Câu chuyện các doanh nghiệp game trong nước đề nghị nhà nước cần siết chặt quản lý các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ lậu vào Việt Nam được nói đến từ 3 năm trở lại đây, nhưng lại một lần nữa được đề cập tại cuộc họp giữa Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến vào chiều ngày 8/4/2016.
Phát biểu tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng giám đốc VCCorp cho rằng, báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Thông tư 24/2014/TT-BTTTT quy định về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng tại cuộc họp cho thấy nhà nước mới chỉ tập trung vào quản lý công ty trong nước, không phải quản lý toàn bộ thị trường game.
Theo ông Tân, hiện tại đang tồn tại 3 loại doanh nghiệp game, đó là: Các công ty trong nước được cấp giấy phép làm ăn đàng hoàng, công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và công ty nước ngoài đang núp bóng doanh nghiệp Việt Nam cung cấp vào thị trường Việt Nam (chủ yếu là doanh nghiệp đến từ Trung Quốc). Nhưng nhà nước mới thực sự chỉ quản lý được các công ty trong nước đã được cấp phép, làm ăn tử tế còn đối 2 đối tượng còn lại thì hầu như chưa quản lý được.
Ông Tân cho rằng, nếu nhà nước chỉ tập trung quản lý các doanh nghiệp trong nước, thì các doanh nghiệp bên ngoài sẽ ngày càng “phình to” ra. Từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp trong nước khó phát triển, văn hóa cũng không quản lý được. Do đó, đề nghị nhà nước phải tập trung quản lý hai đối tượng kia. Luật pháp đã quy định rõ, khi kinh doanh tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Tiền lệ trên thế giới đã có rồi, tại Đức và một số nước khác đã yêu cầu Facebook phải gỡ bỏ những nội dung vi phạm quy định của nước sở tại, Facebook cũng phải thực hiện các yêu cầu này.
Đối với game trên PC các doanh nghiệp bắt buộc phải đặt máy chủ ở Việt Nam nên sẽ quản lý được. Còn đối với còn game mobile phải chạy qua 2 store lớn của Apple và Google, do đó Bộ TT&TT có thể xử lý bằng cách gửi công văn chính thức yêu cầu các đơn vị này tuân thủ pháp luật Việt Nam.
“Nếu cơ quan quản lý quan tâm, cộng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ truyền thông thì sẽ xử lý được vấn đề này. Doanh thu của nhóm doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt Nam chiếm từ 30-40% thị trường Việt Nam. Một con số doanh thu rất lớn nhưng họ trốn được các loại thuế, gây thiệt hại cho chúng ta cả về văn hóa và kinh tế”, ông Tân phát biểu.
Ông Tân cho biết thêm, các công ty núp bóng công ty Việt Nam có sự tham gia của người Việt rất ít, cơ quan nhà nước cũng rất khó phân biệt đâu là công ty cho doanh nghiệp nước ngoài núp bóng, kể cả luồng tiền kinh doanh của họ cũng không qua các tổ chức thanh toán ở Việt Nam. Do đó cần có biện pháp quản lý thông qua công cụ quản lý tài chính, nếu có nghi vấn tài chính cao sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hơn trong quá trình cấp phép.
Nhóm kinh doanh lậu này đang hoạt động rất mạnh, trốn thuế gây thiệt hại tài chính. Về mặt văn hóa họ cũng có có vấn đề khá nghiêm trọng bởi bản chất các doanh nghiệp này kinh doanh lừa đảo, nên họ không ngại bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào. Các doanh nghiệp kiểu này còn là nguồn nuôi các web đen, có nội dung bẩn, có rất nhiều tác hại về mặt văn hóa. Nếu chặn được các doanh nghiệp núp bóng doanh nghiệp Việt Nam này sẽ vừa có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước làm ăn tử tế, vừa chặn được các trang web đen.
Ý kiến của ông Tân nhận được sự đồng tình của đại diện các doanh nghiệp game khác. Theo ông Bùi Minh Phương, Phụ trách khối kinh doanh game của VNG, cần chia làm 3 nhóm công ty đang kinh doanh game ở thị trường Việt Nam, 1 nhóm đang ngồi đây (tại cuộc họp – PV) và 2 nhóm ở ngoài kia. Trong vòng 3 năm trở lại đây 2 nhóm doanh nghiệp chưa bị kiểm soát chiếm từ 25-30% doanh thu của thị trường Việt Nam. Nếu nhìn vào tổng doanh thu năm 2015 của game PC là 2.500 tỷ đồng, game mobile 3.500 tỷ đồng có thể thấy doanh thu của họ rất lớn, mà con số này có xu hướng ngày càng tăng lên.
Ông Phương cũng chia sẻ, khi VNG đi làm việc với đối tác Trung Quốc, họ thường có quan niệm là thị trường việt nam không phải cấp phép, bởi vì họ có thể núp bóng các doanh nghiệp Việt để phát hành game lậu vào Việt Nam. Trong khi đó các doanh nghiệp tử tế thì phải xin cấp phép với thời gian chờ đợi có khi lên tới vài tháng, như vậy sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh rất nhiều.
Không chỉ trong lĩnh vực game, mà ngay cả trong lĩnh vực nội dung số nhà nước cũng không thể kiểm soát được các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện không có doanh nghiệp Việt Nam nào có doanh thu cao như Facebook, Google, Youtube. 3 doanh nghiệp nước ngoài này đang đe dọa các kênh chính thống ở Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam, họ có thể thoải mái quảng cáo game không phép trên các kênh truyền thông, trong khi doanh nghiệp Việt Nam làm như vậy sẽ bị phạt ngay.
Trước các kiến nghị này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, xử lý các doanh nghiệp cung cấp game không phép, các doanh nghiệp cho nước ngoài núp bóng.
“Sau đây có thể Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử sẽ yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải cam kết không cho doanh nghiệp nước ngoài núp bóng”, ông Bảo cho hay.
Theo ICT News