Triển lãm Big Data Quốc tế tại Trung Quốc: Tại sao chuyển đổi số lại khó khăn đến vậy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Ba không" - không muốn, không dám, không biết và vấn đề an ninh mạng là những khó khăn của chuyển đổi số được chuyên gia Trung Quốc đưa ra tại Triển lãm Big Data 2021. 
Triển lãm Big Data Quốc tế đầu tiên thế giới diễn ra ở tỉnh Quý Châu hôm 26/5. Ảnh: c114.com
Triển lãm Big Data Quốc tế đầu tiên thế giới diễn ra ở tỉnh Quý Châu hôm 26/5. Ảnh: c114.com

Dưới sự thúc đẩy của các công nghệ tiên tiến như 5G, Điện toán đám mây (Cloud computing), Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), nền kinh tế số đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Ngày 26/5, Triển lãm Dữ liệu lớn Quốc tế năm 2021 (Big Data Expo) đã khai mạc tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc và chuyển đổi số trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận giữa nhiều chuyên gia. Đặc biệt là sau tác động của cơn đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ là một chặng đường mới cho sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tương lai. Nhưng trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những rủi ro và thách thức nào?

Không có chuyển đổi số, tương lai có thể rất khó khăn

"Báo cáo Công nghệ và Đổi mới năm 2021" do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển đã chỉ ra rằng 11 công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Dữ liệu lớn, 5G,... có thể tạo ra hiệu ứng cấp số nhân thông qua số hóa và kết nối. Hiệu ứng số nhân này sẽ tạo ra hơn 3,2 nghìn tỉ USD cho thị trường Trung Quốc vào năm 2025. Năm 2019, quy mô nền kinh tế số của Trung Quốc đạt 5.61 nghìn tỉ USD, chiếm 39,2% GDP cả nước.

Theo ông Li Guangju, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ số Unicom Trung Quốc, cho biết: "Sự phát triển của ngành công nghệ số Trung Quốc trong tương lai sẽ có một thời kỳ hoàng kim trong ít nhất 20 năm". Trong quá khứ, các trang trại chăn nuôi lợn rất khó vay vốn ngân hàng nhưng hiện nay họ đang sử dụng Internet vạn vật, dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo để biến lợn tồn kho thành tài sản và cho ngân hàng vay.

Tuy nhiên, ông Li Guangju cũng nhấn mạnh rằng chỉ khoảng 20% ​​công ty đã đạt được thành công cơ bản trong chuyển đổi số và 80% công ty đã thất bại. Điều này cho thấy, con đường chuyển đổi số của các ngành truyền thống còn rất nhiều khó khăn.

Bà Mei Hong, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, để thực hiện chuyển đổi số, dữ liệu là một nguồn tài nguyên rất quan trọng, nhưng hiện tại có sự khác biệt lớn về xác nhận quyền dữ liệu, và nhiều vấn đề trong việc chia sẻ và tích hợp dữ liệu.

"Sự tiến bộ của chuyển đổi số là rất khó và tỷ lệ thành công rất thấp, nhưng nếu bạn không làm điều đó, tương lai có thể rất khó khăn."

Ông Li nói rằng chuyển đổi số cần phải có một giải pháp toàn diện, chứ không phải một công nghệ duy nhất.

Chuyển đổi số đối mặt với thách thức "ba không"

"Ba không" của chuyển đổi số.

"Ba không" của chuyển đổi số.

Bà Mei Hong cho rằng chuyển đổi số đã và đang là xu thế của thời đại, nhưng hiện tượng "ba không" đã mang lại hàng loạt thách thức cho chuyển đổi số. "Ba không" này là không muốn, không dám và không biết.

"Không muốn": một số công ty, đơn vị có một số quan niệm truyền thống và phụ thuộc lối mòn, chưa hiểu rõ về xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, có biểu hiện phản kháng với công nghệ mới.

"Không dám": chuyển đối số đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro, nhiều đơn vị không dám đi đầu trong việc khám phá, và mong muốn những người khác thử nghiệm trước để giảm bớt rủi ro khi đầu tư của họ, vì vậy họ dậm chân tại chỗ và chờ người khác làm trước.

"Không biết": thiếu phương pháp, thiếu công nghệ, thiếu tài năng, thiếu kinh nghiệm là thực trạng của không ít các công ty truyền thống.

Bà Hong cho biết hơn 55% doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành chuyển đổi số cơ sở hạ tầng, trong khi lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong ngành sản xuất là 3% - 5%, và họ không đủ khả năng chi trả cho quá trình chuyển đổi số.

"Tuy nhiên, Trung Quốc đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Năm ngoái, nhiều bộ và ủy ban đã cùng ban hành 'Sáng kiến ​Hành động Chuyển đổi số', đưa ra hơn 500 sáng kiến ​​dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ."

"Chuyển đổi số đang phải đối mặt với một loạt thách thức về khái niệm, hệ thống, quản lý, công nghệ, tài năng,... trong đó những thay đổi về khái niệm sẽ trở thành điểm cốt lõi và quan trọng nhất."

Bà Mei Hong cho rằng chuyển đổi số không chỉ đơn giản là sự chồng chất của các công nghệ mà cần phải hiểu sâu sắc nội hàm của chuyển đổi số, tái thiết mạng lưới và quảng bá thông minh, đồng thời lập kế hoạch có hệ thống.

Vấn đề an ninh mạng là không thể tránh khỏi

An ninh mạng là một thách thức của chuyển đổi số. Ảnh: Security Intelligence

An ninh mạng là một thách thức của chuyển đổi số. Ảnh: Security Intelligence

"Chỉ trong nửa đầu năm nay, đã có nhiều vụ tấn công tống tiền bằng mã độc (Ransomware) trong lĩnh vực Internet và quy mô các vụ việc ngày càng tinh vi," ông Qi Xiangdong, Chủ tịch Tập đoàn Qi'anxin, phát biểu tại Big Data Expo. Sự phát triển mạnh mẽ của số hóa đã khiến Internet công nghiệp phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh mạng.

Số liệu thống kê cho thấy số vụ mã độc tống tiền toàn cầu vào năm 2020 đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái và số tiền chuộc trung bình cho mỗi vụ tống tiền lên tới 310.000 USD. Theo dự báo từ cơ quan bảo mật, ransomware dự kiến ​​sẽ xảy ra 11 giây một lần vào năm 2021, với hơn 3 triệu lần mỗi năm và thiệt hại do các cuộc tấn công ransomware có thể lên tới 900 tỉ USD.

"Các cuộc tấn công tống tiền bằng mã độc đã trở thành một 'đại dịch' trên Internet, nhưng con cáo ngụy trang có khó thể giấu đuôi," Qi Xiangdong ví von ransomware giống như một tên trộm bước vào một khu nhà giàu có nhưng việc cố gắng lấy trộm vàng bạc châu báu không dễ dàng vì anh ta không biết chính xác vị trí két sắt.

Ông Qi cho rằng chỉ bằng cách thiết lập một hệ thống an ninh mạng hoàn chỉnh để phát hiện virus kịp thời, và sau đó tập trung vào việc loại bỏ virus thì mới có thể đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp. "Bản chất của những thách thức mà an ninh mạng phải đối mặt là chúng ta thiếu một khuôn khổ hệ thống an ninh mạng độc lập."

Theo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc