỗ trợ.

Khi tổ chức thực hiện NĐ 64, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương như Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Sở LĐTB&XH, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính…

“Ngoài ra, sau thời điểm NĐ 64 có hiệu lực, Nhà nước đã ban hành một số chính sách nhằm khắc phục thiên tai. Vì vậy, cần rà soát lại nội dung của NĐ số 64 cho phù hợp và thống nhất” (Theo VNN).

Nhóm cựu thanh niên xung phong quận Đống Đa tham gia cứu trợ người dân vùng lũ

Nhóm cựu thanh niên xung phong quận Đống Đa tham gia cứu trợ người dân vùng lũ

Khi viết những dòng này, tôi có tham khảo ý kiến chị Lê Phương, nguyên Kế toán trưởng báo Thanh Niên giai đoạn chúng ta thực hiện NĐ 64. Chị đề xuất: “Nghị định thay thế sắp tới cần quy định thật cụ thể về bên đóng góp. Có những cá nhân, tổ chức tham nhũng, rửa tiền làm từ thiện, đóng góp hoạt động xã hội là để xây dựng hình ảnh lương thiện, tốt đẹp, để sau này nếu có bị điều tra xét xử thì được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Vậy phải quy định thế nào để tránh được những trường hợp này?

Rồi bị can, bị cáo trong vụ án hình sự thì có được tham gia đóng góp từ thiện để được giảm nhẹ mức án không? Người đang thụ án hình sự nếu đóng góp từ thiện có được rút ngắn thời gian chịu án không?

Nếu nghị định thay thế có mở rộng đối tượng được tổ chức quyên góp đến những cá nhân, hội nhóm v.v. thì cơ quan nào kiểm tra hoạt động này? Chi phí ăn ở, di chuyển, đi lại của người quyên góp phân phát từ thiện sẽ được hạch toán như thế nào? Những trường hợp nào thì phải xem như hoạt động kinh doanh chịu thuế thu nhập cá nhân hay thuế thu nhập doanh nghiệp? Cần có những quy định cụ thể như vậy để cơ quan QLNN có căn cứ để kiểm soát”.

Từng tham gia cứu trợ bão lũ, rét đậm rét hại, hỏa hoạn (đủ hết), tôi thấy còn những nội dung khác trong Nghị định 64 không thật cụ thể và khi Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng để quyết toán thì quả là rất khó hiểu và rất khó thực hiện.

Ví dụ việc bạn đọc nhờ báo chí đi trao tiền, ngành tài chính yêu cầu người nhận tiền từ cơ quan báo chí phải photo chứng minh nhân dân có chính quyền xác nhận bên cạnh! Làm sao có thể làm những việc đó khi mà người dân đang phải sống cô lập, ngồi trên nóc nhà, không đi lại nổi vì nước ngập trắng trời, đường xá bị chia cắt, nhiều trường hợp còn cả vùng mất điện?!

Sau này, cách làm có linh hoạt hơn, là dùng điện thoại chụp lại CMND, chụp cả hình ảnh lúc trao nhận tiền làm bằng chứng nộp lại cho tài vụ, nhưng nếu điện thoại không còn pin để chụp thì phải tính sao?

Việc các bộ, ngành và các tầng lớp nhân dân cùng bàn thảo để tham mưu Thủ tướng xem xét, thay thế NĐ 64 quả là việc cấp bách, không thể lần lữa. Việc đối mặt và vượt qua những tai ương như trận đại hồng thủy ở miền Trung mới đây hay đại dịch Covid-19 hoành hành và đe doạ toàn thế giới suốt gần một năm qua, càng cho thấy chính sách quy định của nhà nước cần được đưa ra xem xét, điều chỉnh luôn luôn, cho thực tế hơn, giản tiện hơn mà vẫn chặt chẽ, không thể bị lợi dụng.

Chính sách, chỉ khi nào được xây dựng nên từ yêu cầu cụ thể của thực tiễn, được điều chỉnh cũng từ những đòi hỏi của thực tiễn, thì mới có ý nghĩa, mới có thể đi vào đời sống, tác động của nó mới thực sự lan tỏa.