Một điều đáng buồn, game thủ Việt hầu hết chỉ biết tới Need For Speed, Forza, hay hiếm hoi hơn những người sở hữu PlayStation thì biết đến GranTurismo. Rất nhiều những tựa game đua xe casual hoặc mô phỏng khác, được cộng đồng game thủ thế giới yêu thích lại chẳng được mấy người Việt quan tâm và đón nhận. Nếu như game mô phỏng có series Arsetto Corsa trên PC vô cùng chân thực, thì trên console, đặc biệt là thời kỳ PS2, một series đua xe (hay thực tế tôi hay gọi nó là game… đâm xe) tuyệt hay khác cũng ít được biết đến, đó chính là Burnout.
Ra mắt vào tháng 09/2004, phiên bản thứ 3 của series game mang tên Burnout 3: Takedown được studio Anh quốc Criterion Games phát triển, và chính phiên bản này đã lột xác hoàn toàn cả series, dẫn đường cho một trong những game đua xe casual được game thủ phương Tây yêu thích nhất đi theo một hướng đi hoàn toàn mới.
Nó không yêu cầu game thủ phải có kỹ năng thượng thừa. Chỉ cần biết đúng ba nút bấm cơ bản: Ga, phanh và nitro là có thể tham gia vào những cuộc đua nghẹt thở trong mục chơi đơn mang tên Burnout World Tour trong game. Và ngay cả ở năm 2016, vẫn có rất ít những game đua xe tạo ra được cho người chơi cảm giác vừa cổ điển, vừa điên cuồng lại vừa vui nhộn như Burnout.
Nếu nhắc tới những game đua xe điên cuồng, cũng cần nhắc lại những series huyền thoại một thời như Twisted Metal, hay sau này là Split Second. Thế nhưng Split Second lại thiếu đi cảm giác dễ chơi cần có mà thay vào đó bắt game thủ phải căng mắt để kịp phản ứng với những sự cố trên đường đua, hay kích hoạt những chiếc bẫy để hạ gục người chơi khác.
Trong Burnout, mọi chuyện rất khác. Chỉ cần nắm được cơ bản là bạn có thể phá làng phá xóm trên chiếc xe của mình rồi. Có thể nói, nếu như Twisted Metal là cuộc đua nơi bạn phải sử dụng hết kỹ năng lái xe và vũ khí được trang bị trên xe để hạ gục đối thủ, thì với Burnout, chiếc xe của bạn chính là món vũ khí khủng khiếp nhất. Chỉ cần nhẹ tay ấn nitro, chiếc xe sẽ vọt lên với tốc độ kinh hoàng, gạt vô lăng đảo sang bên làn xe đối thủ là họ có thể mất lái đâm vào dải phân cách hay tệ hơn là lao thẳng vào làn xe ngược chiều!
Cơ chế của game không hề phức tạp, cũng chẳng cần phải hoa mỹ, nhưng người chơi luôn bị cuốn hút vào những cuộc đua với nhịp độ rất nhanh, khúc cua gấp hay làn xe cộ lưu thông đông đúc. Nhưng như đã giới thiệu, game rất dễ chơi. Bạn có thể drift ngọt như mía lùi để tránh một gã xấu tính phía sau vọt lên đâm vào đuôi xe, hay làm điều tương tự với chiếc xe đang dẫn trước mình.
Cùng ra mắt với Need For Speed Underground 2, chính vì thế hồi đó đĩa game Need For Speed trên PS2 có cả bản demo của Burnout 3. Game chỉ có một màn chơi, một chiếc xe và một đường đua khép kín duy nhất, thế nhưng cảm giác điên cuồng là thứ đầu tiên xuất hiện cùng 3 bản nhạc punk rock đầy sôi động trong bản demo. Trước đó, chưa bao giờ có một game đua xe có cơ chế kỳ quái, đầy bạo lực, mạo hiểm nhưng lại sôi động đến mức này.
Burnout 3 không có, nghiêm túc mà nói thì cũng chẳng cần đến cốt truyện. Nhiệm vụ của bạn là giành chiến thắng mọi cuộc đua ở ba lục địa: châu Mỹ, châu Âu và khu vực Đông Á. Những đường đua càng về sau càng khó khăn, tỷ lệ thuận với sức mạnh và độ ngầu của những cỗ xe sau này bạn có thể mở khóa và sở hữu trong game.
Điều tuyệt nhất mà Burnout 3 mang lại cho người chơi chính là những chế độ chơi đa dạng. Không phải lúc nào bạn cũng cần phải ganh đua để về vạch đích đầu tiên. Nếu đã chán đua xe, bạn có thể chuyển sang các chế độ như Takedown hay Crash, hai chế độ không một game đua xe nào khác có được.
Trong Takedown, bạn sẽ có một con số hạn định và nhiệm vụ của bạn sẽ là hạ gục đủ số lượng NPC trong đường đua bằng cách “takedown” chúng. Hay ở mục crash, bạn sẽ được làm chủ một chiếc xe để tông thẳng vào dòng xe cộ đang lưu thông trên đường. Càng hạ gục nhiều xe, điểm số sẽ càng cao. Hiệu ứng cháy nổ tưng bừng chẳng thua kém gì những cuộc đua khác trong game.
Ở những năm đầu thập niên 2000, Renderware là một trong số những engine ấn tượng nhất của làng game. Hình ảnh trong Burnout 3 cũng xứng đáng là một trong số những cái tên định hình đồ họa của những tựa game console. Khung hình mượt mà, mô hình vật thể bóng bẩy, đường phố xe cộ đông đúc và những hiệu ứng cháy nổ, vật lý, tia lửa bung ra khi kim loại va chạm, tất cả dù chẳng thể nào so sánh được với tiêu chuẩn hình ảnh hiện tại, nhưng so với thời bấy giờ như vậy là vượt xa nhiều game khác rồi.
Nhắc thêm một chút, chính engine này đã được sử dụng để phát triển ba phiên bản GTA III, Vice City và San Andreas huyền thoại.
Sau này, vào năm 2005 và 2008, Burnout Revenge và Paradise lần lượt ra mắt, thế nhưng chẳng có phiên bản nào tạo ra được trải nghiệm vui nhộn như Burnout 3. Một tựa game thì quá nặng nề, tựa game còn lại thì lấy phong cách thế giới mở khó lòng thu hút những fan cũ của series game. Và như vậy, Burnout trở thành lịch sử. Studio Criterion sau này chuyển sang phát triển ba phiên bản Need For Speed (Hot Pursuit, Most Wanted và Rivals) và đưa những tính năng tạo nên thành công của Burnout, trong đó có takedown vào game.
Dù giờ đây game đua xe ngày càng giống thật, thế nhưng vẫn chưa có một tựa game nào tạo ra được cảm giác đua vui nhộn, thư giãn và điên cuồng được như Burnout 3. Nó vẫn là một tượng đài trong tâm khảm những game thủ thời kỳ PS2 và Xbox. Vào hồi năm 2008, IGN đưa ra danh sách 100 tựa game hay nhất mọi thời đại. Đứng số 1, dĩ nhiên vẫn là Super Mario Bros 3. Thế nhưng Burnout 3 đứng ở vị trí rất trang trọng, 66 trong bản danh sách này. Chính điều này cũng nói lên được sự hoàn hảo mà tựa game này đạt được.
Theo Tri thức trẻ