Trung Quốc cho tàu Hải cảnh và máy bay ném bom áp sát đảo tranh chấp, Nhật Bản khẩn cấp ứng phó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 23/12, hai tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Vào ngày 22/12, các máy bay ném bom của Trung Quốc cũng đã tiếp cận quần đảo này,

Tàu công vụ Nhật và Trung Quốc đụng độ nhau trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: zhihu).
Tàu công vụ Nhật và Trung Quốc đụng độ nhau trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: zhihu).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 23/12, Bộ Tư lệnh Phòng vệ biển (Hải quân) Nhật Bản hôm nay 23/12 thông báo, Cảnh sát biển Trung Quốc sáng nay đã cho hai tàu Hải cảnh tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku của Nhật Bản và đã cố gắng tiếp cận các tàu đánh cá Nhật Bản; phía Nhật đã tiến hành cảnh báo xua đuổi.

Vùng 11 của Bộ Tư lệnh Phòng vệ biển Nhật Bản chỉ ra rằng gần đây 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đã vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cho đến sáng sớm thứ Tư 23/12, 2 chiếc trong số này đã đi vào vùng biển quần đảo Senkaku; hai chiếc khác tiếp cận cách đảo Taisho (Trung Quốc gọi là Xích Vĩ Dữ) 19-21 km về phía nam.

Bộ Tư lệnh Phòng vệ biển Nhật Bản cho biết đã điều các tàu tới hộ vệ tàu đánh cá Nhật Bản và cảnh cáo, xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc rời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo thống kê của cơ quan này, đây là lần thứ 23 tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ ngày 9 tháng 12.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát (Ảnh: Getty).

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát (Ảnh: Getty).

Cũng theo Dongfang, ngoài ra, Trung Quốc và Nga đã tiến hành chuyến tuần tra chiến lược đường không chung thứ hai trên Biển Hoa Đông và vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên vào thứ Ba (22/12), với các máy bay quân sự trong đó có 6 máy bay ném bom chiến lược. Cục Giám sát và Tham mưu tổng hợp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 23/12 cho biết 4 trong số các máy bay quân sự đã bay đến vùng biển gần quần đảo Senkaku và các máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ trên không (Không quân) Nhật Bản đã bay lên để ứng phó.

Về vụ này, Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK) ngày 23/12 đưa tin, cơ quan Vùng 11 của Bộ Tư lệnh Phòng vệ biển Nhật Bản cho biết 2 trong số 4 tàu Hải cảnh Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển lân cận bên ngoài quần đảo Senkaku vào lúc 3 giờ sáng ngày 23/12 đã đi vào vùng biển cách đảo Taisho (Trung Quốc gọi là Xích Vĩ Dữ) thuộc quần đảo Senkaku từ 19km đến 21km về phía Nam và tiếp cận tàu đánh cá Nhật Bản.

Bộ Tư lệnh Phòng vệ biển Nhật Bản đã triển khai các tàu tuần tra xung quanh các tàu đánh cá để tăng cường cảnh giác và liên tục đưa ra cảnh báo. NHK cho biết, theo thống kê của Nhật Bản, kể từ ngày 9/12, đây là lần thứ 23 tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku.

Sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku năm 2012, quan hệ Trung-Nhật xấu đi, Trung Quốc liên tục cho tàu công vụ đi vào vùng biển này (Ảnh: Reuters).

Sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku năm 2012, quan hệ Trung-Nhật xấu đi, Trung Quốc liên tục cho tàu công vụ đi vào vùng biển này (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 22/12 tuyên bố Trung Quốc và Nga đã cho 6 máy bay ném bom bay qua Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông; Lực lượng Phòng vệ Trên không (Không quân) Nhật Bản lập tức cất cánh khẩn cấp để ứng phó. Trong số đó, 4 máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã gặp nhau trên quần đảo Nagasaki Goto ở Biển Hoa Đông, và sau đó bay theo hướng quần đảo Senkaku.

Bài báo cũng cho biết, 4 máy bay ném bom bay về phía quần đảo Senkaku đã đổi hướng ở gần 27 độ vĩ bắc và bay qua eo biển Miyako. Bốn máy bay ném bom này sau khi bay ra Thái Bình Dương đã quay trở lại ngay lập tức, bay qua eo biển Miyako một lần nữa và tiếp tục đi về phía bắc.

Liên quan đến cuộc tuần tra chung của máy bay quân sự Trung Quốc và Nga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato trong cuộc họp báo sáng 22/12 đã nói, hoạt động bay này của máy bay quân sự Trung Quốc và Nga không được thông báo trước cho Nhật Bản và bày tỏ Nhật sẽ giao thiệp với Trung Quốc và Nga thông qua kênh ngoại giao.

Đáng chú ý, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc ngày 22/12 đã viết trên trang weibo, đe dọa Nhật Bản. Hồ Tích Tiến viết: “Quân đội Trung – Nga hôm nay thực hiện cuộc tuần tra chiến lược trên không lần thứ hai. Biên đội liên hợp gồm 4 chiếc máy bay ném bom H-6K của PLA và 2 chiếc Tu-95 của Nga đã cùng nhau tuần tra trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông; nhiệt liệt ủng hộ.

Ngày 24/11,Ngoại trưởng hai nước Trung - Nhật gặp nhau tại Tokyo (Ảnh: Reuters).

Ngày 24/11,Ngoại trưởng hai nước Trung - Nhật gặp nhau tại Tokyo (Ảnh: Reuters).

Mỹ cùng với việc điên cuồng chèn ép Trung Quốc và Nga, đã lôi kéo một số quốc gia để đối kháng địa chính trị. Nhưng chỉ cần Trung Nga dựa lưng vào nhau hiệp đồng đối phó thác thức, trò chơi gây liên minh của Mỹ chỉ là hạng chó mèo. Mỹ muốn ép Trung, Nga sụp đổ chỉ là ảo tưởng”.

Hồ Tích Tiến viết: “Trung Nga hợp tác chiến lược toàn diện, kết đối tác không kết liên minh, đường đường chính chính. Đâu có kiểu bày đàn như chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Donald Trump. Những kẻ giúp Mỹ cắn Trung Quốc như Australia sẽ phải trả giá. Anh và các nước khác trong Liên minh Ngũ Nhãn thì được lợi lộc gì? London hiện dịch bệnh khốn đốn, bị các nước cắt đứt hàng không, Mỹ lẽ ra phải ra tay cứu giúp, chuyển vaccine tới cứu Anh mới phải, nhưng Washington không làm”.

Ông ta dọa dẫm: “Vị trí địa chính trị của Nhật ở cạnh Trung, Nga không thay đổi được, cần phải hữu hảo với Trung, Nga, chứ không nên tính sai đại cục chiến lược, cố chết bám víu lấy Mỹ. Tóm lại, ai giúp Mỹ “chơi” Trung, Nga cuối cùng đều không kiếm được lợi lộc gì!”.