LTS: Trong phần 1 Cần điềm tĩnh, trí tuệ trước thông tin từ mạng xã hội và phần 2 Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là “sợi chỉ đỏ” trong trao đổi với Facebook, Google của cuộc bàn tròn về thông tin xấu độc, các vị khách mời đã làm rõ cách hiểu về thông tin xấu độc cũng như thực tế xử lý thông tin xấu độc trên hai mạng xã hội lớn nhất toàn cầu là Facebook và Youtube. Trong phần tiếp theo, MC -- Nhà báo Lê Thọ Bình cùng các khách mời sẽ trao đổi về vai trò của Nhà báo trước thông tin xấu độc và thách thức của báo chí chính thống trước sự phát triển của truyền thông xã hội.
Cuộc đối thoại có sự tham gia của ba vị khách mời:
- Ông Lê Doãn Hợp -- Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT
- Ông Nguyễn Thanh Lâm -- Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT
- Nhà báo Hồng Thanh Quang -- Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.
Nội dung đối thoại:
Phần 1: Cần điềm tĩnh, trí tuệ trước thông tin từ mạng xã hội
Phần 2: Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là “sợi chỉ đỏ” trong trao đổi với Facebook, Google
Báo chí phải nói chuẩn để dẫn dắt xã hội
Nhà báo Lê Thọ Bình: Thực tế hiện nay, nhiều người làm báo đang thể hiện những thái độ khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau khi xuất hiện trên báo chí chính thống và trên mạng xã hội. Xin hỏi các vị khách mời, nhà báo có nên tham gia mạng xã hội không và nếu có thì họ nên tham gia như thế nào, tham gia ở mức độ nào?
TS. Lê Doãn Hợp: Tôi coi các nhà báo là đại diện của dân chủ trí tuệ, dân chủ đẳng cấp, dân chủ dẫn dắt. Vì vậy, báo chí là phải chuẩn để dẫn dắt xã hội. Và các phóng viên báo chí hoàn toàn có thể tham gia môi trường mạng, thậm chí phải tham gia nhiều hơn; nên coi đây là nơi thể hiện tốt nhất trách nhiệm của mình với xã hội, đưa thông tin, định hướng thông tin, dẫn dắt thông tin,.. nhằm tạo ra xu thế xã hội lành mạnh. Nhà báo được đào tạo cơ bản, có học, có nghề phải làm được điều đó.
Người làm báo càng phải ứng xử có trách nhiệm trên mạng xã hội
Nhà báo Hồng Thanh Quang: Facebook hay mạng xã hội nói chung đều là những công cụ, những thành tựu công nghệ, nên sẽ rất dại dột nếu từ chối. Vì thế, tôi nghĩ chính nhà báo càng phải tham gia đón nhận một cách tích cực nhất, một cách nhanh nhạy nhất để trước tiên là phục vụ cho việc tác nghiệp của mình. Trên Facebook, một nhà báo vẫn có thể “hành nghề”, miễn là anh ứng xử một cách có trách nhiệm với cộng đồng mạng và ngay cả với cả bản thân mình. Còn nếu những thành tựu công nghệ tuyệt vời ấy bị sử dụng vào những mục đích xấu thì nó sẽ gây hậu quả cho toàn xã hội.
Tôi cho rằng nhà báo khác với tất cả những người đưa tin khác: Cần có trách nhiệm với thông tin mình đưa. Một nhà báo luôn xác định bản thân sẽ trung thành với sự thật, nhanh nhạy kịp thời, nhưng bao giờ cũng phải hình dung trước thông tin mình đưa ra sẽ mang lại lợi ích hay gây ra tác hại đối với xã hội. Cái này là lựa chọn của từng nhà báo, không ai có thể cấm đoán hay bắt buộc.
Hiện nay, mới nổi lên khuynh hướng làm báo theo kiểu bất chấp mọi giá, miễn là thành công, miễn là chương trình mình có rating cao, thậm chí có thể hi sinh cả đồng chí, đồng đội, hy sinh cả lý tưởng, hy sinh cả nội dung. Tôi nghĩ làm báo như thế là vô đạo. Có những việc ta biết chắc có thể mang lại rất nhiều tiền nhưng chúng ta vẫn không làm bởi một lý do duy nhất: Đạo đức. Vì lý do ấy, ta không thể bóp méo hình ảnh của đồng chí, đồng đội mình được, không thể bóp méo sự thật chỉ để tăng sự “ăn khách”.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Ở các tòa báo lớn trên thế giới, như BBC – cơ quan truyền thông hiện nay có khoảng 325 triệu người theo dõi, họ có nguyên tắc hết sức chặt chẽ là nguyên tắc bất thiên vị. Họ yêu cầu tất cả các nhà báo không thể hiện quan điểm chính trị. Trên mạng xã hội, các nhà báo, phóng viên có thể nói về đời sống cá nhân nhưng không được nói chính kiến của mình. Có những người làm 20 năm ở BBC kể rằng họ không biết quan điểm chính trị của bạn mình. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có cơ quan báo chí nào ra những quy định như vậy. Thưa ông Thanh Lâm, vừa là người làm công tác quản lý, vừa là nhà báo lâu năm, quan điểm của ông thế nào về việc nhà báo tham gia mạng xã hội?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Vấn đề chính cần phải làm rõ là nhà báo nên tham gia mạng xã hội như thế nào chứ không phải có nên tham gia mạng xã hội hay không. Thực tế, rất nhiều nhà báo và các cơ quan báo chí ở trong nước và các nước trên thế giới tương tác mạng xã hội rồi.
Tôi nói thẳng vào xu hướng đáng lo ngại hiện nay là có nhiều phóng viên, nhà báo tham gia mạng xã hội nhưng quên mất mình không chỉ là một công dân bình thường mà còn là nhà báo, nên đã bộc lộ rất nhiều các quan điểm cá nhân trái ngược với quan điểm của cơ quan báo chí nơi họ làm việc. Khi lên mạng xã hội bằng những “status”, những bình luận “comments”, nhà báo có tác động nhất định thậm chí là khá lớn trong việc dẫn dắt cộng đồng mạng, dẫn dắt những nhà báo xung quanh mình. Từ đó mà có những vụ việc nhà báo gây ảnh hưởng đến những người bạn bè xung quanh một cách tiêu cực, đưa những quan điểm vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và những quy định nội bộ của tòa soạn.
Thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ việc nhà báo bị xử lý kỷ luật, bị thu hồi thẻ nhà báo. Gần đây nhất cũng có trường hợp nhiều nhà báo, sau khi phát ngôn trên mạng xã hội những quan điểm lệch lạc thì đã bị bị kỷ luật, bị đình chỉ chức vụ hoặc đã viết đơn xin thôi việc và nộp lại thẻ nhà báo… Đó là những trường hợp rất cụ thể và cũng rất đáng tiếc.
Rõ ràng, có một vấn đề mà cơ quan quản lý, Hội nhà Báo Việt Nam quan tâm là các hành vi, phát ngôn của các nhà báo trên mạng xã hội có vi phạm 10 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam hay không, có vi phạm những quy định khác của pháp luật hay không, có vi phạm bản thân những quy định nội bộ của cơ quan báo chí hay không. Một bộ phận những người làm báo đang tham gia mạng xã hội hiện nay thường xuyên vi phạm những quy định trên và biết mình vi phạm mà vẫn làm. Họ làm vậy bởi họ cảm thấy mình có một dạng quyền lực khác trên mạng xã hội, có thể chỉ là cảm giác được nhiều “like” trong chốc lát, nhưng quyền lực đó, ảnh hưởng đó cũng có thể được quy ra những lợi ích vật chất rất cụ thể. Có nhiều nhà báo coi việc tham gia mạng xã hội là hoạt động chính và thậm chí là mang lại thu nhập chính.
Các cơ quan báo chí cần củng cố bộ quy tắc ứng xử, những quy định nội bộ liên quan tới việc phóng viên tham gia mạng xã hội, để các phóng viên, nhà báo không bao giờ quên được rằng khi tham gia mạng xã hội, họ có những giới hạn do đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ do cơ quan quy định.
Nhà báo Hồng Thanh Quang: Tôi cũng cho rằng BBC không phải là khuôn mẫu mà chúng ta nên noi theo, BBC vẫn chỉ là BBC thôi, dù có bao nhiêu người theo dõi chăng nữa.
Tôi rất đồng ý quan điểm của anh Lâm. Cá nhân tôi ủng hộ quyền tự do ngôn luận của các nhà báo trong đời thường cũng như trên mạng xã hội. Nhưng tự do ngôn luận không thể bị nhầm lẫn với loạn ngôn, lộng ngôn. Chúng ta cần hiểu rằng sự tự do kết thúc khi chúng ta xúc phạm đến những người khác, khi chúng ta vi phạm vào những quy chế của cơ quan, khi chúng ta vi phạm những quy tắc, quy định đã thống nhất. Bởi những việc ấy vi phạm nguyên tắc đạo đức của một người bình thường chứ chưa nói đến nhà báo. Anh phải trung thực và nhất quán dù anh xuất hiện ở bất cứ chỗ nào. Anh không thể chỗ này một vai, chỗ kia một vai khác.
Mạng xã hội dù có là riêng tư chăng nữa thì nó cũng đã mang tính xã hội. Chúng ta phải có trách nhiệm xuất hiện trên mạng xã hội một cách lịch sự như xuất hiện trong đời thường, trong công sở. Tôi nghĩ những điều đó rất dễ làm với những người tử tế, không có tà tâm, những người không chủ đích sử dụng truyền thông xã hội để tạo ảo giác về giá trị thật của mình.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Có cái khó như thế này thưa Nhà báo Hồng Thanh Quang, mỗi người có quan niệm xã hội khác nhau, đương nhiên những tin khống, tin sai sự thật thì không thể chấp nhận được nhưng, nhưng thực tế có những nhà báo nắm trong tay hồ sơ đầy đủ về một cá nhân nào đó nhưng do vấn đề là nhạy cảm mà không thể đưa lên báo chính thống được?
Nhà báo Hồng Thanh Quang: Nếu nhà báo có những tài liệu đóng góp cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực và muốn đóng góp cho công cuộc làm trong sạch đội ngũ thì có thể công bố ngay trên mặt trận báo chí. Nếu ấn phẩm mà nhà báo đó đang công tác từ chối đăng thì hoàn toàn có thể đăng ở những chỗ khác. Không ai đánh giá việc đó là vi phạm nếu anh có tài liệu chuẩn xác và thực sự có tác dụng tích cực đối với xã hội. Câu chuyện chỉ đơn giản là không nói ở tờ báo này mà nói ở tờ báo khác. Đó là chuyện bình thường và tôi bảo vệ điều đó.
Xu hướng báo chí thành ekip - "hùn hạp"
Nhà báo Lê Thọ Bình: Bức xúc của Nhà báo Hồng Thanh Quang về khuynh hướng làm báo theo kiểu bất chấp mọi giá là điều hoàn toàn có thật, bởi cách đây khoảng 20 năm, Nhà báo lão thành Hữu Thọ cũng nói: “Trong làng báo dường như đang hình thành quyền lực đen. Họ có một ekip “đâm thuê chém mướn” hùn hạp vào với nhau, khen cùng khen, chê cùng chê”. Và cho đến hôm nay, thực tế đó không những không giảm mà có chiều hướng còn tăng. Với vai trò là người quản lý, là người lâu năm làm báo thế, các khách mời có lời khuyên nào đối với các nhà báo trẻ và đối với những người cầm bút chân chính?
TS. Lê Doãn Hợp: Một phóng viên, biên tập viên hay những người đang làm truyền thông trong thời đại mới cần hội đủ 6 chữ: Trí tuệ, trách nhiệm và hướng thiện.
Cần “Trí tuệ” vì đã là làm báo hẳn đều là người có học và Đảng giao cho anh hoạt động trên mặt trận tư tưởng nên làm bất cứ điều gì, anh đều phải suy nghĩ kỹ vì lợi ích của người dân, vì lợi ích của dân tộc, vì danh dự của chính mình. Vì thế, phản xạ trí tuệ là phản xạ nghề nghiệp cũng vừa là phản xạ chính trị -- điều không thể thiếu được.
Còn “Trách nhiệm”: Chính là trách nhiệm với dân, trách nhiệm với sự thật. Điều đó nhà báo rất cần.
Thứ ba, “hướng thiện” là anh viết tất cả mọi thông tin, kể cả phê phán cũng đều cần hướng thiện. Anh không nên vội kết tội mà phải nêu vấn đề và hướng dư luận. Tôi nghĩ điều này cũng rất quan trọng.
Hiện tượng như Nhà báo Lê Thọ Bình vừa nói đúng là xu hướng không những chưa giảm mà còn phát triển hơn. Tôi cho rằng ở đâu cũng có người tốt - người xấu, vấn đề là chúng ta phải biết quản lý, gạn lọc và đưa ra những cơ chế để phát huy cái tốt và ngăn ngừa cái xấu.
Nghiêm túc với nhau chính là đạo đức, dễ dãi với nhau mới là tội ác. Mà trong quản lý thì phải phân loại và phân loại để quản lý chính xác. Đương nhiên người tốt phải cho họ tự do, phải tin họ, những người chưa tốt lắm thì ta chú ý nhiều hơn; còn những người không tốt thì cần có cơ chế quản lý chặt chẽ.
Tôi có thói quen khi đọc sách báo, tôi đọc tên người viết, tên phóng viên trước, vì đó chính là thương hiệu. Những nhà báo có thương hiệu mới là những nhà báo được sự ngưỡng mộ của quần chúng nhân dân. Thương hiệu của nhà báo là điều rất quý giá. Anh Thanh Lâm vừa đề cập đến việc giữa ta và nhà quản lý các mạng xã hội quốc tế có nhiều điều thống nhất nhưng có cái chưa đồng thuận, rõ ràng chúng ta phải đi từng bước để tiếp thu tinh hoa của nhân loại, tiến bộ của loài người nhưng trên cơ sở nền dân chủ hiện thực của chúng ta và những đặc điểm riêng có của dân tộc.
Như vậy, chúng ta phải có bước đi hợp lý, kết hợp cả luật pháp, đạo đức và công cụ kỹ thuật, để những phóng viên - nhà báo là những người được dân tin, đều là những người được tín nhiệm, những người góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Đó cũng là trách nhiệm quản lý, sàng lọc hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mạng xã hội là cơ hội cho báo chí khẳng định mình
Nhà báo Lê Thọ Bình: Thưa ông Thanh Lâm, ông có buồn không khi mà câu chuyện chúng ta dẫn dắt đến một bộ phận những nhà báo như thế, hầu như lời cảnh báo của ông Hữu Thọ 20 năm nay nhưng chưa có gì thay đổi lắm?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Nếu như đây là nội dung trao đổi cuối buổi tọa đàm thì nó lại mở ra một đề tài khác mà chắc chắn là còn sôi nổi hơn và bức xúc hơn nhiều vì chuyện này sau 20 năm không những không giảm đi mà còn tệ hơn.
Thời nay, trong thời mạng xã hội và truyền thông kết nối, tác hại của những bài báo bóp méo sự thật, được viết ra bởi một người không có lương tâm làm báo chuẩn mực có sức tác động xã hội còn lớn hơn nhiều so với thời 20 năm trước.
Tôi muốn mượn một ý của TS. Lê Doãn Hợp: “Chất hướng thiện”. Có lẽ chưa bao giờ kêu gọi sự hướng thiện trong một bộ phận tương đối đông đảo người làm báo Việt Nam lại khó như thế. Bởi, không hiểu từ bao giờ, một bộ phận người làm báo Việt Nam nghĩ mình là một thế lực, mình là một cơ quan quyền lực; mình có quyền phán xét dựa vào cảm tính, dựa vào khả năng dẫn dắt công luận mà không cần đến bằng chứng. Họ dựa vào khả năng ngôn ngữ tốt hơn người bình thường một chút để ngụy biện, để đánh tráo khái niệm, để dùng hiệu ứng số đông, để mua “like” (trên mạng xã hội – PV), dựa vào những comment hoàn toàn cảm tính – mà trên mạng vẫn nói là “tay nhanh hơn não”.
Họ biện minh đó là đấu tranh cho sự thật nhưng trong những nội dung viết ra, người đọc không chỉ thấy sự cẩu thả trong tác nghiệp mà thấy cả cái “ác tâm” của người cầm bút nữa. Cái “ác tâm” là viết để gây hại – một trong những thứ lẽ ra phải cấm kỵ, chưa kể còn vi phạm vào những quyền nhân thân, quyền riêng tư, quyền hợp pháp của các cá nhân, tổ chức nữa.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cho rằng mạng xã hội đã giúp báo chí phát triển nhiều mặt, song cũng tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt làm nảy sinh thách thức cho báo chí.
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Thách thức lớn nhất với làng báo nói chung là xu hướng hành xử dễ dãi và mượn công cụ mạng xã hội để khuyếch trương ảnh hưởng của cá nhân một số nhà báo, với toan tính trở thành một "quyền lực đen". Chúng tôi chưa biết gọi cách làm báo đó là gì, nhưng bộ phận ấy đang làm cả làng báo mất dần chỗ đứng, mất dần uy tín trong lòng độc giả.
Chúng ta "kêu khóc" rằng mạng xã hội sẽ lấy đi tương lai của báo chí, lấy đi doanh thu của báo chí, nhưng chính chúng ta đang tiếp tay cho những cái xấu lộng hành bằng việc nghĩ báo chí phải giống hoàn toàn như mạng xã hội, phải "đánh đu" theo những cái nhất thời, những xu thế trên truyền thông xã hội để “câu like”. Chính cách làm báo như vậy đang khiến báo chí trở thành tù nhân tự nguyện của mô hình kinh doanh mà các mạng xã hội đang đưa ra và đẩy nhanh chính mình đến chỗ tự đào thải.
Chúng ta không thể trách truyền thông xã hội được, bởi nó có lý do tồn tại riêng, tác động tích cực đến việc dân chủ hóa đời sống xã hội, làm cho mọi người kết nối nhiều hơn. Nhưng những tác hại của truyền thông xã hội một phần cũng do những người dùng đang góp phần làm tăng các hiệu ứng tiêu cực của nó lên. Họ không ý thức được trách nhiệm của mình trong việc định hướng xã hội hướng thiện.
Một bộ phận trong xã hội hiện nay bày tỏ cái nhìn không tôn trọng nhà báo. Có những người nói với tôi rằng họ xưng danh nhà báo mà không thấy tự hào. Vậy thì, mỗi nhà báo phải ý thức về nghề nghiệp bản thân, đừng đợi đến khi cơ quan quản lý cảnh báo.
Báo chí sẽ chịu sự tác động mạnh của mạng xã hội và mạng xã hội là cơ hội cho báo chí khẳng định mình. Phong cách làm báo đứng đắn, nghiêm túc chính là yếu tố làm nên giá trị của báo chí chính thống mà cả xã hội cần, thế giới cần. Và đó không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Vai trò "gác cổng thông tin" của báo chí vẫn còn nguyên giá trị khi mạng xã hội như một "bể" thông tin mà vấn đề là chúng ta kiểm chứng những thông tin ấy như thế nào. Cũng trong sự tương tác qua lại ấy, chính mạng xã hội đã gián tiếp thúc đẩy một quy trình tác nghiệp mới cho những người làm báo. Làm thế nào để khai thác hiệu quả mạng xã hội trong tác nghiệp, để báo chí chính thống giữ được vị thế trước sự phát triển của truyền thông xã hội, để giữ được niềm tự hào với danh xưng “Nhà báo" là bài toán mà những người làm báo hiện đại, mỗi tòa soạn phải đi tìm lời giải thỏa đáng.
Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc đối thoại thẳng thắn hôm nay và xin chúc các vị khách mời luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!
(*) Tiêu đề bài viết do Tòa soạn lựa chọn.
Phần 1: Cần điềm tĩnh, trí tuệ trước thông tin từ mạng xã hội
Phần 2: Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là “sợi chỉ đỏ” trong trao đổi với Facebook, Google