Truyền thông Trung Quốc cho biết, Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông đã được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thông qua với toàn bộ 162 Ủy viên bỏ phiếu thuận và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Được biết "Luật của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về giữ gìn An ninh Quốc gia Đặc khu hành chính Hồng Kông" (Gọi tắt là Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông) chủ yếu nhắm vào bốn hành vi, bao gồm lật đổ chính quyền nhà nước, chia rẽ đất nước, hoạt động khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài hoặc nước ngoài để gây nguy hại cho an ninh quốc gia; trong đó chia rẽ đất nước và lật đổ chính quyền nhà nước hình phạt tối đa có thể bị kết án tù chung thân và chính quyền trung ương giữ quyền tài phán trong ba trường hợp cụ thể và luật pháp không bị hồi tố.
Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông quy định chính phủ Trung Quốc có quyền quyết định đối với vấn đề an ninh ở Hồng Kông, nhắm vào 4 loại đối tượng cụ thể (Ảnh: Đôbng Phương).
|
Ngoài ra, chính phủ trung ương sẽ thành lập tại Hồng Kông Cơ quan an ninh quốc gia và Hội đồng An ninh quốc gia để phân tích và phán đoán tình hình của Đặc khu hành chính Hồng Kông trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và chịu trách nhiệm giám sát, hướng dẫn, điều phối và hỗ trợ chính phủ Đặc khu Hồng Kông thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Hội đồng này do Trưởng quan Đặc khu là Chủ tịch và lập ra Cố vấn an ninh quốc gia do Chính phủ Trung ương chỉ định để tư vấn ý kiến về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban An ninh Quốc gia.
Đạo luật cũng nêu rõ trong một số trường hợp đặc biệt, sau khi thảo luận với Cơ quan an ninh quốc gia ở Hồng Kông, Trưởng quan Đặc khu có thể đề xuất gửi các vụ án nghiêm trọng về đại lục để xét xử và sau đó chính phủ trung ương sẽ phê chuẩn việc di lý để xét xử.
Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, ngay chiều 30/6 cơ quan này đã thảo luận rồi quyết định đưa Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông vào Phụ lục 3 của Luật Cơ bản Hồng Kông; đến tối 30/6 sẽ công bố toàn văn bộ luật. Ông Đàm Diệu Tông, Ủy viên UBTV Quốc hội nói, việc hình phạt cao nhất không gồm tử hình, chỉ ở mức tù chung thân là để tương xứng với hình phạt ở các quốc gia khác.
Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông ngày 30/6, vào lúc phía Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đăng tải bản tweet nêu rõ, Mỹ đình chỉ xuất khẩu sang Hồng Kông các thiết bị quốc phòng do Cục Chính trị quân sự của Bộ Ngoại giao quản chế và các công nghệ nhạy cảm lưỡng dụng do Bộ Thương mại phụ trách.
Bản tweet của ông Mike Pompeo tuyên bố: Trung Quốc đối xử với Hồng Kông bằng chính sách "một quốc gia, một chế độ" thì Mỹ cũng đối xử với Hồng Kông như thế (Ảnh: Đông Phương).
|
Ông Mike Pompeo cũng viết, nếu Trung Quốc đối xử với Hồng Kông bằng chính sách “một quốc gia một chế độ” thì Mỹ cũng sẽ xem xét đối xử với Hồng Kông như thế.
Ông Mike Pompeo nói trong một tuyên bố trước đó rằng không thể phân biệt rõ ràng các mặt hàng được kiểm soát sang Trung Quốc hay Hồng Kông. Để ngăn chặn các thiết bị này rơi vào tay PLA, ông buộc phải thực hiện các biện pháp liên quan để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với các thiết bị liên quan đến quân sự của Trung Quốc đã không áp dụng cho Hồng Kông trong quá khứ. Theo một báo cáo nước ngoài, Mỹ sẽ yêu cầu giấy phép trước khi cho phép xuất khẩu sang Hồng Kông cho các thiết bị lưỡng dụng liên quan đến quân sự và dân sự.
Đồng thời, Bộ trưởng thương mại Willbus Ross đã tuyên bố Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông làm tăng nguy cơ chuyển giao công nghệ nhạy cảm của Mỹ cho PLA hoặc Bộ An ninh Quốc gia, cũng làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Vì vậy Mỹ quyết định tạm dừng cung cấp quy định đãi ngộ đặc biệt đối với Hồng Kông, bao gồm bãi bỏ việc miễn giấy phép xuất khẩu và đánh giá thêm việc loại bỏ chế độ đãi ngộ đặc biệt.
Đáp lại hành động của phía Mỹ, cùng ngày 30/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố “vấn đề lập ra Luật An ninh quốc gia Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc, bất kỳ quốc gia nào cũng không có quyền can thiệp” và nói thêm “Trung Quốc không phải là nước dễ bị bắt nạt”.
Ông Triệu Lập Kiên tuyên bố trong cuộc họp báo rằng chính phủ Trung Quốc kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển, quyết tâm thực thi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và quyết tâm chống lại sự can thiệp của bất kỳ thế lực bên ngoài nào vào vấn đề Hồng Kông. Mưu đồ của Mỹ cản trở Trung Quốc thúc đẩy ra Luật An ninh quốc gia Hồng Kông, thông qua cái gọi là lệnh trừng phạt sẽ không bao giờ thành công. Trước các hành động sai trái của Mỹ, Trung Quốc sẽ có biện pháp đối phó cần thiết và bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia của chính mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên: vấn đề lập ra Luật An ninh quốc gia Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc, Mỹ không có quyền can thiệp (Ảnh: Reuters).
|
Trước đó, hôm 26/6, Mỹ đã tuyên bố sẽ hạn chế cấp thị thực nhập cảnh đối với các quan chức Trung Quốc đại lục “tham gia vào việc làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông”. Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố đối tượng bị áp dụng bao gồm “các đảng viên Trung Quốc đương nhiệm và trước đây cùng gia đình”, nhưng không nêu tên cụ thể và không cho biết sẽ bị hạn chế đến mức nào.
Hôm 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận định, Hồng Kông không còn được quyền tự trị đầy đủ, Mỹ sẽ dần bãi bỏ chính sách đãi ngộ đặc biệt dành cho Hồng Kông, nhưng hiện Mỹ cũng chưa tuyên bố các biện pháp và quy trình cụ thể.
Đài BBC đưa tin, các nghị sĩ Cộng hòa hồi đầu tháng đã đệ trình bản danh sách các quan chức Trung Quốc bị trừng phạt, theo báo cáo chiến lược an ninh quốc gia do Ủy ban toàn quốc đảng Cộng hòa công bố ngày 10/6 đề nghị áp dụng “biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất trong lịch sử” theo “Magnitsky Act” (còn gọi là Luật Magnitsky toàn cầu) để trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương. Bản danh sách này đã nêu đích danh hai Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị là Chủ tịch Chính Hiệp (Uông Dương) và phụ trách vấn đề Hồng Kông – Ma Cao (Hàn Chính); đồng thời kiến nghị trừng phạt một số quan chức liên quan như Chủ nhiệm Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương...
Đáp lại hành động của phía Mỹ, ngày 29/6, Trung Quốc cũng đã tuyên bố trả đũa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên tuyên bố: “Trung Quốc quyết định thực thi hạn chế visa đối với các quan chức Mỹ có biểu hiện xấu xa liên quan đến vấn đề Hồng Kông". Cụ thể là ai, ông Triệu Lập Kiên không công bố, chỉ nói "những người liên quan hẳn đều biết rõ”.
Trước việc Thượng nghị viện Mỹ thông qua Luật Tự trị Hồng Kông, trừng phạt những cá nhân và công ty, tổ chức Trung Quốc ủng hộ việc gây tổn hại đến quyền tự trị của Hồng Kông; ông Triệu Lập Kiên lên án đây là “hành vi ác ý chống lại Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, đi ngược lại luật pháp quốc tế và các chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế".