Quả rằng đây là một bài toán khó với các đô thị ở Việt Nam vì ý thức của người dân quá kém. Tuy nhiên, biện pháp là có thể xử phạt thật nặng với hành vi xả rác ra nơi công cộng và việc này có thể học tập Singapore. Với hệ thống camera quan sát được lắp đặt dầy đặc, quốc đảo Singapore luôn rất sạch sẽ vì không ai dám vứt rác. Song bên cạnh cách làm đó, vẫn rất cần những biện pháp công nghệ nhằm thu hút người dân mang rác đến các thùng rác.
Tại Bỉ và một số quốc gia Châu Âu, rất nhiều năm trước đã xuất hiện những thùng rác thông minh với hình dạng là các động vật như gấu, chó, chim cánh cụt… Mỗi khi có rác thả vào, các thùng rác thông minh sẽ phát ra lời “cám ơn” với đủ giọng điệu ngộ nghĩnh. Vì thế, các thùng rác thông minh này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các em thiếu nhi. Để được nghe lời “cám ơn” ngộ nghĩnh của các thùng rác thông minh, thiếu nhi tại các nước này rất chăm chỉ đi lượm rác xung quanh đó và thậm chí phải mang cả rác từ nơi khác đến để bỏ vào.
Tại Việt Nam, như mong muốn của TS Đặng Ngọc Dinh, trước khi xây dựng thành phố thông minh thì thành phố phải xanh sạch đẹp. Và như vậy, bên cạnh các biện pháp xử phạt cùng việc giáo dục ý thức của người dân thì cũng phải có những giải pháp công nghệ cho việc đó. Mong rằng sẽ có những tổ chức, doanh nghiệp sẽ đóng góp những sáng kiến và làm ra những thùng rác thông minh như mô hình nói trên ở các nước Châu Âu. Chắc chắn rằng, các em nhỏ khi đó sẽ đi đầu trong việc góp phần làm sạch và cách làm sạch đô thị theo kiểu đó cũng chính là một thành tố của thành phố thông minh.