Trung Quốc khoe tàu ngầm hạt nhân Type 094A
Theo tờ ETtoday Đài Loan ngày 4 tháng 2, đúng vào dịp tết âm lịch, lực lượng tàu chiến và tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc lũ lượt quay về cảng tu sửa, trong đó có 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094A mới nhất cũng đồng thời xuất hiện.
Theo phản ánh của trang tin Sina Trung Quốc ngày 4 tháng 2, tàu ngầm hạt nhân Type 094 có thể mang theo ít nhất 12 quả tên lửa chiến lược Cự Lang-2 (JL-2), trong thời chiến có thể thực hiện nhiệm vụ đáp trả hạt nhân, tầm bắn có thể đạt 10.000 km trở lên.
Tức là nó chỉ cần bố trí ở căn cứ hải quân Du Lâm, thành phố Tam Á, đảo Hải Nam là có thể tấn công các đô thị trọng điểm trên toàn nước Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân Type 094A xuất hiện lần trước là vào trước tết âm lịch - trung tuần tháng 1. Khi đó 2 tàu ngầm loại này đã đồng thời xuất hiện "hiếm có" trên mặt nước, gây chú ý cho dư luận quốc tế.
Theo tờ nguyệt san Popular Science Mỹ, tàu ngầm Type 094A lắp thiết bị định vị thủy âm kéo có thể thu lại, có thể dễ dàng dò tìm được mối đe dọa và tìm cách né tránh. Điều quan trọng là, loại tàu ngầm này có khoang chứa tên lửa hiệu quả lớn hơn, có thể lắp tên lửa Cự Lang mới.
Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ chế tạo thành công 5 tàu ngầm hạt nhân Type 094. Lượng giãn nước khi lặn của những tàu ngầm này khoảng 11.000 tấn, mang theo 12 hoặc 16 quả tên lửa đạn đạo.
Cơ quan tình báo này còn cho rằng phương án thiết kế đầu tiên của Trung Quốc quy định sử dụng 12 thiết bị phóng tên lửa, nhưng vài năm trước đã xuất hiện hình ảnh tàu ngầm Type 094 có 16 thiết bị phóng tên lửa, cho thấy chuyên gia Trung Quốc có thể đã nghiên cứu phát triển được phiên bản cải tiến mới.
Trung Quốc bắn thử tên lửa Đông Phong-5C
Theo tờ Washington Free Beacon Mỹ ngày 31 tháng 1, hai quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ, vào đầu tháng 1, Trung Quốc đã tiến hành một vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa, đó là tên lửa Đông Phong-5C mới, quả tên lửa này mang theo 10 đầu đạn độc lập.
Đây là một thông tin gây ngạc nhiên, bởi vì tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dòng Đông Phong-5 là lực lượng xương sống của răn đe hạt nhân chiến lược Trung Quốc, là vũ khí sát thương lớn, đại diện cho khả năng tấn công hạt nhân của nước này.
Nếu chú ý quan sát sẽ phát hiện, trong Lễ duyệt binh ngày 3 tháng 9 năm 2015, loại tên lửa này đã xuất hiện ở khối cuối cùng của vũ khí chiến lược. Như vậy, có thể thấy được tầm quan trọng của nó.
Tên lửa đạn đạo dòng Đông Phong-5 là một loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng giếng cố định. Tên lửa này lần đầu tiên thử nghiệm vào tháng 9 năm 1971, biên chế vào năm 1981.
Năm 1983, loại tên lửa này đã tăng tầm phóng lên 12.000 km, đổi sang lắp hệ thống dẫn đường chính xác hơn, được gọi là Đông Phong-5A.
Năm 1986, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm đầu đạn độc lập. Trong Lễ duyệt binh ngày 3 tháng 9, Trung Quốc đã cho phô diễn tên lửa hạt nhân chiến lược xuyên lục địa thể lỏng Đông Phong-5B, là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dòng Đông Phong-5.
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-5B có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân độc lập trở lên, đầu tương đối lớn, hình dáng cao, tải trọng lớn, tầm bắn xa.
Tên lửa Đông Phong-5C mới xuất hiện là một phiên bản mới. Với khả năng mang theo 10 đầu đạn độc lập, loại tên lửa này đã có khả năng tấn công và khả năng đột phá phòng không mạnh hơn.
Căn cứ vào công nghệ của Trung Quốc vài năm gần đây, rõ ràng tên lửa Đông Phong-5C có khả năng thay đổi quỹ đạo mạnh hơn và độ tấn công chính xác cao hơn.
Xét tới tải trọng, tầm bắn, số lượng đầu đạn độc lập và khả năng thay đổi quỹ đạo của dòng Đông Phong-5, xét tới điểm yếu của Mỹ trên phương diện công nghệ phòng thủ tên lửa đoạn giữa, rõ ràng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ rất khó để đánh chặn đầy đủ đối với loại tên lửa này.
Nếu Trung Quốc triển khai 30 quả tên lửa Đông Phong-5C thì sẽ có 300 đầu đạn hạt nhân kèm theo. Cộng với các loại tên lửa đạn đạo có thể lắm đầu đạn hạt nhân như dòng Đông Phong-31, Đông Phong-41, thì Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 250 đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, gần đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc còn kêu gọi mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Đối với vụ thử tên lửa mới nhất, chuyên gia Rick Fisher từ Trung tâm đánh giá quốc tế và chiến lược Mỹ cho rằng, vụ thử tên lửa Đông Phong-5C lắp 10 đầu đạn là một vụ thử đe dọa hạt nhân mới nhất của Trung Quốc, rõ ràng có ý đồ nhằm vào chính quyền của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó, Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 ở tỉnh Hắc Long Giang cũng phát đi tín hiệu tương tự. Việc báo chí Trung Quốc kêu gọi mở rộng kho vũ khí hạt nhân càng thể hiện ý đồ này của Trung Quốc.
Trang tin Sina Trung Quốc tiến hành biện hộ cho nước này rằng các thông tin về động thái tên lửa chiến lược của Trung Quốc không nhằm hăm dọa ai, mà là Trung Quốc cần có vũ khí sát thương lớn để "tự vệ", để bảo vệ an ninh quốc gia của một nước có gần 1,4 tỷ người, tránh bị "ăn đánh".
Theo Sina, Trung Quốc phóng thử tên lửa Đông Phong-5C có nhiều mục đích như: Một là, cùng với triển khai tên lửa Đông Phong-41, Trung Quốc phóng tên lửa Đông Phong-5C là để phô trương khả năng đáp trả hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, khoe cơ bắm hạt nhân mới nhất.
Hai là, thể hiện với Nhà Trắng Mỹ rằng Trung Quốc tự tin trong cuộc chơi với Mỹ, cho Mỹ biết rằng Trung Quốc sẽ không tiến hành nhượng bộ chiến lược.
Ba là phát đi tín hiệu với các nước liên quan rằng Trung Quốc tuyệt đối sẽ không khuất phục Mỹ. Mặc dù các nhân vật chính trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc khoe cơ bắp là để các nước trong khu vực nhìn thấy Trung Quốc "không sợ", tránh để các nước lựa chọn đứng về một bên.
Bốn là tiếp tục khẳng định với Mỹ là hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ sẽ không thể đánh chặn được tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc chính là để theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Trung Quốc muốn chứng minh họ có khả năng chọc thủng mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Năm là Trung Quốc khẳng định họ còn có thể chưa tiết lộ hết vũ khí sát thương lớn để tạo không gian "tưởng tượng" cho dư luận. Trung Quốc khoe Đông Phong-5C, Đông Phong-41 tức là Trung Quốc có thể còn có loại siêu vũ khí mạnh hơn.
Sina cho rằng đến nay Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa gọi điện cho nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy ông Trump chưa nghĩ được làm thế nào để chung sống với Trung Quốc, cho thấy Mỹ đang có thái độ thận trọng.
Trung Quốc sẽ triển khai tàu sân bay tự chế đầu tiên ở Biển Đông
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 4 tháng 2 còn dẫn tờ Daily Mail Anh cho rằng tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc có thể được đặt tên là Sơn Đông và triển khai ở Biển Đông.
Trước đó, Nhà Trắng Mỹ đã thề sẽ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông - một tuyến đường hàng hải quan trọng.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer gần đây cho biết Mỹ "phải bảo đảm có thể bảo vệ lợi ích của mình tại đó, đề phòng nó bị nước nào đó chiếm lấy". Nhưng Sean Spicer từ chối giải thích Mỹ sẽ áp dụng hành động cụ thể nào để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Các chuyên gia Trung Quốc bày tỏ lo ngại đối với lập trường của chính quyền Mỹ Donald Trump trong vấn đề Biển Đông, vì lập trường này có thể làm xuất hiện leo thang hành động quân sự.
Nhà nghiên cứu Đằng Kiến Quần từ Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc không cho rằng Mỹ sẽ tiến hành phong tỏa Trung Quốc ở Biển Đông như họ tuyên bố, vì điều đó khác nào "tuyên chiến" với Trung Quốc.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông trong thời gian tới, báo chí Ấn Độ ngày 1 tháng 2 dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai tàu sân bay tự chế đầu tiên ở Biển Đông để xử lý tình hình phức tạp.
Dự đoán, Trung Quốc sẽ chế tạo xong tàu sân bay này trong nửa đầu năm 2017 và chính thức biên chế vào năm 2019. Trung Quốc còn chưa công bố chính thức vị trí của căn cứ tàu sân bay thứ hai.
Việc Trung Quốc thiết lập căn cứ tàu sân bay ở khu vực duyên hải miền nam nước này sẽ làm tăng mạnh khả năng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước những tuyên bố cứng rắn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành "chuẩn bị" để quyết "phân cao thấp" với Mỹ.