“Những tháng ngày tạo đảo ở bãi cạn Scarborough là quãng thời gian vô cùng nguy hiểm, đây là cuộc phiêu lưu mạo hiểm vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Kết quả ván cờ Trung - Mỹ sẽ xong vào năm 2020 chứ không phải chờ đến 2050, nghĩa là sẽ kết thúc sớm trước thời hạn 30 năm”, chuyên gia Trung Quốc nhận định.
Học giả Trung Quốc ngụy biện
Liên quan đến tình hình Biển Đông và quan hệ Mỹ - Trung, gần đây dư luận Trung Quốc cũng như truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm đến bản “Báo cáo triết học chiến lược Mỹ - Trung” của Kim Xán Vinh, chuyên gia chính trị quốc tế thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc. Theo đó chuyên gia này nhận định nguy cơ thực sự ở Biển Đông sẽ đến vào năm 2018, vì đây là thời điểm mà Trung Quốc khởi công tạo đảo ở bãi cạn Scarborough.
Tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông là sự thật hiển nhiên, nhiều học giả Trung Quốc sống bên ngoài Trung Quốc đại lục cũng lên án lòng tham của chính quyền Trung Quốc, nhưng đa số học giới Trung Quốc sống trong nước vì tinh thần dân tộc cực đoan mù quáng đã bất kể thị phi, trong đó Kim Xán Vinh nằm trong số đó. Học giả này ngụy biện rằng Mỹ hành xử ép Trung Quốc, dùng Tòa Trọng tài làm mưu kế bôi nhọ Trung Quốc, đã xúi Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực làm hình ảnh quốc tế của Trung Quốc bị bôi nhọ.
Kim Xán Vinh cáo buộc: “Kể từ năm ngoái, Mỹ đã liên tục dùng thủ đoạn đế ép Trung Quốc, dùng tàu chiến đe dọa, dùng pháp luật bôi xấu hình ảnh, dùng dư luận chửi bới Trung Quốc, dùng ngoại giao cô lập. Rêu rao khắp nơi về phán quyết của Tòa Trọng tài khiến Trung Quốc chịu áp lực, bác bỏ hoàn toàn quyền lịch sử của Trung Quốc, hoang đường hơn là cho rằng tất cả đảo ở Biển Đông không phải đảo, đảo Ba Bình (Đài Loan chiếm trái phép của Việt Nam) cũng không phải đảo, thực tế đảo Ba Bình có nước ngọt, là một nơi rất đẹp. Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 định nghĩa về đảo rất lợi hại, chỉ ghi mơ hồ “đảo là nơi thích hợp cho con người sinh sống”, không có định nghĩa cụ thể”.
Chuyên gia Trung Quốc trơ tráo viết tiếp: “Còn năm vị trọng tài thì cho rằng đảo phải có nhiều người sinh sống, nhưng quy mô như thế nào thì không biết cụ thể, chỉ nói rằng có người cư trú thường xuyên với quy mô lớn, có thể tự cung cấp nuôi sống được người dân trên đó mới gọi là đảo, nếu không thì chỉ là đá. Nếu theo định nghĩa của họ thì Nhật Bản chỉ là tảng đá, vì 90% thứ cung cấp cho Nhật Bản là lấy từ bên ngoài, không thể tự cung tự cấp được”.
Bày mưu hiểm đối phó
Kim Xán Vinh hiến kế trước tiên Trung Quốc cần làm hai việc: Thứ nhất là không để những nước khác bắt chước Philippines kiện Trung Quốc. Chẳng hạn như Malaysia, Brunei, Việt Nam cũng đã chuẩn bị kiện Trung Quốc, Indonesia cũng có khả năng, Nhật Bản cũng đã chuẩn bị. Tuy nhiên theo Kim Xán Vinh trong những nước này chỉ có Việt Nam đáng ngại, còn Nhật Bản thì đang do dự, vì nếu Nhật Bản kiện Trung Quốc thì Hàn Quốc cũng có thể kiện họ.
Thứ hai Trung Quốc cần ngăn chặn Nhật Bản và Mỹ dùng Tòa Trọng tài phân xử tranh chấp Biển Đông làm hành động chính trị, dùng phán quyết của Tòa Trọng tài để ép Trung Quốc, nói đây là luật pháp quốc tế. Trung Quốc phải phản đối đây chỉ là luật pháp quốc tế của họ, cần làm cho những lý luận của họ trở thành tờ giấy lộn, Kim Xán Vinh ngang nhiên lý luận cùn.
Để ứng phó sức ép của Mỹ trên các mặt trận, Kim Xán Vinh hiến kế như sau:
Về truyền thông, Trung Quốc cũng phải gây sức ép dư luận, phải bỏ nhiều tiền ra tổ chức hội nghị quốc tế, mời người nước ngoài trung lập đến nói chuyện. Bộ Ngoại giao cần lệnh cho các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài tuyên truyền lập trường về Biển Đông của Trung Quốc trên những cơ quan truyền thông lớn của nước đó. Trong cuộc chiến này đã nhiều lần Trung Quốc bị thua, vì tiếng nói của Mỹ quá mạnh. Nhưng cho dù có thua thì cũng phải làm, vì dù sao cũng có tác dụng gây áp lực cho Mỹ và Nhật, họ sẽ ngại Trung Quốc quá nóng làm liều nên sẽ kiêng dè.
Ngoài ra cũng có thể tác động đến những nước có quan điểm trung lập, vì họ vốn không quan tâm mấy đến việc này, khi thấy Trung Quốc bỗng dưng nóng nảy như thế họ sẽ chú ý, sẽ có thể ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Quan trọng hơn nữa là phải tạo sức mạnh cố kết trong nước, vì quốc tế chửi thế nào thì kệ họ, còn nếu người trong nước mà chửi mới là chuyện lớn, Kim Xán Vinh lập luận theo kiểu lấy được.
Về ngoại giao: Trung Quốc phải lôi kéo bạn bè, vì chuyện này mà Ngoại trưởng Vương Nghị đã chạy lăng xăng khắp thế giới để vận động, lôi kéo nhiều nước biết nhằm ủng hộ lập trường Biển Đông (sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế) của Trung Quốc.
Về kinh tế, Kim Xán Vinh đề xuất phải chuẩn bị tốt về kinh tế để chống lại cấm vận. Về quân sự, chuyên gia họ Kim đánh giá hiện nay chuyện đối kháng quân sự là vấn đề được truyền thông quan tâm nhất, sau khi hai hàng không mẫu hạm Mỹ dọa Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã cử ba hạm đội cùng diễn tập liên tục, gây sức ép lại đối phương.
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ và Nhật Bản gây sức ép với Trung Quốc từ khắp xung quanh, nhưng ông ta suy đoán rằng trong năm nay chưa có chuyện gì, chỉ đấu chứ chưa đánh, chủ yếu để dọa nhau. Nguy hiểm tại Biển Đông chỉ thực sự vào hai năm sau.
Kim Xán Vinh nhắc lại sự kiện ngày 3/6 tại Đối thoại An ninh ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố bãi cạn Scarborough là “ranh giới đỏ” của Mỹ, ai vượt qua ranh giới này thì Mỹ và đồng minh sẽ có hành động. Nói cách khác ý của ông Carter là nếu Trung Quốc động vào bãi cạn Scarborough là chơi bài ngửa với Mỹ.
Mới đây, cố vấn cấp cao nhất về châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rise nói thẳng thừng khi thăm Trung Quốc rằng Biển Đông là lợi ích quốc gia tối cao của Mỹ. Nhưng Tư lệnh Hải quân của Trung Quốc cũng nói rõ Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, liên quan đến vận mệnh cầm quyền của đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay, vì thế Trung Quốc không thể không cải tạo đảo.
Theo Kim Xán Vinh, trước Đại hội 19 đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2017 sẽ không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, vì công tác chuẩn bị đại hội là việc lớn. Việc tạo đảo ở bãi cạn Scarborough sẽ diễn ra vào năm sau nữa, vì Biển Đông là lợi ích trọng tâm của Trung Quốc, liên quan đến vận mệnh cầm quyền của đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay, vì thế Trung Quốc không thể không bồi lấp, xây đảo (phi pháp).
Tại sao Mỹ lại xem trọng bãi cạn Scarborough? Thực tế, Biển Đông là một hình tam giác ngược, phía tây bắc là của tam giác là quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát (phi pháp) của Bắc Kinh, trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc kiểm soát được đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm. Hiện Trung Quốc đã bố trí nhiều máy bay chiến đấu J-11B tại đây, lực lượng này có thể càn quét toàn bộ Đông Nam Á, ngoài ra còn có tên lửa đạn đạo và một hạm đội nhỏ, vì thế có thể nói đảo Phú Lâm đã được quân sự hóa, Kim Xán Vinh thừa nhận thực tế mà Trung Quốc luôn bác bỏ.
Theo Kim Xán Vinh, trên cả 7 đảo Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện đã bắt đầu trang bị sẵn sàng, 3 sân bay trên các đá Chữ Thập, Su bi, Vành Khăn đã thực hiện bay thử rất tốt, đến sang năm có thể hoàn chỉnh. Trong tam giác ngược này, Trung Quốc đã kiểm soát phía tây bắc và tây nam, hiện chỉ còn khuyết một vùng ở đông bắc, đó chính là bãi cạn Scarborough, chỉ cần kiểm soát được vùng này là Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc.
(còn tiếp)