Trung Quốc nâng cấp tăng T-59 thành robot trí tuệ nhân tạo

VietTimes -- Xe tăng Type - 59 được đưa vào biên chế Quân đội Nhân dân Trung Quốc vào năm 1959. Thời điểm này, một số lượng lớn T-59 hiện đang hoạt động, PLA dự kiến những chiếc xe tăng này sẽ còn được sử dụng lâu dài trong lực lượng tăng thiết giáp siêu cường quân sự thứ II thế giới.
Xe tăng T-59 (phiên bản T55 nội địa Trung Quốc). Ảnh minh họa  Military Watch Magazine
Xe tăng T-59 (phiên bản T55 nội địa Trung Quốc). Ảnh minh họa Military Watch Magazine

Trong những năm gần đây, nhờ sự cải cách cơ cấu tổ chức, đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, PLA trở thành một trong những quân đội mạnh và chính quy, hiện đại nhất trên thế giới. Vấn đề duy trì một số lượng T-59 lão hóa đang trở thành vấn đề không nhỏ đối với quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Hiện nay, lực lượng tăng thiết giáp Trung Quốc bắt đầu tiếp nhận và thay thế bằng xe tăng hiện đại T-99. Trong tương lai gần, T-99 sẽ là lực lượng tăng chủ lực của các lữ đoàn tăng thiết giáp quân đội Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là T-59 có thể được niêm cất dài hạn cho đến khi buộc phải thanh lý, ngoại trừ trường hợp có chiến tranh. Nhưng các kỹ sư quân sự Trung Quốc đã tìm được một giải pháp khai thác sử dụng mới.

Những chiếc tăng T-59 (phiên bản sao chép của T-55) chiếm khoảng một phần 4 số lượng xe tăng của quân đội Trung Quốc, được đưa vào khai thác sử dụng ngay sau Chiến tranh Triều Tiên. Khoảng 10.000 xe chiến đấu nặng 36,5 tấn được sản xuất trong hơn 27 năm. T- 59 từng là lực lượng tấn công chủ lực trong suốt hơn hai thập kỷ, từ cuối những năm 1980 dần dần bị loại biên, chỉ giữ lại các phiên bản hiện đại hóa tiên tiến như Type 59G và Type 79, phục vụ chủ yếu trong các đơn vị niêm cất tạm thời và huấn luyện chiến đấu. Trong các đơn vị chiến đấu, PLA sử dụng chủ yếu là Type 96A (T-96) như phương tiện tấn công chủ lực của quân đội.

Sau chiến tranh Việt Nam, rút kinh nghiệm các phương thức điều hành tác chiến và khoa học quân sự. PLA đẩy mạnh đầu tư công nghiệp quốc phòng, phát triển thành một trong những lực lượng vũ trang hiện đại nhất trên thế giới, sở hữu nhiều công nghệ vượt trội so với các các quốc gia khu vực. Nhưng cũng như Israel, sự tồn tại không giải thích được của T- 59 trong quân đội ngày nay là một vấn đề hệ trọng. 

Các kỹ sư quân sự Trung Quốc đã tìm thấy một giải pháp khai thác sử dụng mới các xe tăng cũ, tương tự như các máy bay phản lực MiG-15, J-2, J-5, J-6 và J-7 đã nghỉ hưu từ khi quốc gia này có thể sản xuất các phương tiện chiến đấu hiện đại, đáp ứng nhu cầu của chiến tranh.

Theo Military Watch Magazine, những chiếc xe tăng lỗi thời như T-59, trang bị hỏa lửa khá mạnh, một pháo tăng 100mm và súng máy PKT 7,62mm, đã thử thách qua chiến tranh sẽ được lắp đặt thêm các bộ phận mới, trở thành xe tăng không người lái. Tổng biên tập Tạp chí Xe tăng và Thiết giáp Liu Qingshan đã phát biểu về vấn đề này trong cuộc phỏng vấn với báo Hoàn Cầu tháng 5.2018: "Một số lượng lớn xe tăng T- 59 có thể sẽ được nâng cấp thành phương tiện chiến đấu không người lái và được trang bị trí tuệ nhân tạo ".

Đến thời điểm này, thế hệ xe tăng hùng mạnh như T-55, T- 59 không thể thực hiện được những chức năng tác chiến cơ bản, bảo vệ được kíp xe trước các xe tăng hiện đại và các tổ hợp chống tăng có điều khiển ATGM. Nhưng trong điều kiện chiến trường hiện đại, khi các xe tăng không người lái, có vỏ thép dày, hỏa lực mạnh, số lượng lớn, có thể tiến hành các đợt tấn công quyết liệt, gây tâm lý căng thẳng và khả năng hoảng loạn trong lực lượng của kẻ thù. Hơn thế nữa, nếu lắp đặt thêm thuốc nổ khối lượng lớn, xe tăng vô hình chung có thể là một chiếc VBIED khủng khiếp, đủ sức làm tan rã bất cứ hệ thống phòng ngự nào.

Những chiếc xe tăng không người lái nguy hiểm hơn nhiều so với chiến thuật tấn công biển người của PLA hồi những năm 50, cho phép thương vong sinh lực là thấp nhất trong tình huống dễ dàng thay thế sửa chữa nhất các phương tiện chiến đấu.

Trang bị cho T- 59 trí tuệ nhân tạo, các hệ thống tự động hóa (ngắm bắn, nạp đạn, điều khiển và phản ứng nhanh), các kỹ sư công nghiệp quốc phòng sẽ biến những chiếc tăng lão hóa này thành một vũ khí đa năng, có khả năng chế áp bất cứ kẻ thù nào, kể cả những nhóm chiến binh nguy hiểm như IS, Duy Ngô Nhĩ trên mọi địa hình tác chiến, do thực tế các phương thức tác chiến thông thường đều bất lực trước cuộc tấn công của hàng trăm xe tăng T-59 không người lái với hỏa lực cực mạnh. Đây cũng là một thực tế, một bài học kinh nghiệm mà các đơn vị công nghiệp quốc phòng Việt Nam cần nghiên cứu, phát triển và đưa vào khai thác sử dụng.