Việc quy định cấp giấy đi đường của các địa phương có đúng luật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –Sau khi đăng bài "Việc công an cấp giấy đi đường gắn QR code: Nguy cơ tạo nạn nhũng nhiễu" của LS. Nguyễn Thanh Bình, VietTimes tiếp tục đăng ý kiến của LS. Lê Ngô Hoài Phong về vấn đề này.

Lực lượng công an Đà Nẵng kiểm soát người dân ra đường theo quy định của UBND TP
Lực lượng công an Đà Nẵng kiểm soát người dân ra đường theo quy định của UBND TP

"Việc công an cấp giấy đi đường gắn QR code: Nguy cơ tạo nạn nhũng nhiễu"

TS.LS. Nguyễn Thanh Bình

Việc một số địa phương áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng quy định cấp giấy đi đường có gắn QRCode đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì thế, sau ý kiến của LS. Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp – VietTimes tiếp tục có cuộc phỏng vấn luật sư Lê Ngô Hoài Phong – Trưởng Văn phòng luật sư PHONG & PARTNERS về vấn đề này.

- Giấy đi đường đang được các địa phương áp dụng cấp thông qua nhiều hình thức đăng ký trực tuyến lẫn trực tiếp với các thủ tục đăng ký đi kèm. Vậy theo luật sư, việc thực hiện cấp giấy đi đường có được xem là ban hành và thực hiện một thủ tục hành chính mới hay không?

Luật sư Lê Ngô Hoài Phong: Khoản 1 Điều 3 Nghị định 63/2010/NĐ-CP giải thích về thủ tục hành chính như sau: "Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức."

Theo tôi, việc cấp giấy đi đường có 3 nội dung. Thứ nhất, chủ thể cấp giấy đi đường là cơ quan nhà nước; Thứ hai, chủ thể yêu cầu cấp giấy đi đường là cơ quan, tổ chức, cá nhân; Thứ ba, việc cấp giấy đi đường chỉ được thực hiện khi chủ thể yêu cầu cung cấp được đầy đủ thông tin, hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định đã được công bố trước đó.

Như vậy, nếu chiếu theo quy định của pháp luật nêu trên và thực tế thực hiện cấp giấy đi đường thì việc cấp giấy đi đường thoả mãn các điều kiện là một thủ tục hành chính.

Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Văn phòng Luật sư PHONG & PARTNERS

Luật sư Ths.Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Văn phòng Luật sư PHONG & PARTNERS

- Nếu giấy đi đường là thủ tục hành chính thì UBND cấp tỉnh/thành, hoặc các sở ngành có được phép tự đặt ra quy định và việc UBND cấp tỉnh/TP ban hành quy định về cấp giấy đi đường có nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hay không, thưa luật sư?

Luật sư Lê Ngô Hoài Phong: Chúng ta cần nhìn nhận việc cấp giấy đi đường trong bối cảnh hiện tại ở một số địa phương là một biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chứ không phải là một thủ tục hành chính đơn thuần.

Do đó, việc cấp giấy đi đường không được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính, mà được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 06/8/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của QH khoá XV

- Luật sư có thể nói rõ hơn về quy định này?

Luật sư Lê Ngô Hoài Phong: Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 1, Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6/8/2021 nêu khá rõ. Cụ thể: “Điều 1. Các giải pháp cấp bách:

1. Về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19

b) Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.”

Như vậy, căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.

Từ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 86, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương sẽ ban hành quyết định cụ thể để áp dụng tại địa phương mình. Ví dụ, ngày 3/9/2021, UBND TP Đà Nẵng căn cứ vào quy định trên đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-UBND về việc Tiếp tục thực hiện biện pháp cấp bách để phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 05/UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (Quyết định 2905), trong đó quy định rõ việc sử dụng Giấy đi đường khi ra khỏi nhà tại Điểm a Khoản 1 Điều 3.

Như vậy, có căn cứ để cho rằng, việc cấp Giấy đi đường trong thời gian này là một biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Việc thực hiện cấp giấy đi đường của các địa phương đang áp dụng theo Nghị quyết 86 và văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp tỉnh là phù hợp.

Mẫu giấy đi đường QRCode do Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp cho người dân

Mẫu giấy đi đường QRCode do Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp cho người dân

- Được biết, Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó thậm chí còn cấm cả việc Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND cấp tỉnh mà lại quy định về thủ tục hành chính. Vậy việc UBND cấp tỉnh/TP, các sở ban ngành địa phương ban hành các thủ tục hành chính liên quan đến giấy đi đường có đúng luật không, thưa ông?

Luật sư Lê Ngô Hoài Phong: Với những căn cứ luật pháp viện dẫn ở trên, theo tôi về cơ bản là việc ban hành các văn bản và ban hành quy định là không sai.

- Cảm ơn ông!

Trích 'Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015':
Điều 14. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

2. Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

3. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.

4. Quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật.