Ukraine sẽ nhận 30 tăng T-72 từ Slovakia, Washington cung cấp gói viện trợ dài hạn cho Kiev

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Slovakia sẽ chuyển giao cho Ukraine 30 xe tăng T-72 để đổi lấy 15 xe tăng Leopard 2 của Đức. Mỹ lên kế hoạch gói viện trợ quân sự mới trị giá 3 tỉ USD cho Kyiv trên cơ sở tầm nhìn “xung đột có thể kéo dài”.
Xe tăng chủ lực T-72 quân đội Ukraine. Ảnh RT
Xe tăng chủ lực T-72 quân đội Ukraine. Ảnh RT

Ngày 23/8, Business Insider đưa tin, Slovakia đã sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các xe tăng do Liên Xô sản xuất, tiếp nhận được một lô xe tăng Đức từ Berlin,.

Business Insider, dẫn các nguồn tin từ Bratislava cho biết, Slovakia sẽ chuyển 30 xe tăng T-72 tới Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới. Đổi lại, Đức sẽ chuyển giao 15 xe tăng Leopard 2 cho Slovakia. Thỏa thuận được công bố trong tuần này, lô xe tăng Leopard 2 đầu tiên sẽ đến quốc gia Đông Âu cuối năm 2022.

Việc hoán đổi được coi như thất bại vào tháng 6, thời điểm đó Bộ Quốc phòng Slovakia tuyên bố, 15 chiếc Leopard 2 quá nhỏ để thay thế. Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Slovakia cho biết:“Slovakia sở hữu 30 xe tăng T-72. Do đó, 15 xe tăng chủ lực Leopard không thể là giải pháp cho chúng tôi vì chúng tôi cần 30 xe tăng chủ lực cho một tiểu đoàn xe tăng”.

Cùng ngày 23/8, Bộ Quốc phòng Slovakia thông báo sẽ chuyển cho Ukraine 30 xe chiến đấu bộ binh BVP-1 và nhận 15 xe tăng Leopard 2-A4 từ Đức. Theo Bộ Quốc phòng Slovakia, thỏa thuận cũng bao gồm một cơ số đạn đi cùng, phụ tùng thay thế và chương trình huấn luyện chuyển loại xe. Không có thông tin về việc, số lượng 15 xe tăng Leopard 2-A4 này có nằm trong thỏa thuận đã nêu hay không?

Trước đó, Slovakia đã chuyển giao cho Ukraine 1 hệ thống phòng không S-300, một số máy bay trực thăng và pháo tự hành do Liên Xô sản xuất, đồng thời cho biết quốc gia này có thể chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Kiev.

Đức cũng đã viện trợ cho Ukraine hàng nghìn tên lửa chống tăng, pháo phòng không tự hành, hàng chục nghìn quả mìn chống tăng, hàng triệu viên đạn các loại. Berlin đã chuyển giao một số pháo tự hành PzH 2000, nhưng hầu hết các pháo tự hành này đang trong tình trạng hỏng hóc do hoạt động quá tải.

Các cơ quan truyền thông đại chúng, dẫn nguồn từ những quan chức cấp cao cho biết, Mỹ sẽ sớm công bố khoản viện trợ 3 tỉ USD khác cho quân đội Ukraine, cung cấp nhiều loại vũ khí mới cho Kiev sau 6 tháng xung đột quân sự với Nga.

Các hãng tin AP , Reuters và CBS, trích dẫn phát biểu của những quan chức Mỹ, liên quan đến chính sách đối ngoại cho biết, gói viện trợ mới được công bố ngày 24/8 trùng với Ngày Độc lập của Ukraine.

Khoản ngân sách viện trợ được rút ra từ quỹ Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine, số tiền này sẽ được sử dụng để mua đạn dược, vũ khí và những khí tài quân sự khác nhau, trong đó có 3 hệ thống máy bay không người lái (UAV) bao gồm UAV Puma phóng thủ công, UAV giám sát tầm xa ScanEagle, UAV Vampire do Anh chế tạo, chưa được cung cấp cho quân đội Ukraine.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn với AP, các quan chức Mỹ cho biết, một số thiết bị "có thể sẽ xuất hiện sau trong khoảng 1 hoặc 2 năm", cho thấy một kế hoạch có tầm nhìn dài hạn đã được chính quyền tổng thống Joe Biden thông qua. Gói viện trợ mới nhất của Washington đặt mục tiêu “giúp Ukraine đảm bảo thế trận chiến tranh trung và dài hạn”, khác với những lô hàng viện trợ trước đó, tập trung vào các nhu cầu thực tế trên chiến trường.

Trong bài phát biểu ngày 24/8, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã nói về sự cần thiết phải hỗ trợ Ukraine “lâu dài” trong một bài phát biểu, khẳng định liên minh sẽ hậu thuẫn cho Kiev “đến khi nào còn cần thiết” dự đoán về một “cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài ” với Nga.

Tất cả các thành viên NATO đã cung cấp nhiều gói viện trợ khác nhau cho Kiev, một số quốc gia cung cấp cả máy bay chiến đấu và các tổ hợp vũ khí phòng không, tham gia chiến dịch trừng phạt rộng lớn của phương Tây nhằm vào Nga.

Chính quyền tổng thống Joe Biden đã cung cấp nhiều chục tỷ USD viện trợ cho Ukraine, tập trung vào vũ khí và trang thiết bị quân sự. Washington cam kết duy trì viện trợ quân sự trong tình huống xung đột vũ trang kéo dài nhiều năm.