Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, mức sinh trong cả nước đang giảm dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022) và 1,96 con/phụ nữ (2023), là mức thấp nhất trong lịch sử và sẽ tiếp tục giảm.
Nếu trước đây mức sinh thấp và rất thấp tập trung ở đô thị, thì từ năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn cũng giảm mạnh, còn 2,07 con, dưới mức sinh thay thế và là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Hệ lụy từ mức sinh thấp
Mới đây, ông Matt Jackson - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - đánh giá dân số Việt Nam đã bắt đầu già hóa từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các nước khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049. Đồng thời, Việt Nam cũng đang bước vào xu hướng mức sinh thấp, với tổng tỷ suất sinh (TFR) là 1,96 vào năm 2023.
Mức sinh thấp đang khiến Bộ Y tế lo lắng, bởi nếu kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy tác động sâu sắc tới quy mô, cơ cấu dân số như thiếu hụt lực lượng lao động; Đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số do tuổi thọ con người ngày một gia tăng, tỷ trọng người già trong dân số tăng lên trong khi số người được sinh ra ngày càng ít đi, nguy cơ mất khả năng chi trả bảo hiểm xã hội…
Một hệ luỵ nữa của mức sinh thấp là làm suy giảm quy mô dân số như Nhật Bản, Nga, các nước Bắc Âu hiện nay, dẫn tới dư thừa hạ tầng xã hội đã đầu tư (nhà ở, trường học, cơ sở y tế, giao thông. . .), gây lãng phí xã hội rất lớn. Theo dự báo của Liên Hiệp quốc, khi mức sinh giảm mạnh thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.
Do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư.
Những hệ lụy do mức sinh thấp kéo dài càng nghiêm trọng hơn nếu xảy ra ở nước đang phát triển và năng suất lao động chưa cao như Việt Nam, dẫn tới yêu cầu phải thay đổi có tính đột phá các chính sách kinh tế, xã hội, dân số và gia đình để có thể ngăn chặn giảm sâu, kéo dài, giữ được mức sinh thay thế, ngăn chặn suy thoái lao động, suy giảm tăng trưởng kinh tế, suy thoái dân số.
Đáng lưu ý khi đến nay, chưa có nước nào thành công trong việc phục hồi mức sinh thấp kéo dài trở lại mức sinh thay thế.
Cần thay đổi chính sách không phù hợp
Trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với mức sinh giảm xuống thấp cùng những hệ luỵ khôn lường của nó, thì một nguyên nhân rất lớn gây nên thực trạng này là nhiều chính sách đã ban hành từ nhiều thập kỷ trước nhằm khống chế mức sinh, đã không còn phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng mỗi chính sách đều đúng trong một thời điểm, một giai đoạn. Trước đây, việc hạn chế người dân sinh không quá 2 con là phù hợp với tình trạng gia tăng dân số lúc đó, nhưng hiện nay cần phải xem xét lại chính sách này.
Bà Lan chỉ rõ: "Chúng ta cũng chỉ nói hiện tượng già hóa dân số nhưng chính sách lại không đưa ra rõ ràng. Đơn giản trong những điều đảng viên không được làm, có việc không được vi phạm chính sách dân số".
GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội Trường đại học Kinh tế quốc dân - cũng cho rằng cần sửa chính sách dân số cho phù hợp. Bên cạnh giải pháp trọng tâm là truyền thông để thay đổi tư duy chính sách dân số giảm sinh với nội dung mỗi cặp vợ chồng 2 con, cần đề nghị bãi bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3.
Theo GS Cử, Nhà nước nên hỗ trợ tài chính cho các gia đình trẻ như miễn giảm học phí, thuế thu nhập cá nhân, ưu tiên mua nhà ở xã hội...
Từ những nguy cơ đất nước phải gánh chịu do mức sinh thấp, đòi hỏi Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số ngày 27/12/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định “sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Bộ Y tế cũng đang đề nghị sửa đổi, bổ sung Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Trung ương về những việc đảng viên không được làm, Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm theo hướng không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh con thứ 3 trở lên thống nhất trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 05 theo hướng không xử lý kỷ luật với trường hợp sinh con thứ 3 trở lên; hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số thống nhất trong toàn quốc, đồng bộ với xử lý về chính quyền.
Việc Quốc hội sớm thông qua Luật Dân số sẽ có ý nghĩa lớn để chặn đà giảm mức sinh, đồng thời, các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sinh đủ 2 con, bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế quốc gia, nhất là đưa vào dự thảo Luật Dân số, Khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền.