Thiếu tướng không quân về hưu Kiều Lương được giới quan sát bên ngoài coi là đại diện của những người “phái diều hâu” của PLA. Năm 2010, ông là đồng tác giả cuốn sách "Chiến tranh không giới hạn" với ông Vương Tương Huệ, giáo sư Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, người là Đại tá không quân đã nghỉ hưu.
Kiều Lương hiện là một nhà bình luận quân sự Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Phó Tổng thư ký Ủy ban nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia – một tổ chức tư vấn của Trung Quốc. Ông gần đây đã đột ngột đổi giọng khi cho rằng Bắc Kinh không nên coi dịch bệnh COVID-19 là cơ hội để thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. “Vào thời điểm này, việc sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan phải trả giá quá lớn và cũng không phải là ưu tiên hàng đầu. Lúc này cần coi việc chấn hưng dân tộc Trung Hoa là trọng điểm”.
Trung Quốc đã lên nhiều kế hoạch dùng vũ lực để đánh lấy Đài Loan (Ảnh: Xilu).
|
Kiều Lương nói trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post ở Hồng Kông hồi tháng 5 rằng mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc không phải là thống nhất hai bên eo biển, mà là thực hiện phục hưng quốc gia, để cho 1,4 tỷ người Trung Quốc được sống một cuộc sống tốt đẹp. Ông nói, mặc dù Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, nhưng tài nguyên của chính họ không đủ để đáp ứng nhu cầu ngành sản xuất; thị trường của chính họ cũng không thể tiêu hóa hoàn toàn các sản phẩm sản xuất ra. Khi nền kinh tế toàn cầu vẫn nằm dưới hệ thống đồng đô-la, bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc cũng phải xem xét đến ràng buộc bên ngoài mới đảm bảo được lợi ích tối đa của bản thân.
Kiều Lương cho rằng việc thu hồi Đài Loan sẽ không cho phép Trung Quốc đạt được sự phục hưng quốc gia, vì vậy Bắc Kinh không nên làm cho sự thu hồi Đài Loan trở thành ưu tiên hàng đầu. Nếu Bắc Kinh muốn thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, họ cần huy động tất cả các nguồn lực và sức mạnh để hoàn thành nó. Kiều Lương nói: "Bạn không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, cái giá quá cao”.
Hầu như năm nào Trung Quốc cũng tổ chức diễn tập đánh chiếm Đài Loan (Ảnh: toutiao)
|
Kiều Lương cũng đăng một bài báo trên WeChat, cho rằng xét từ góc độ của dư luận mạng, phương thức tư duy của nhiều người Trung Quốc vẫn quen hoặc thích suy nghĩ một cách chung chung và thậm chí phóng đại vấn đề khi nói về nó. Ông nói: "Kiểu ra quyết định chỉ dựa vào sự tự tin hoặc quyết tâm mà không tính đến điều kiện bản thân hoặc những ràng buộc bên ngoài, được gọi là lòng yêu nước, nhưng thực ra là gây hại cho đất nước”.
Kiều Lương viết: "Không thể phủ nhận rằng dưới đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ đang bận rộn và sức mạnh quân sự của họ bị thu hẹp. Quả thực dường như đã xuất hiện một khoảng thời gian ngắn để chúng ta sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan. Nhưng trừ khi tình hình dịch bệnh tiếp theo làm cho Hoa Kỳ sụp đổ. Bằng không, chỉ nắm được một cửa sổ chiến thuật là không đủ để giải quyết tình trạng chiến lược tiến thoái lưỡng nan mà chúng ta sẽ phải đối mặt từ nay về sau”.
Theo giả định của quân đội Hoa Kỳ, Kiều Lương cho rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ sẽ không trực tiếp khởi chiến với Trung Quốc, mà là cùng các nước phương Tây phong tỏa và trừng phạt Trung Quốc, đặc biệt là sử dụng ưu thế trên biển và trên không của họ để cắt đứt mạch máu trên biển của Trung Quốc, khiến cho vật tư của ngành chế tạo Trung Quốc không thể nhập vào, sản phẩm sản xuất được không thể xuất đi. Đồng thời, sẽ thông qua hai trung tâm tài chính lớn ở New York và London để cắt đứt chuỗi vốn của Trung Quốc. Ông cũng đề cập rằng nền kinh tế Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ vẫn chưa thoát khỏi sự khống chế của đồng đô-la Mỹ.
Vì vậy, ông đề xuất, Trung Quốc không nên “nhảy theo nhịp điệu của Mỹ”, không thể để Mỹ gây rắc rối cho Trung Quốc hết lần này đến lần khác (Đạo luật Đài Bắc là một trong số đó) và nhảy xuống hố hết lần này đến lần khác. Một số điều Trung Quốc có thể không quan tâm và một số điều có thể bỏ qua theo những cách mà người Mỹ không thích.
Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc “hiện đang ở vào cơ hội hiếm có ngàn năm có một cho sự phục hưng, mạnh hay không mạnh, thành hay không thành sẽ được quyết định lúc này", "Vì hiện tại là thời kỳ phục hưng ngàn năm mới có, liệu thu hồi Đài Loan có phải là việc cấp bách lúc này?".
Diễn tập đổ bộ đánh chiếm Đài Loan (Ảnh: Xilu).
|
Kiều Lương nói: "Vấn đề Đài Loan, dù chúng ta nhấn mạnh như thế nào, thì nó cũng thuộc loại công việc nội bộ của Trung Quốc, nhưng bản chất vẫn là vấn đề Trung-Mỹ”. Ông cho rằng, một khi giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn bất phân thắng phụ, vấn đề Đài Loan không thể giải quyết triệt để được.
Kiều Lương nhắc nhở rằng một khi eo biển Đài Loan nổ ra chiến tranh, tất cả tiền vốn sẽ được rút hết và tất cả các công ty sẽ bị đóng cửa. Ông nói: "Hòn đảo nơi tất cả người dân thất nghiệp sẽ cho phép chúng ta đầu tư nhiều tiền để chấn hưng nền kinh tế của họ và đầu tư bao nhiêu nhân lực để quản lý xã hội? ... Giá và chi phí là bao nhiêu? Những giá thành và chi phí này lẽ nào không gây liên lụy, thậm chí không làm sụp đổ đại nghiệp phục hưng?
Kiều Lương nhấn mạnh, Bắc Kinh cần phải nói rõ, nhiệm vụ hàng đầu bây giờ không phải là đoạt lấy Đài Loan, mà là thực hiện được mục tiêu lâu dài là phục hưng dân tộc, cũng chính là “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2049. Muốn “vũ thống" (dùng vũ lực thống nhất) Đài Loan, “trừ phi giải quyết trước tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington, vấn đề Đài Loan mới có thể được giải quyết hoàn toàn”, nếu không, “sẽ phải trả giá rất lớn và sẽ gây nguy hiểm cho mục tiêu phục hưng dân tộc của Trung Quốc”.