Đào Trung Thành - Lê Nguyễn Trường Giang
Đào Trung Thành - Lê Nguyễn Trường Giang

Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số, DTSI

Năng suất trong tiến trình Chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tiến trình Chuyển đổi số đưa đến một hệ quả quan trọng, đó là sự gia tốc mạnh mẽ của năng suất

Về tầm quan trọng sống còn của năng suất lao động, V. I. Lenin viết: “Xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới.”

Nói cách khác, một chế độ chỉ có thể thắng được một chế độ khác nếu có năng suất suất lao động cao hơn.

Còn nhà kinh tế học Mỹ đạt giải Nobel năm 2008 Paul Krugman thì nhận định: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng, trong dài hạn năng suất gần như là tất cả. Một quốc gia có thể cải thiện chất lượng sống hay không hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào việc nó có thể nâng cao sản lượng trên mỗi đầu người lao động hay không.”

Nhà kinh tế học đạt giải Nobel, Paul Krugman nhận định về tầm quan trọng của năng suất lao động

Nhà kinh tế học đạt giải Nobel, Paul Krugman nhận định về tầm quan trọng của năng suất lao động

Tiến trình Chuyển đổi số đưa đến một hệ quả quan trọng, đó là sự gia tốc mạnh mẽ của năng suất thông qua:

1) Sự hỗ trợ tối đa của các công nghệ và dữ liệu số;

2) Sự chuyển đổi của mô hình tổ chức; và

3) Sự thay đổi cấu trúc và bản chất của các hoạt động kinh tế.

Sự gia tăng hiệu quả của các hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu số tạo nên đột phá sáng tạo trong việc đưa ra các cách thức gia tăng năng suất và tạo nên những giá trị mới, đồng thời giúp cho kinh tế số trở thành một thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

Robert C. Lieberman (2012) đã viết: “Những thay đổi về công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng thông tin, đã làm biến đổi nền kinh tế, giúp người công nhân có năng suất hơn và giành vị trí quan trọng cho lao động trí óc hơn là lao động chân tay. Đồng thời, sự nổi lên của các thị trường toàn cầu, mà chính nó cũng được tăng tốc bởi công nghệ thông tin, đã đào trũng khu vực sản xuất của Mỹ đã từng một thời thống trị, và tái định hướng nền kinh tế Mỹ sang khu vực dịch vụ. Nền kinh tế dịch vụ cũng thưởng công cho những người có trình độ giáo dục bằng các công việc chuyên môn có thu nhập cao trong lĩnh vực tài chính, y tế và công nghệ thông tin”.

Điều này đã gợi những ý quan trọng cho việc xem xét mối quan hệ biện chứng giữa năng suất và chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay và vai trò của nó đối với việc gia tăng tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế.

Để đánh giá về năng suất, chúng ta có thể dựa trên 4 cấu thành quan trọng:

Một là nền tảng của năng suất là việc tạo ra giá trị và do vậy giá trị được tạo ra sẽ quyết định đến các thước đo của năng suất. Một người lao động cật lực trong 8 tiếng một ngày chỉ tạo ra được một giá trị 10 đồng, sẽ không thể có năng suất lao động cao bằng một người cũng làm 8 tiếng trong một ngày nhưng tạo ra được giá trị 50 đồng.

Do vậy, cần phải hiểu rằng, việc gia tăng năng suất không phải là nỗ lực lao động hơn, có kỹ năng tốt hơn, mà điều quan trọng nhất là phải nắm bắt được cách thức tạo ra được giá trị mới trong thời đại hiện tại là như thế nào để có thể bắt nhịp, thích nghi và tìm cách tạo ra được các giá trị đó.

Chuyển đổi số về căn bản không phải là việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu số để giúp “lao động được nhiều hơn” hay “lao động tốt hơn”, mà điều quan trọng nhất trong Chuyển đổi số, đó là việc hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới để tạo nên một nguồn vốn mới, vốn dữ liệu, giúp tạo ra sự đột phá về giá trị, cho phép gia tăng giá trị lao động một cách đột phá.

Thứ hai, sự thay đổi của mô hình kinh tế/kinh doanh có một ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng năng suất. Trong đổi mới sáng tạo, giá trị của đổi mới, tức là dựa trên nền tảng của các mô hình hiện có và đổi mới để gia tăng hiệu quả sẽ luôn có giá trị tới hạn và chỉ gia tăng được với một tốc độ hữu hạn và có xu hướng chậm dần.

Do vậy, việc gia tăng năng suất chỉ dựa trên nền tảng của mô hình cũ sẽ không cho phép mở rộng giá trị - nền tảng của năng suất, và do vậy cũng giới hạn khả năng tăng năng suất. Chuyển đổi số bắt đầu bằng đòi hỏi phải có một sự sáng tạo đột phá (disruptive innovation), trong đó việc chuyển đổi mô hình kinh tế/kinh doanh là một đòi hỏi tất yếu, đầu tiên và là cơ sở mang tính điều kiện để Chuyển đổi số thực sự diễn ra.

Thứ ba, sự chuyển đổi về cách thức tổ chức, vận hành và cơ chế tạo ra giá trị là hệ quả của sự thay đổi mô hình kinh tế/kinh doanh. Chuyển đổi số sẽ tạo nên những nền tảng (platform), những mạng lưới (network) và những cộng đồng/hệ sinh thái xã hội (community/social-ecosystem) như những cách thức mới để tổ chức hoạt động kinh tế/kinh doanh, cách các tổ chức này kết nối với nhau, và cách các tổ chức này hội tụ vào.

Điều này sẽ cho phép thay đổi cách thức năng suất được hình thành, từ dựa chủ yếu trên năng lực mà một cá nhân/tổ chức đơn lẻ có thể tạo nên thông qua nỗ lực tạo ra hiệu quả của mình, sang sự cộng hưởng giữa các cá nhân/tổ chức thông qua sự kết nối với nhau thành một nền tảng, thành những mạng lưới và thành những cộng đồng/hệ sinh thái xã hội.

Điều này cho phép tạo nên những giá trị năng suất mới vượt ra khỏi năng lực cá nhân, gia tăng năng suất dựa trên độ lớn, mức độ lan tỏa và sức cộng hưởng của các kết nối mạng lưới mà các cá nhân/tổ chức này có thể kết nối được.

Thứ tư, công nghệ và dữ liệu số, trong đó phổ biến với những công nghệ AI, Bigdata, IoT và Clouds cho phép con người có khả năng gia tăng công suất tính toán và hiệu quả tính toán cho việc ra các quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu tốt hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn và đa diện hơn.

Chính điều này cho phép con người có được những sự trợ giúp để vượt qua được những giới hạn sinh học, vật lý và không-thời gian để gia tăng được những kết quả của mình. Do vậy, việc gia tăng năng suất cũng được mở rộng theo khả năng ứng dụng và vận dụng hiệu quả các công nghệ vào các công việc và đời sống hàng ngày.

Theo đó, từ việc phân tích hệ quả gia tăng năng suất nhờ tiến trình Chuyển đổi số, chúng ta cũng có thể xác lập những cơ sở giúp định hình kinh tế số và tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế:

Sự thay đổi về cách thức tạo ra giá trị và định giá trị mới dựa trên việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu số sẽ làm cho kinh tế có một vai trò đặc biệt quan trọng qua tiến trình chuyển đổi các hoạt động kinh tế truyền thống theo một cách thức mới tạo ra các giá trị gia tăng nhanh hơn, cao hơn và mở rộng các biên giới giá trị.

Sự thay đổi về mô hình kinh tế/kinh doanh thông qua sự sáng tạo đột phá sẽ giúp phá vỡ các kết cấu tạo ra giá trị hiện tại, mở ra những nền tảng kiến tạo giá trị mới, cho phép kinh tế số mở ra những hoạt động kinh tế/kinh doanh hoàn toàn mới trong kỷ nguyên số, góp phần gia tăng sự phát triển và khẳng định vị thế của kinh tế số.

Một đặc điểm quan trọng mới của kinh tế số trong kỷ nguyên số đó là sự thay đổi cách thức tổ chức xã hội giúp tạo nên sự cộng hưởng giá trị thông qua các nền tảng (platform), các mạng lưới (network) và các cộng đồng/hệ sinh thái xã hội (community/social-ecosystem). Điều này cho phép gia tăng mức độ tăng trưởng khi đo đếm theo chiều kích không-thời gian.

Kinh tế số ứng dụng các công nghệ tiên tiến và dữ liệu số để tạo ra các phương tiện, công cụ và phương thức mới giúp gia tăng hiệu quả của các hoạt động lao động của con người, góp phần tạo nên giá trị, mở rộng tiêu dùng và tạo ra các cách thức mới trong hoạt động kinh tế/kinh doanh, cho phép tạo ra những nền tảng tăng trưởng và phát triển mới.