Truyền hình quân đội Nga vừa đăng tải clip học viên Viện công nghệ tàu ngầm Nga ở St. Petersburg thực hiện khoá huấn luyện thoát hiểm dưới nước qua ống phóng ngư lôi của tàu ngầm. Theo đài này, bất cứ thuỷ thủ tàu ngầm tương lai nào cũng phải hoàn thiện kỹ năng thoát hiểm này.
Trước khi lặn, các học viên chuẩn bị thiết bị lặn và kiểm tra bình thở và các vật dụng khác kỹ lưỡng. Trong phòng thực hành dưới nước ở Học viện này được thiết kế y hệt khoang ngư lôi trên tàu ngầm.
Các học viên chui vào ống phóng ngư lôi chật hẹp, dài vài mét trong không gian tối đen với thiết bị lặn. Khi thoát ra ngoài, trong môi trường dưới nước, họ phải bình tĩnh và từ từ trồi lên mặt nước. Điều quan trọng trong thoát hiểm là phải bình tĩnh và biết rõ vị trí của mình cũng như các nơi thoát hiểm trên tàu ngầm.
Khoang ngư lôi của tàu ngầm, phía mũi tàu, cũng là nơi để thoát hiểm khi cần thiết - Ảnh: yazaika.livejournal.com |
Thoát hiểm qua ống phóng ngư lôi phải trang bị đồ lặn - yazaika.livejournal.com |
Ngoài các ống ngư lôi, thông thường tàu ngầm điện - diesel như lớp Kilo còn 2 lối thoát hiểm theo lối lên phía trên, ở khoang ngư lôi và khoang máy sau đuôi tàu.
Trong khoang đầu tiên (khoang ngư lôi) và khoang thứ sáu trong thân tàu lớp Kilo có thể nhìn thấy trên trần hai nắp tròn lớn, đó là hai lối thoát hiểm. Trong trường hợp khẩn cấp, đơn vị cứu hộ trên mặt nước sẽ tiếp cận 2 nơi này. Bề mặt của hai nắp này ở bên ngoài tàu luôn láng mịn để đảm bảo kết nối chặt chẽ với thiết bị cứu hộ tàu ngầm.
Sơ đồ các khoang của tàu ngầm Kilo |
Hai vệt sơn vòng tròn màu trắng ở phần đầu và cuối tàu ngầm Kilo đánh dấu lối thoát hiểm |
Sau khi thiết bị cứu hộ kết nối nắp thoát hiểm và bơm nước ra ngoài từ không gian giữa thiết bị và nơi kết nối, áp lực của thiết bị trở thành áp lực bên trong tàu ngầm. Bây giờ thuỷ thủ có thể mở cửa thoát hiểm và di chuyển vào thiết bị cứu hộ để lên mặt nước.
Xem clip học viên tàu ngầm Nga luyện tập thoát hiểm qua ống phóng ngư lôi của tàu ngầm:
Theo Thanh Niên