Những sai lầm tuyệt vời nhất trong lịch sử ngành game

Nếu không có những sai lầm này, rất nhiều tựa game sẽ hoàn toàn không tồn tại và số khác chẳng còn thú vị như hiện nay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hầu hết game thủ đều cho rằng những sai sót như bug, glitch trong game là thứ chỉ khiến họ bực mình chứ chẳng được tích sự gì. Tuy nhiên đó lại là một quan niệm sai lầm: bug, glitch hữu dụng hơn bạn vẫn tưởng.

“Mật mã Konami”

↑↑↓↓←→←→BA

Gradius, tựa game khai trương mật mã Konami

Được tạo ra bởi Kazuhisa Hashimoto, người phát triển tựa game Gradius phát hành trên hệ máy NES vào năm 1986, “mật mã Konami” là dòng cheat được biết đến rộng rãi nhất trên thế giới. Sự xuất hiện của cheat này là một sai sót tình cờ: sau khi hoàn tất quá trình phát triển và bước vào việc chơi thử để tìm lỗi game, Gradius lại... quá khó khiến Kazuhisa Hasimoto không thể hoàn tất trò chơi. Vì thế, ông tạo ra một đoạn cheat để giúp người chơi có toàn bộ các power up trong game và chơi qua toàn bộ nội dung của Gradius dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đến khi đóng gói phát hành, Kazuhisa lại quên béng việc xóa bỏ đoạn mã này khỏi game, và game thủ khám phá ra nó rồi chia sẻ với nhau bằng cách truyền miệng. Ngày nay, đoạn mã này phổ biến đến mức trình duyệt internet Opera dùng nó để kích hoạt các tùy chọn ẩn chỉ dành cho người dùng “pro” của mình.

Rocket Jump

Những sai lầm tuyệt vời nhất trong lịch sử ngành game ảnh 2

Rocket Jump

Quake được phát hành năm 1996 là một trong những trò chơi hái ra tiền của ID Software. Là một game bắn súng đối kháng cho phép nhiều game thủ so tài với nhau trong các đấu trường chật hẹp, với gameplay nhanh chóng mặt. Nhưng với nhiều người, trò chơi này chưa đủ nhanh. Không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra trò chĩa rocket xuống chân mình và bóp cò, nhưng hiệu quả của “độc chiêu” này lan truyền nhanh chóng mặt do chẳng có gì khó để bắt chước. Nó giúp game thủ di chuyển nhanh hơn, đến được những vị trí cao hơn và đem lại lợi thế cho những ai làm chủ được kỹ thuật này.

Hệ thống combo trong Street Fighter 2

Street Fighter 2

Tựa game đối kháng đầu tiên là Heavyweight Champ được tung ra từ tận năm 1976, và sau đó thể loại này dần phát triển mạnh với nhiều series khác nhau. Thế nhưng trước năm 1991, cách chiến đấu trong game đối kháng rất đơn giản: bạn bấm nút ra đòn cho đến khi nhân vật của đối thủ gục ngã. Điều này chỉ thay đổi khi Street Fighter 2 ra mắt, khi một sai sót trong lập trình các chiêu thức đặc biệt (special move) khiến các nhân vật có thể “nhét” một chiêu đặc biệt vào giữa một đòn đánh bình thường. Điều này cho phép game thủ đánh trúng đối phương nhiều và nhanh đến mức nhân vật của họ không kịp phục hồi trước khi ăn đòn kế tiếp. Kể từ Street Fighter 2, gần như tất cả mọi tựa game đối kháng đều sử dụng hệ thống này nhằm tạo ra những trận đấu đẹp mắt và thú vị hơn.

Nhân vật Spy trong Team Fortress

Chàng Spy thú vị

Vốn là một bản mod cho Quake, Team Fortress nhanh chóng trở thành một tựa game riêng khi Valve tung ra Team Fortress 2 đầy vui nhộn. Trong danh sách các nhân vật mà người chơi điều khiển, Spy (gián điệp) là một nhân vật khởi đầu từ một sai lầm. Trong TF, tên của nhân vật được hiển thị trên đầu họ để giúp người chơi phân biệt bạn – thù, nhưng một lỗi nho nhỏ đôi khi khiến tên của ai đó trong đội đối thủ có cùng màu với tên của đội bạn. Điều này đã tạo ra ý tưởng về nhân vật Spy có khả năng ngụy trang thành đối thủ trong TF2 và chiến thuật ẩn nấp – đánh lén của họ.

Creeper trong Minecraft

"Chúng mình là anh em?"

Con quái đáng ghét nhất trong tựa game bán chạy nhất trong lịch sử này khởi nguồn từ một sai lầm của cha đẻ trò chơi Markus Persson. Ban đầu, ông định làm một con heo có 4 chân và thân hình dài nằm ngang theo đúng kiểu heo. Không rõ đầu cua tai nheo thế nào, nhưng Markus lại tạo ra một con vật có thân mình thẳng đứng thay vì nằm ngang như mong muốn. Thay vì xóa bỏ mô hình này, Markus đổi nó thành màu xanh, thêm một khuôn mặt đáng sợ và chúng ta có Creeper – con quái luôn đe dọa thổi bay một phần công sức của game thủ.

Race'n'Chase

Từ Race'n'Chase...

Năm 1900... hồi đó (cụ thể là 1995), một nhà phát triển game mang tên DMA Design quyết định làm ra một tựa game mang tên Race'n'Chase có góc nhìn từ trên cao, thể hiện những cuộc đua tốc độ giữa cảnh sát và tội phạm trên đường phố. Tuy nhiên, game có một bug nho nhỏ: hễ người chơi “lỡ tay” chạm vào xe cảnh sát, họ sẽ đuổi theo đến cùng và tìm cách ngăn chặn, sau đó bắn gục nhân vật của người chơi. DMA Design nhận thấy bug này vui hơn hẳn trò chơi mà họ định tạo ra ban đầu, và thế là Race'n'Chase được đổi tên thành Grand Theft Auto còn studio DMA Design cũng đổi tên thành Rockstar. Hơn thế nữa, cơ chế “chọc giận cảnh sát” này vẫn tồn tại đến nay: mỗi lần bạn va quẹt vào xe cảnh sát đi tuần, hãy sẵn sàng cho một cuộc đua tốc độ rất có thể kết thúc bằng cái chết.

... cho đến GTA.

Theo Infogame