Ukraine nguy cơ thành bể máu với vũ khí Mỹ

VietTimes -- Bây giờ nếu Ukraine tấn công liệu có tạo ra sự khác biệt hay không? Phần lớn binh lính và dân thường ở cả hai phía đều cho rằng “nếu chiến tranh thật sự quay trở lại thì sẽ là một biển máu".
Mỹ cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho quân đội Ukraine
Mỹ cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho quân đội Ukraine

Khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine đang ngày càng diễn biến theo hướng có lợi cho Nga, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có can thiệp khiến cuộc chiến trở nên hao tốn đến mức Nga giảm mức độ can thiệp ở Donbass để bảo đảm tính mạng cho người dân hay không? Hay liệu Nga sẽ lại gây căng thẳng và bơm thêm một loạt vũ khí mới đến khu vực chiến sự?

Câu hỏi này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân ở Donbass. Vì cả hai bên đều đặt pháo hạng nặng ở gần các khu dân cư nên mỗi lần căng thẳng leo thang trong suốt ba năm qua đồng nghĩa với việc nhiều người dân thiệt mạng.

Cho dù Mỹ đã quyết định cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine để đối phó Nga nhưng nếu tình hình căng thẳng hơn, chưa biết liệu Mỹ có thể sẽ đưa thêm vũ khí gì đến khu vực này.

Dù Nga bị Mỹ và phương Tây cáo buộc là can dự nhiều vào cuộc chiến nhưng không phải mỗi lần căng thẳng đều là do Nga gây ra. Theo người dân sống gần khu vực chiến sự “lúc thì bên này, lúc thì bên kia nổ súng trước".

Hai vụ căng thẳng lớn nhất trong năm 2017 đến nay được cho là do lực lượng Ukraine tấn công nhằm củng cố các vị trí dọc chiến tuyến. Động thái này đã gây ra những cuộc đấu súng lớn gần khu vực dân cư và đã khiến hàng chục người dân thiệt mạng, khiến cả hai bên phải chịu thiệt hại.

Dù cho quân đội Ukraine không phải là bên duy nhất khiến người dân thiệt mạng và bạo lực vẫn mãi tiếp diễn, nhưng có vẻ như Ukraine đang cân nhắc xem tiếp tục sử dụng vũ khí của Mỹ ra sao. Và trong khi Mỹ liên tục nhấn mạnh sẽ cam kết tuân theo thỏa thuận Minsk, Ukraine vẫn tiếp tục sử dụng bạo lực để đòi lại vùng lãnh thổ do phe dân quân ly khai kiểm soát tại Donbass.

Nhiều quan chức Ukraine cho rằng vũ khí của Mỹ sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi, giúp đẩy lùi Nga. Một chỉ huy quân sự của Ukraine mới đây đã khẳng định rằng: “Nếu Mỹ đưa vũ khí sang, cuộc chiến sẽ thay đổi hoàn toàn".

Với những lời khẳng định như vậy, có lẽ Kiev cho rằng nước này phải tập trung vào vũ khí chuyển giao từ Mỹ để thay đổi cán cân sức mạnh trên mặt trận.

Lầu Năm Góc cũng đang cân nhắc chuyển thêm cho Ukraine tên lửa chống tăng Javelin. Cho dù vũ khí này chủ yếu là để phòng thủ nhưng cũng có thể dùng như vũ khí tấn công vào các khu vực do xe tăng Nga bảo vệ.

Một số còn hy vọng rằng với vũ khí của Mỹ, Ukraine có thể tiến công và chấm dứt chiến tranh. Nhưng chiến tranh khó mà chấm dứt bằng hành động tấn công được, giới phân tích nhận định.

Nhìn lại ba năm trước, vào tháng 8/2014, quân đội Ukraine đã tiến sâu vào Donetsk, cắt Donetsk khỏi Luhansk và bắt đầu bao vây hai khu vực này dọc biên giới Nga. Con số thương vong thực sự khủng khiếp và cả hai bên đều biến làng mạc, thành phố thành các đống đổ nát. Điều này thật kinh khủng, nhưng nếu nó có thể giúp kết thúc chiến tranh thì vẫn là điều tốt. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Làn sóng này đã bị đảo ngược bởi sự can thiệp của Nga, khiến hàng trăm lính Ukraine thiệt mạng trong vụ bao vây Ilovaisk. Năm tháng sau, phương Tây lại tố cáo Nga lại tiếp tục can thiệp quân sự làm thay đổi cân bằng trên mặt trận, cho phép dân quân ly khai chiếm lấy các thành phố Debaltsevo và Vuhlehirsk.

Bây giờ nếu Ukraine tấn công liệu có tạo ra sự khác biệt hay không? Phần lớn binh lính và dân thường ở cả hai phía đều cho rằng “nếu chiến tranh thật sự quay trở lại thì sẽ là một biển máu, sẽ chẳng còn ai sống sót cả".

Việc Mỹ cung cấp thêm một số vũ khí khó có thể khiến Ukraine thực hiện một cuộc tấn công táo bạo, nhưng bất kỳ động thái nào nhằm vẽ lại đường chiến tuyến có thể sẽ khiến con số thương vong của dân thường tăng cao đến mức chưa từng thấy kể từ sau mùa hè năm 2014.

Và liệu Nga sẽ hiểu động thái này ra sao? Những người ủng hộ Ukraine nhận thêm vũ khí từ Mỹ ở Ukraine cho rằng chắc chắn số lính thương vong tăng lên sẽ khiến Nga hiểu rằng không thể ủng hộ dân quân ly khai mà không phải gánh chịu tổn thất nào, và do đó Nga sẽ giảm các hoạt động ở Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá cách hiểu đó có vẻ không phù hợp với tổng thống Putin và giới lãnh đạo Nga. Đối với ông Putin, danh dự của ông với công chúng Nga được thể hiện ở sự đối đầu với Mỹ. Thất bại về mặt quân sự, hoặc thậm chí chỉ là thất bại của quân ly khai sẽ là thất bại của Mátxcơva.

Do đó cách hiểu của ông Putin đối với động thái chuyển giao vũ khí của Mỹ sang Ukraine có thể sẽ hoàn toàn khác. Tuy nhiên có ý kiến lo ngại Nga có thể coi đó là hành vi khiêu khích và có thể sẽ trả đũa để thể hiện quyết tâm của mình. Kết quả có thể sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.

Cho dù tình trạng hiện nay của người dân đã vô cùng khổ sở, nhưng vẫn còn tốt chán so với việc chiến tranh lại tái diễn. Với sự trợ giúp nhiệt tình của tình nguyện viên, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các nhà chức trách, vết sẹo của chiến tranh đang dần lành lại. Các nhà máy và xí nghiệp nhỏ đang tái hoạt động và tìm kiếm công nhân. Người dân đang dần quay về, sửa chữa nhà cửa và tái thiết lập cuộc sống. Tất cả đều cầu mong chiến tranh không quay trở lại.

Do đó, dù nhiều người tin rằng việc Mỹ chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine sẽ đo lường được mức độ can thiệp của Nga. Nhưng nếu điều này diễn ra, nó sẽ không thể giảm bạo lực trên chiến tuyến như mong đợi mà còn có thể kích động leo thang.