Mới đây, trường Đại học Harvard chính thức thông báo tước quyền nhập học của ít nhất 10 sinh viên sau khi một nhóm cá nhân đăng tải những bài viết mang tính chất tiêu cực trên Facebook bị phát hiện. Những bài viết trong nhóm này chứa các nội dung về ngược đãi trẻ em, xâm hại tình dục và cổ súy cho hành vi phân biệt chủng tộc cùng hành động diệt chủng trong Thế chiến thứ 2, theo Harvard Crimson.
Nhóm cá nhân này có khoảng 100 thành viên, được một số sinh viên lập ra vào đầu tháng 12 năm ngoái. Theo Jessica Zhang, một thành viên mới của nhóm thảo luận này, cho biết những bài viết đầu tiên của nhóm mang những nội dung “nhẹ nhàng”.
Nhưng nhiều thành viên trong nhóm sớm gợi ý việc đưa thêm những nội dung được đánh dấu R (Restricted – bị hạn chế), theo lời của Cassandra Luca. Cô là một trong những người tham gia nhóm này đầu tiên, nhưng không thuộc nhóm sinh viên bị tước quyền nhập học. Cassandra Luca cho biết, những người lập ra nhóm cá nhân kể trên đầu tiên yêu cầu những người tham gia phải gửi những nội dung có tính khiêu khích vào nhóm lớn hơn, trước khi được cấp quyền tham gia vào những nhóm nhỏ hơn.
Quyết định của Đại học Harvard không thể thay đổi được và trong trường hợp này, những sinh viên bị tước quyền nhập học không thể viện dẫn được Tu chính án Thứ nhất (của Hiến pháp Hoa Kỳ) để phản đối quyết định này. “Hiến pháp không được áp dụng trong trường hợp này”, theo Susan Bloch, giáo sư bộ môn Luật hiến pháp, Trung tâm Luật, Đại học Georgetown. Bà giải thích rõ hơn, Tu chính án Thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ có tác dụng đối với các cơ quan nhà nước, nhưng không áp dụng với Đại học Harvard bởi đây là một trường đại học tư nhân.
“Những sinh viên này không có quyền hay không được quyền yêu cầu được nhận vào Harvard, và Harvard có quyền quyết định việc không chào đón những cá nhân có biểu hiện sẵn sàng vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức và quy chế của trường về việc chống những phát ngôn mang tính thù địch”, Giáo sư Susan Bloch cho hay.
Amy Adler, Giáo sư luật tại Đại học New York, cho rằng Harvard chỉ thực hiện những quy chế mà sinh viên đã được thông báo cũng như phải chấp hành khi theo học tại đây. Theo bà, trong trường hợp này các sinh viên đã có những hành vi tiêu cực và vì thế dường như Đại học Harvard từ chối những sinh viên này. Bà cũng cho rằng, đây là một trường hợp điển hình cho việc sinh viên phải chú ý đến những gì họ đăng lên mạng xã hội. “Rất ít người cho rằng môi trường trực tuyến có tính riêng tư. Những dấu ấn mà bạn để lại trên mạng có thể kéo dài trong một thời gian rất lâu và do đó nó đòi hỏi bạn phải đánh giá chúng”.
Trước đó, vào cuối tháng 5, một phiên xử tại Zurich, Thụy Sĩ ra phán quyết phạt một người đàn ông 45 tuổi do ông ta đã Like (bấm nút Thích) những nội dung “bôi nhọ danh dự của nhà hoạt động vì quyền lợi động vật Erwin Kesler”. Tòa án Zurich cho rằng thông qua việc nhấn nút Like, ông ta đã “làm ảnh hưởng đến danh dự của người khác”. Thấm phán tại phiên xét xử cũng cho rằng hành động Like của ông ta còn khiến những nội dung mang tính tiêu cực ấy được phổ biến rộng rãi hơn.
Câu chuyện bắt nguồn từ việc nhà hoạt động vì quyền lợi động vật Erwin Kessler đã so sánh phương pháp giết mổ động vật theo nghi lễ của người Do Thái với những hành động dã man của Đức quốc xã. Một số người sau đó đã lên Facebook viết status chỉ trích ông Kessler phân biệt chủng tộc khi so sánh như vậy.
Sau khi bị chỉ trích trên mạng xã hội, ông Erwin Kessler đã tiến hành kiện những người đã “bôi nhọ” ông. Kết quả là Kessler đã thắng kiện. Có một chi tiết đáng chú ý là ngay cả một người đàn ông chỉ bấm Like những status phản đối Kessler cũng bị tòa án phạt hơn 4.000 USD.
Mặc dù đây chỉ là bản án của tòa án cấp thấp (tòa án khu Zurich), nhưng tác động về phương diện xã hội của bản án này là rất lớn. Luật sư Amr Abdelaziz của một trong số các bị cáo cho rằng tòa án cần khẩn trương làm rõ việc nhấn vào nút Like trên Facebook có đủ căn cứ để buộc tội một người hay không, và thậm chí ông này còn mỉa mai rằng tòa án Thụy Sĩ sẽ cần thêm số thẩm phán nhiều gấp 3 lần hiện nay để truy tố những hành vi tương tự trên Facebook.
Hai trong số rất nhiều trường hợp lãnh hậu quả bởi những phát ngôn trên mạng xã hội kể trên lại một lần nữa làm nóng những cuộc tranh luận, giữa một bên phản đối những quyết định kể trên đồng thời cho rằng mạng xã hội là môi trường tự do và mọi cá nhân đều có quyền tự do ngôn luận, và một bên cho rằng những bản án hay quyết định trên là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để bảo vệ những giá trị đạo đức cũng như buộc người sử dụng phải có trách nhiệm hơn với những phát ngôn trên mạng xã hội. Lẽ tất nhiên, ở Việt Nam cũng có những tranh cãi tương tự và cũng có những trường hợp các cá nhân bị xử lý kỷ luật bởi những phát ngôn trên Facebook.
Mặc dù những bản án hay quyết định kể trên có phần rất nghiêm khắc, nhưng chúng vẫn có tính hợp lý của mình. Quay trở lại thời điểm thắng 7 năm 2013, tại Hà Nội có một sự việc đau lòng xảy ra – một nữ sinh lớp 12 uống thuốc sâu tự tử sau khi bị bạn bè ghép ảnh trêu chọc và đăng lên mạng xã hội Facebook. Tấm ảnh này mặc dù mới chỉ được phát tán ở cấp độ một nhóm cá nhân (của lớp), nhưng dẫn đến hậu quả đau lòng kể trên. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà những phát ngôn hay nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong đời thực.
Tự do ngôn luận ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội là quyền không thể chối cãi được của mọi cá nhân, nhưng tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do vô tổ chức – mà nó đi kèm nghĩa vụ của mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm với những phát ngôn do mình đưa ra, kể cả trên mạng xã hội. Và một khi đạo đức không còn đủ khả năng điều chỉnh hành vi của các cá nhân trên mạng xã hội cho đúng chuẩn mực, thì lúc ấy những quy chế, những đạo luật sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm khắc nhất.
Những bản án, quyết định xử phạt ở trời Tây kể trên lẫn ở nước ta sẽ không phải là những bản án, quyết định xử phạt cuối cùng. Chúng hết sức nghiêm khắc, nhưng lại là cần thiết để cảnh tỉnh những người khác – hãy có trách nhiệm hơn với những phát ngôn của mình trên mạng xã hội.