"Việc công an cấp giấy đi đường gắn QR code: Nguy cơ tạo nạn nhũng nhiễu"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là ý kiến của TS.LS. Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp – trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes.

TS.LS Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp.
TS.LS Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp.

TS.LS. Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp – đã trao đổi riêng với VietTimes về việc áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn QR code đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Một quyết định vi hiến

- Thưa luật sư, gần đây, một số địa phương - mà gần đây nhất là Hà Nội - tuyên bố áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn QR code. Chưa bàn đến tính hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19, xin ông đánh giá chủ trương này từ góc độ pháp lý?

Việc quy định cấp giấy đi đường của các địa phương có đúng luật?

LS. Nguyễn Thanh Bình: Trước tiên, dựa trên cơ sở Hiến pháp, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tôi cho rằng việc công an cấp giấy đi đường, giấy thông hành cho công dân là không có căn cứ về cơ sở căn cứ pháp lý. Hiện luật pháp không có điều khoản nào quy định về việc hạn chế quyền tự do đi lại của công dân.

Việc cấp giấy đi đường của công dân - cũng như các loại giấy tờ thủ tục hành chính khác - phải trên cơ sở tôn trọng quyền của công dân mà Hiến pháp quy định cụ thể. Quyền tự do đi lại được ghi nhận với tư cách là quyền cơ bản của con người, của công dân tại điều 23 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, quyền này có thể bị hạn chế (theo khoản 2 điều 14 của Hiến pháp) theo quy định của luật.

Nghĩa là, nếu muốn hạn chế quyền của công dân thì phải ban hành luật và căn cứ vào luật để ban hành các văn bản dưới luật, trong đó có các biện pháp triển khai cụ thể để thực hiện. Hiện nay, chưa có luật liên quan nên việc này không có cơ sở pháp lý và rõ ràng quyết định này là vi hiến.

Thứ hai, việc cấp giấy đi đường nhằm để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, thì phải theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Việc này đã có luật, có một số các biện pháp chống dịch và các biện pháp này đã được các cấp chính quyền áp dụng bấy lâu nay. Các biện pháp này đã thực hiện rồi và giờ cần nghiên cứu để thực hiện cho khoa học, nghiêm túc thì sẽ đảm bảo tốt việc thực hiện Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Còn nếu tự đặt ra các loại giấy tờ này thì rõ ràng đang tạo ra sự chồng chéo với các luật đó và việc này không cần thiết.

Thứ ba, việc cấp giấy đi đường không thuộc chức năng của cơ quan nhà nước. Việc cấp giấy đi đường, giấy đi công tác, giấy công vụ là việc của cơ quan chủ quản thực hiện, nhằm đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, đơn vị. Ở đây, công an tự cho mình quyền này là chưa tôn trọng pháp luật.

Và đặc biệt nếu việc này không làm nghiêm sẽ dễ gây ra tình trạng tụ tập đông người, gây ra nạn phiền nhiễu, không đảm bảo cho thực hiện phòng, chống lây lan COVID-19.

Công an TP. Hà Nội cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn TP.

Công an TP. Hà Nội cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn TP.

- Thưa ông, việc này liệu có gây quá tải cho cảnh sát khu vực không, khi mà bên cạnh công việc hàng ngày, họ phải làm trung gian xác nhận cho những đối tượng mà trước nay có thể họ không quản lý (là cán bộ của các đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn)?

LS. Nguyễn Thanh Bình: Trên địa bàn TP. Hà Nội có đến hàng triệu cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động. Để đảm bảo hoạt động trong bối cảnh COVID-19, các tổ chức này có thể hạn chế di chuyển nhưng muốn hay không muốn họ thì vẫn có những nhu cầu cấp bách, bức thiết cần phải thực hiện. Khi đó, di chuyển trở thành nhu cầu chính đáng, bức thiết.

Tuy nhiên, thực hiện quy định về giấy đi đường, các cơ quan, tổ chức này buộc phải liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền - ở đây chủ yếu là cảnh sát khu vực - để làm thủ tục. Và với lượng nhu cầu lớn như vậy, với lực lượng cảnh sát khu vực ở các xã, phường, thị trấn hiện nay như vậy thì chắc chắn dẫn tới tình trạng quá tải hoặc cấp giấy rất chậm chạp. Điều đó dẫn tới việc hạn chế quyền tự do đi, lại tự do cư trú của người dân. Còn nếu muốn làm đúng thì phải tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực và dồn một lực lượng như vậy trong thời điểm này không phải chuyện đơn giản, có thể gây nên các điểm nghẽn nhất định.

Và các điểm nghẽn đó có thể dẫn tới một số động thái xã hội không được tốt, làm gia tăng điểm tiêu cực trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Vì thế, tôi cho rằng chuyện cảnh sát khu vực đảm nhận phần việc xác nhận cấp giấy đi đường chắc chắn sẽ là có những ách tắc, dẫn tới tình trạng chậm đáp ứng yêu cầu của người dân, của doanh nghiệp, của cơ quan tổ chức đóng trên địa bàn Thủ đô.

Nguy cơ tạo nạn nhũng nhiễu, nhiêu khê

- Thưa luật sư, ông có nhắc tới nạn phiền nhiễu và thực tế dư luận cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc cơ quan chức năng có thể gây khó khăn trong việc cấp giấy dù cho người được cấp giấy đáp ứng các yêu cầu. Xin ông phân tích thêm về những kẽ hở có thể gây khó khăn cho người xin cấp giấy đi đường?

LS. Nguyễn Thanh Bình: Trước hết, phải nói rằng trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật một cách chuyên sâu ở cấp chính quyền địa phương không đồng đều. Khi hiểu biết không đồng đều mà cán bộ được trao quyền thì dễ dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu người dân. Cán bộ có thể lấy lý do này, lý do khác để từ chối đề nghị của người dân, tạo nên nạn nhũng nhiễu, nhiêu khê.

Và từ nạn này dẫn tới tiêu cực. Vì muốn được việc, người dân có thể hối lộ, chạy chọt hoặc bằng cách nào đó để nhanh chóng có giấy đi đường. Khi có cơ chế xin cho thì bao giờ cũng dẫn tới tình trạng tiêu cực nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra và giám sát cụ thể.

- Ông có thể chia sẻ góc nhìn về việc cấp giấy đi đường với nhóm đặc thù như thực hiện nhiệm vụ công ích, thiết yếu, phóng viên, nhân viên y tế,…?

LS. Nguyễn Thanh Bình: Như trên tôi đã phân tích dưới góc độ pháp luật, muốn hạn chế quyền tự do đi lại của công dân Việt Nam thì cần có căn cứ trên cơ sở luật đã ban hành. Với các ngành nghề đặc thù như nhà báo, nhân viên y tế, nhóm người thực hiện nhiệm vụ công ích, thiết yếu,… mà bị hạn chế việc đi lại thì có thể dẫn tới tình trạng không đáp ứng được yêu cầu của công việc, làm mất đi tính thời sự, phản ánh thực tiễn cuộc sống. Điều này dẫn tới tình trạng chức năng của một số ngành nghề bị hạn chế.

Biện pháp quản lý linh hoạt, phù hợp thực tiễn

- Trong bối cảnh dịch bệnh khó kiểm soát như hiện nay, từ góc độ cá nhân, xin ông hiến kế cách thức quản lý việc đi lại của người dân sao cho hiệu quả, phù hợp với thực tiễn cuộc sống?

LS. Nguyễn Thanh Bình: Trước đây, những năm 1950 – 1960 trở về trước, Việt Nam từng có thời kỳ cấp và quản lý việc di chuyển của người dân bằng giấy thông hành, vì thời đó người dân chưa được cấp đầy đủ giấy chứng minh nhân dân. Việc áp dụng giấy thông hành để kiểm soát đi lại là phù hợp nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh chiến tranh và để ứng phó với hoạt động gián điệp, biệt kích của các thế lực trà trộn vào cụm dân cư cơ sở của Việt Nam.

Còn bây giờ, công dân Việt Nam đã được cấp đầy đủ chứng minh nhân dân. Đặc biệt, chúng ta đã có căn cước công dân gắn chíp điện tử. Việc công dân có nhu cầu đi lại sử dụng và xuất trình giấy tờ tùy thân này là ưu việt nhất, và các nước trên thế giới đều áp dụng cả. Cơ quan chức năng truy cập vào hệ thống dữ liệu là có thể nắm bắt được toàn bộ thông tin về công dân đang di chuyển.

Tôi cho rằng việc quản lý công dân hiện nay không khó như trước đây, nên việc cấp giấy đi đường này rõ ràng là không cần thiết.

Xin cảm ơn Luật sư!