Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Today của đài BBC Radio 4, ông Vallance đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson trong việc không lập tức đóng cửa các trường học hay ngừng các sự kiện thể thao, hoặc cách ly những người lớn tuổi để ngăn chặn virus corona...đồng thời khẳng định rằng chiến lược của Anh sẽ có tác dụng.
Ông Vallance nói rằng mục tiêu của chiến lược này là "hạ thấp đỉnh dịch, kéo dài nó ra", cho phép người dân Anh phát triển "miễn dịch cộng đồng" trong khoảng thời gian mùa Hè để tự bảo vệ bản thân họ trong trường hợp đợt dịch thứ hai bùng phát trong mùa Đông tới.
Ông nói với đài BBC rằng chính phủ Anh muốn "kìm nén" dịch bệnh thay vì tiêu hủy nó, tranh luận rằng COVID-19 có khả năng trở thành bệnh dịch xảy ra thường niên bởi vậy người dân Anh cần phải phát triển miễn dịch cộng đồng để chống lại nó.
Jeremy Hunt, cựu Bộ trưởng Y tế Anh, trong hôm 12/3 đã chỉ trích chiến lược đối phó với COVID-19 của Thủ tướng Johnson cùng các cố vấn khoa học của ông, cho rằng những nước như Thái Lan và Singapore - hiện được cho là thành công nhất trong việc ngăn chặn virus corona - đã áp dụng biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội (social distancing) ngay từ lúc dịch bắt đầu.
Tuy nhiên, ông Vallance cảnh báo rằng những nước đó - mặc 1dù hiện tại đã chặn được sự lây lan của dịch - sẽ dễ chịu tổn thương hơn trong giai đoạn sau của đại dịch, bởi người dân của họ không phát triển được cùng mức độ "miễn dịch cộng đồng".
Khi được hỏi tại sao Anh không áp dụng các biện pháp như Trung Quốc, Hong Kong hay Singapore, ông Vallance nói: "Khi các bạn kiềm chế rất mạnh tay một thứ gì đó rồi sau đó thả lỏng các biện pháp, nó sẽ nảy bật trở lại mạnh mẽ hơn vào một thời điểm không mong muốn".
Trong hôm 12/3, quyết định của Thủ tướng Johnson khi đưa ra một số sự can thiệp - như yêu cầu người dân có triệu chứng ho và thân nhiệt cao tự cách ly trong 7 ngày - đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều chính trị gia và một số nhà khoa học là quá nhẹ tay.
Ông Johnson cũng chịu sức ép lớn bởi một số nước láng giềng của Anh - trong đó có Ireland, Pháp, Bỉ - đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để chống COVID-19 như đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người, ngừng hết các sự kiện thể thao lớn nhỏ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chịu nhiều chỉ trích vì các biện pháp ngăn COVID-19 quá nhẹ tay (Ảnh: Independent)
|
Ông Vallance cho rằng việc ngừng các sự kiện thể thao chỉ có hiệu quả rất hạn chế, bởi người dân vẫn có thể lui tới các địa điểm đông người như quán bar, nhà hàng, hoặc ở nhà để xem qua truyền hình cùng bạn bè họ.
"Nơi khiến bạn có khả năng bị nhiễm bệnh nhất chính là ở nhà, khi gia đình, bạn bè ở trong một không gian kín - chứ không phải ở không gian thoáng đãng" - ông Vallance nói với đài BBC Radio 4.
Trả lời về việc ông Hunt kêu gọi cách ly những người già cả, ông Vallance nói rằng các biện pháp như vậy sẽ hiệu quả hơn trong giai đoạn sau của đợt dịch.
"Điều mà chúng tôi muốn tránh, là mọi người chỉ tập trung phòng dịch trong một khoảng thời gian ngắn" - ông nói, thêm rằng trong thời kỳ đỉnh dịch kéo dài tới mùa Hè, "sẽ có thêm nhiều người phát triển hệ miễn dịch, và nó sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc bảo vệ" người dân trước virus corona.
"Chúng tôi muốn kiềm chế nó (COVID-19) chứ không phải loại bỏ nó hoàn toàn - điều mà bạn không thể làm nổi - chúng tôi kiềm chế nó để có một đỉnh dịch thứ hai, và cũng là để cho phép đủ người trong số chúng ta mắc các triệu chứng nhẹ và sau đó miễn nhiễm nhờ vào phản ứng miễn dịch của toàn dân" - ông Vallance nói.
Khi được hỏi rằng tỷ lệ dân số Anh cần phải nhiễm virus để phát triển hệ miễn dịch là bao nhiêu, ông Vallance trả lời: "Có lẽ khoảng 60%".
Ông Vallance cho rằng con số ca nhiễm COVID-19 thực tế ở Anh có thể đã lên tới 5.000 - 10.000 người, khác với các báo cáo hiện nay.