Game online: Quản chặt tác hại, "cởi trói" cho doanh nghiệp phát triển

Bên cạnh các quy định để hạn chế tối đa những tác hại không mong muốn của game online tới cộng đồng, Thông tư 24/2014/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 12/2 tới được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để ngành game thoát cảnh “thủng lưới” trên chính sân nhà.
Khu vực nghiên cứu, sản xuất game của VNG. (Nguồn: VNG)
Khu vực nghiên cứu, sản xuất game của VNG. (Nguồn: VNG)

Hạn chế tối đa tác hại

Dựa theo độ tuổi của người chơi, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định phân loại game online thành 3 loại: game online dành cho người lớn (18 tuổi trở lên, ký hiệu là 18+), thiếu niên (12 tuổi trở lên, 12+) và cho mọi lứa tuổi (00+).

Cụ thể, 18+ là trò chơi có hoạt động đối kháng, có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh khiêu dâm. Trong khi đó, trò chơi 12+ có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

Cuối cùng, trò chơi 00+ mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm...

Bên cạnh đó, khi tạo tài khoản dịch vụ trò chơi điện tử G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp, người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu…). Trong trường hợp người chơi chưa đủ 14 tuổi thì người giám hộ hợp pháp quyết định đăng ký thông tin của mình để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm pháp luật.

Về phía doanh nghiệp cung cấp trò chơi G1 phải lưu giữ thông tin cá nhân người chơi cho tới khi người chơi ngừng sử dụng dịch vụ trong 6 tháng. Doanh nghiệp phải triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân hoặc hệ thống mã số cá nhân quốc gia theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xác thực thông tin của người chơi.

Sẽ cấp phép cho game online

Trong cả một khoảng thời gian dài từ cuối năm 2010 trở lại đây, ngành game Việt... "than trời" về việc ngừng thẩm định game online. Điều này đã dẫn đến hệ quả là nhiều doanh nghiệp gặp khó, game lậu “ghi bàn” trên chính thị trường Việt.

Để giải quyết vấn đề này, Thông tư 24 đã đưa ra quy định về việc cấp phép cho trò chơi trực tuyến. 

Cụ thể, thông tư quy định đơn vị cung cấp game online phải có trụ sở chính, liên hệ rõ ràng, có đội ngũ nhân sự quản trị trò chơi điện tử phù hợp, tối thiểu 1 nhân sự quản trị 2 máy chủ.

Về kỹ thuật, doanh nghiệp phải có hệ thống thiết bị đáp ứng khả năng lưu trữ, cập nhật thông tin đầy đủ của người chơi; hệ thống thanh toán phải đặt tại Việt Nam và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán của Việt Nam.

Theo Vietnamplus