Tử thần MQ-9 Reaper Mỹ được trang bị bom có điều khiển GPS

VietTimes -- Lực lượng không quân Mỹ lần đầu tiên trang bị cho máy bay không người lái tấn công MQ-9 Reaper bom GBU-38 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính định vị vệ tinh GPS.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper Mỹ
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper Mỹ

Không quân Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái MQ-9 Reaper mang bom GBU-38 định vị vệ tinh GPS tấn công các mục tiêu mặt đất. Loại bom này cho phép các drone tấn công của Mỹ có khả năng không kích các mục tiêu theo tọa độ GPS trong mọi điều kiện thời tiết bằng các loại vũ khí có giá thành không cao.

Theo trang Warrior: ngày 01.05.2017, Máy bay không người lái Mỹ MQ-9 Reaper trong cuộc thử nghiệm tại thao trường căn cứ không quân Nellis (bang Nevada) đã thả thành công một quả bom GBU-38 loại JDAM (Joint Direct Attack Munition), đây là loại bom rơi tự do được điều chỉnh tấn công mục tiêu bằng công nghệ định vị GPS, có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết.

Với thử nghiệm thành công này, lực lượng không quân Mỹ đã có một bước tiến lớn trong sứ mệnh gia tăng chủng loại vũ khí dành cho các drone tấn công, trong đó có MQ-9 Reaper.

Là drone chiến đấu, thay thế cho MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper trở thành máy bay chiến đấu không người lái chủ lực của không quân Mỹ, được sử dung trong các nhiệm vụ trinh sát, kiểm soát không gian chiến trường và tiến hành tấn công các mục tiêu của đối phương bằng vũ khí có độ chính xác cao.

Cho đến thời điểm này, vũ khí chủ lực của MQ-9 Reaper là tên lửa chống tăng có điều khiển AGM-114 Hellfire, bom điểu khiển laser 500 pound (227 kg) GBU-12 Paveway II, thử nghiệm thành công đã cho phép không quân Mỹ trang bị thêm cho Reaper loại bom rơi tự do có giá thành rẻ hơn GBU-38 được điều khiển bằng hệ thống định vị vệ tinh GPS.

Một quan chức cao cấp không quân Mỹ nhận xét: “Loại bom JDAM cho phép phương tiện bay không người lái có được những khả năng chiến đấu mới, gắn liền với hệ thống định vị toàn cầu Mỹ GPS”. Điều này được hiểu là, MQ-9 Reaper, khi được trang bị loại bom này, có khả năng tác chiến trên toàn cầu trong mọi điều kiện thời tiết và môi trường.

Bom GBU-38 (227 kg) là tổ hợp vũ khí bao gồm bộ khí tài dẫn đường JDAM và bom rơi tự do Мк82. Bom GBU-38 được phát triển vào năm 2002, sau nhiều lần thử nghiệm đã được sản xuất hàng loạt trang bị cho không quân vào tháng 12.2004. Mùa thu năm 2004 trên chiến trường Iraq, hai máy bay ném bom F-16 và F-18 lần đầu tiên sử dụng bom điều khiển định vị vệ tinh GBU-38 đã ném 2 quả bom loại này, đánh chính xác vào một tòa nhà 2 tầng, phá hủy hoàn toàn mục tiêu và giảm đến tối thiểu tổn thất “phụ trội”, được hiểu là thương vong dân thường và hạ tầng đời sống xã hội trong khu dân cư.

Theo đại úy không quân Scott, chuyên viên khai thác sử dụng vũ khí của Lầu Năm Góc, công nghệ JDAM cho phép sử dụng những quả bom thuộc loại này trong mọi điều kiện thời tiết và có độ chính xác rất cao.

Sử dụng bom công nghệ JDAM bắt đầu bằng việc tải nhiệm vụ chiến đấu vào hệ thống máy tính của máy bay phương tiện mang. Trong nhiệm vụ chiến đấu bao gồm các thông số như tầm bắn (ném), tọa độ mục tiêu và thông số tự dẫn.

Ngay sau khi hệ thống điện trên phương tiện mang được bật lên, bắt đầu tiến trình khởi động hệ thống bom JDAM. Trong tiến trình này sẽ diễn ra hoạt động kiểm tra hệ thống, đồng bộ hóa hệ thống dẫn đường quán tính của bom với hệ thống ngắm bắn – dẫn đường quán tính của máy bay – phương tiện mang.

Trước khi thực hiện ném bom, hệ thống dẫn đường tiếp tục nhận được các thông số tọa độ máy bay phương tiện mang, tốc độ bay và tọa độ của mục tiêu so với máy bay. Sau khi ném bom, bộ khí tài tự dẫn sẽ điều khiển bom bay đến mục tiêu theo tọa độ nhận được từ máy bay, được điều chỉnh vị trí bằng các thông số tọa độ từ hệ thống định vị vệ tinh GPS.

Với phương pháp ném bom này, theo lý thuyết độ sai lêch của bom nằm trong bán kính 10 m so với tâm của mục tiêu. Theo thông báo của lực lượng không quân Mỹ, sử dụng đầu tự dẫn công nghệ JDAM đảm bảo độ sai lệch điểm rơi của bom nằm trong bán kính 5 m hoặc nhỏ hơn.

Tọa độ mục tiêu có thể được đưa vào hệ thống máy tính kính ngắm của máy bay trước khi cất cánh, hoặc phi công điều khiển có thể nạp trước khi ném bom. Bom JDAM có thể được sử dụng từ bất cứ độ cao nào từ độ cao thấp giới hạn đến cao độ của tầng bình lưu. Nếu các loại bom được trang bị thêm cánh, tầm phóng (ném) bom sẽ tăng vọt. Sử dụng các bộ cánh bom cho phép gia tăng tầm phóng (ném) bom từ 16–24 km đến 64–96 km.

Tầm xa cực đại sử dụng bom JDAM hiệu quả theo tính toán là 75 km (ném bom ở độ cao 12 km, vận tốc phương tiện mang là 0,9 M). Tháng 04.2000, một chiếc máy bay F-16 đã ném hai quả bom JDAM ở độ cao 6000 và 7600 m, vận tốc máy bay là 0.8M đánh chính xác vào mục tiêu được chọn. Tầm xa khi ném bom tương ứng là 43,2 và 65 km.

Không quân Mỹ và công nghiệp quốc phòng đã làm việc nhiều năm nhằm gia tăng chủng loại vũ khí sử dụng cho drone. Năm 2015, Phó giám đốc phụ trách vũ khí trang bị Không quân Mỹ, trung tướng Arnold Bunch cho biết, cơ quan của ông bắt đầu tiến trình mở rộng kho vũ khí cho "Reaper", trong đó phát triển các loại vũ khí phổ dụng cho nhiều loại phương tiện mang.

Tướng Bunch nói: “Chúng tôi nghiên cứu xem xét vấn đề, loại vũ khí nào có thể tích hợp với máy bay không người lái. Với mục tiêu này  chúng tôi xem xét tất cả các phương án, bao gồm cả các loại bom có kích thước nhỏ. Chúng tôi làm việc để có được khả năng lắp đặt vũ khí phổ dụng với kiến trúc mở. Mục đích của quá trình là hướng tới một hệ thống mở vũ khí phổ dụng, có khả năng lắp đặt trên hầu hết các phương tiện bay chiến đấu khác nhau.  

Các loại bom có kích thước nhỏ SDB (Small Diameter Bomb) của không quân Mỹ chủ yếu là bom GBU-39 và GBU-40. Hai loại bom có điều khiển này được đưa vào biên chế vũ khí trang bị của quân đội Mỹ từ tháng 09.2006, có khả năng tấn công xuyên phá các khu hầm chứa máy bay và hầm ngầm bê tông cốt thép. Thiết kế của bom cho phép lắp đặt thêm bộ phận cánh gấp, sẽ mở ra trong khi bay. Máy bay ném bom tàng hình thế hệ 5 F-22A Raptor có khả năng mang theo 8 quả bom loại nhỏ này.

Hiên nay, không quân Mỹ đang nghiên cứu lắp đặt trên máy bay không người lái MQ-9 Reaper loại bom kích thước nhỏ GBU-39B. Tầm phóng (ném) của loại bom này đạt tới 75 km so với mục tiêu. Kích thước bom nhỏ cho phép khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao và giảm thiểu tổn thất, đồng thời cho phép Reaper có thể tấn công nhiều mục tiêu trong một lần xuất kích.

Hiện nay, khả năng lắp đặt phổ dụng cho phép MQ-9 có thể tích hợp các loại vũ khí, được phát triển trên công nghệ mới ngay khi được chế tạo ra. Cùng với sự phát triển của công nghệ truyền thông đa phương tiện và trí tuệ nhân tạo, trong tương lai không xa MQ-9 sẽ được trang bị cả tên lửa “không đối không”.

Không quân Mỹ hiện sở hữu khoảng 104 drone MQ-9 Reaper. Cách đây không lâu, các máy bay không người lái này được lắp đặt thêm bình nhiên liệu phụ để gia tăng tầm hoạt động. Các Reaper phiên bản nâng cấp này có thêm ký hiệu là ER (Extended Range). Những Reaper này khi cất cánh mang theo khoảng 1,8 tấn nhiên liệu, có tầm bay xa đến 1850 km. Thời gian bay liên tục trên không gia tăng từ 16 đến 22 giờ.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper sử dụng bom JDAM GBU - 38 tấn công mục tiêu mặt đất

NT