Mạng xã hội có cả lợi lẫn hại |
Để phục vụ cho khảo sát, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu gần 1.500 thanh niên Anh từ 14 đến 24 tuổi chia sẻ suy nghĩ của họ về năm mạng xã hội phổ biến nhất: Facebook, Instagram, Snapchat, Twitter và YouTube. Cuối cùng, họ đưa ra nhiều ý kiến khác nhau bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong nhiều trường hợp những người được hỏi đã công nhận những phương tiện truyền thông xã hội là nguyên nhân gây trầm cảm hoặc cảm giác lo lắng. Chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng bởi việc ngủ muộn và thức giấc để kiểm tra tin nhắn. RSPH cho biết cứ 5 người trẻ thì sẽ có 1 bị ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể mang lại những kết quả tích cực và giúp duy trì mối quan hệ, báo cáo khẳng định.
Báo cáo cho biết YouTube là nền tảng duy nhất có tác động tích cực, có nghĩa là ảnh hưởng của nó đối với sức khoẻ tinh thần của một người theo chiều hướng tốt nhiều hơn là xấu. Nó là công cụ đem đến cho người dùng nhiều cảm xúc, là một nền tảng thích hợp để họ tự thể hiện và xây dựng bản sắc riêng, đồng thời là một công cụ đáng tin cậy để xây dựng cộng đồng.
Tuy nhiên, những mạng xã hội còn lại được xếp loại không tạo ra ảnh hưởng tích cực. Instagram và Snapchat hoá ra lại là những nền tảng không lành mạnh. Ảnh hưởng tiêu cực của Instagram và Snapchat đã vượt cả tích cực. Điểm xếp hạng không quá thấp nhưng cũng đủ để khiến người ta phải suy nghĩ. Twitter và Facebook đã làm tốt hơn một chút, nhưng tổng thể thì vẫn nằm trong vùng đỏ.
Có nhiều lý do giải thích cho việc tại sao sử dụng mạng xã hội có thể gây hại cho tư duy của những người trẻ. Một trong số đó là do thông tin mạng xã hội đưa lên không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế một cách chân thực. Chưa kể đến hình ảnh của những người nổi tiếng, người mẫu trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cảm nhận của những người trẻ về cơ thể của họ. Chúng ta luôn có xu hướng định hình hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội theo cách mà chúng ta muốn người khác nhận định về mình như vậy – có thể là vui vẻ, hài hước hay cuốn hút. Những người trẻ rất dễ rơi vào trạng thái tiêu cực khi họ cảm thấy mình kém cỏi hơn những người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Những nhà nghiên cứu tin rằng sự khác biệt giữa những mạng xã hội có ảnh hưởng tích cực và ảnh hưởng tiêu cực là ở trọng tâm và nội dung của chúng. Theo Shirley Cramer, Giám đốc điều hành của RSPH, mạng xã hội Instagram và Snapchat tập trung đăng hình ảnh, không phản ánh được bản chất thật. Chuyên gia cũng khuyến nghị rằng bối cảnh của một môi trường đặc biệt và cuộc sống thường nhật sẽ được truyền tải tốt hơn thông qua video hơn là hình ảnh tĩnh. Chỉ nhìn vào những bức ảnh của một người có vẻ ngoài ưa nhìn và hạnh phúc mà không có bối cảnh có thể khiến người xem thấy thiếu thốn và không vui.
Giả định này vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Y tế Công cộng Hoàng gia Anh, hơn 90% thanh niên ở độ tuổi 16-24 sử dụng mạng xã hội. Vì vậy các bậc cha mẹ cần có hiểu biết về tác động tích cực cũng như tiêu cực của mạng xã hội để định hướng cho con cái.