Theo một nữ giáo viên môn địa lý tại một trường THPT ở Hà Nội, tuy bản thân mình không là người rành về CNTT nhưng cô cho rằng hoàn toàn có thể xây dựng được những bài giảng điện tử sinh động với đủ âm thanh và hình ảnh cho các tiết học của mình. Thế là thay vì tự tay xây dựng bài giảng điện tử cho mình, cô giáo này đã yêu cầu học sinh làm. Kết quả là chỉ sau không đầy 1 tuần sau, các nhóm học sinh trong lớp đã nộp sản phẩm với kết quả hơn cả sự mong đợi của cô giáo và rất hồ hởi lên thuyết trình về những trình chiếu điện tử đó.
Đề cập về thực tế này, TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục & Đào tạo cho rằng, đây chính là mô hình cần nhân rộng trong hệ thống giáo dục phổ thông. Thế hệ trẻ luôn tiếp thu cái mới nhanh hơn các thế hệ đi trước. CNTT trong nhà trường không chỉ là kiến thức mà còn là phương pháp. Có thể rằng các bậc thầy cô tuy không biết làm bài giảng điện tử nhưng phải biết tưởng tượng về nó và ra đầu bài cho học sinh.
Tuy nhiên, đến đây cũng cần phải nhìn thẳng vào một hạn chế của việc đào tạo CNTT ở các trường sư phạm hiện nay. Theo giám đốc một công ty phần mềm về giáo dục, các khoa CNTT của các trường sư phạm đang đào tạo giống như các khoa CNTT của các đại học khác (ở đẳng cấp thấp hơn) chứ chưa thực sự đi sâu vào nhu cầu của chính hệ thống giáo dục. Chính vì thực tế đó, ngành giáo dục cần nhìn nhận, đánh giá lại việc đào tạo CNTT ở các trường sư phạm. Trước khi nói tới các nhu cầu của thị trường nhân lực CNTT nói chung, các khoa CNTT của hệ thống các trường sư phạm phải đáp ứng nhu cầu cho chính ngành giáo dục. Nếu xét về kiến thức và công nghệ, điều đó hoàn toàn không khó và thậm chí là quá đơn giản. Vấn đề ở đây chính là CNTT được ứng dụng cho phương pháp sư phạm và đó phải là bản sắc của nguồn nhân lực CNTT trong giáo dục.