Đây là nghiên cứu chung của DeepMind với Bệnh viện Mắt Moorfield - một trung tâm điều trị các bệnh về mắt nổi tiếng ở London, Anh. Hôm 21/8, DeepMind đã công bố các kết quả nghiên cứu của họ trên tạp chí chuyên ngành Nature Medicine.
DeepMind cho biết thiết bị AI của họ có thể phát hiện các bệnh về mắt như là bệnh võng mạc do tiểu đường và bệnh thoái hóa hoàng điểm chính xác như các bác sỹ đầu ngành khác. Thiết bị AI của DeepMind cũng đưa ra những phương hướng điều trị tốt nhất và thậm chí là còn chỉ ra được những bệnh nhân nào cần phải điều trị khẩn cấp.
Một kỹ thuật viên đang kiểm tra máy quét OCT (Ảnh DeepMind)
|
Theo ông Mustafa Suleyman, người đồng sáng lập công ty DeepMind, thì điều đặc biệt về nghiên cứu này đó là AI của họ đã đạt mức “giải thích một cách khoa học” để các bác sỹ hoàn toàn có thể tin tưởng vào những đề xuất liệu pháp điều trị của họ.
“Bác sỹ có thể hiểu được những gì mà thuật toán này đang nghĩ. Họ có thể nhìn thấy phân khúc cần đặc biệt chú ý”, ông cho tờ Business Insider biết.
Nói cách khác, AI của DeepMind không giống như một chiếc hộp đen bí mật giúp nhả ra các kết quả. Thiết bị của DeepMind gắn các điểm ảnh lên hình ảnh quét OCT (chụp cắt lớp quang học) mắt để ánh xạ mô mắt và hiển thị các dấu hiệu bệnh cụ thể, từ đó có thể tính toán độ chính xác của những phát hiện và đề xuất của thiết bị trên cơ sở tính số %, ông Suleyman giải thích. “Điều này có ý nghĩa rất lớn”, ông nói thêm.
AI của DeepMind đang phân tích hình ảnh quét OCT (Ảnh DeepMind).
|
Ông Suleyman giải thích các phát hiện này là một “thành tựu đột phá trong nghiên cứu” và cho biết bước tiếp theo của họ là chứng tỏ AI có thể được áp dụng đại trà thực tế trong các cơ sở y tế. Tuy nhiên, sẽ cần thêm vài năm nữa, bởi hiện nay DeepMind đang triển khai thử nghiệm thiết bị AI của họ ở hệ thống các bệnh viện thuộc Hệ thống y tế quốc gia (NHS) ở Anh, và dịch vụ này sẽ được miễn phí trong 5 năm đầu tiên.
Nhiều bệnh nhân gặp phải nguy cơ mất thị lực do các bác sỹ không thể nhìn vào hình ảnh scan mắt của họ kịp thời.
Các chuyên gia về mắt ở Anh nhiều năm qua đã từng cảnh báo các bệnh nhân dễ bị mất thị lực do NHS đang bị quá tải, và bởi Vương quốc Anh có dân số đang bị già hóa.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hợp tác của DeepMind và bệnh viện Moorfields để thực hiện dự án nghiên cứu này đó là bởi các bác sỹ và cơ sở điều trị y tế ở đây đang bị quá tải bởi nhu cầu quét hình ảnh mắt, ông Suleyman cho biết.
“Nếu bạn đang mắc phải một căn bệnh đe dọa đến thị lực của mình, chắc chắn bạn sẽ muốn được điều trị càng sớm càng tốt. Và không giống như trong các khoa cấp cứu của bệnh viện (A & E), ở đó một y tá sẽ hỏi về tình hình và đánh giá mức độ nguy hiểm về căn bệnh mà bạn gặp phải, rồi sau đó sử dụng đánh giá đó để xác định xem bạn cần điều trị như thế nào. Khi một bản scan hình ảnh mắt thông thường được đưa ra, thì lúc đó không có lựa chọn chữa trị theo thứ tự nguy cấp đối với bệnh nhân”, ông giải thích.
Một bệnh nhân đang được quét OCT (Ảnh DeepMind)
|
Việc quét hình ảnh mắt bằng AI của DeepMind có thể giúp giảm thiểu thời gian cho các bác sỹ trong việc phân tích hình ảnh OCT và nhanh chóng đưa ra các liệu pháp điều trị trong trường hợp khẩn cấp.
“Trong tương lai, chúng ta có thể vào cửa hàng kính và tiến hành quét chụp OCT, sau đó AI của DeepMind có thể xác định những bệnh nhân mắc chứng bệnh đe dọa đến thị lực ngay ở giai đoạn đầu”, ông Pearse Keane, một bác sỹ nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Moorfields cho biết.
AI của DeepMind đã được cài đặt cơ sở dữ liệu của khoảng 15.000 hình ảnh scan mắt, giúp nhanh chóng xác định thông tin về các bệnh liên quan đến mắt. DeepMind đang phối hợp với các bác sỹ và sơ sở y tế nhằm xác định và phân loại các loại bệnh, sau đó đưa các hình ảnh đã được xác định này vào trong hệ thống của họ. Ông Suleyman cho biết dự án này đòi hỏi “một sự đầu tư khổng lồ” từ DeepMind và cả 25 nhân viên và nhà nghiên cứu thuộc bệnh viện Moorfields.
Nhiều người hiện nay cũng đang tỏ ra lo ngại về quyền riêng tư khi một công ty con của Google truy cập và dữ liệu y tế.
Google đã mua lại công ty DeepMind năm 2014 với giá 509 triệu USD, và công ty AI ở Anh này nổi tiếng nhất với sản phẩm phần mềm chơi cờ vây AlphaGo, một thuật toán đã đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới trong trò chơi chiến lược Go.
Mặc dù DeepMind vẫn có trụ sở ở Anh và độc lập với Google, nhưng mối quan hệ giữa DeepMind và Google vẫn gây rất nhiều chú ý. Vấn đề chính đặt ra ở đây là Google, một công ty tư nhân tại Mỹ, liệu có nên được quyền truy cập vào các thông tin y tế nhạy cảm nhằm phục vụ cho lĩnh vực chăm sóc y tế của DeepMind hay không.
Năm 2016, DeepMind đã bị chỉ trích dữ dội khi để lộ việc họ truy cập vào lịch sử thông tin y tế của nhiều người trong một dự án với Bệnh viện Royal Free Hospital. Ông Suleyman cho biết các hình ảnh quét mắt được DeepMind xử lý “hoàn toàn được ẩn danh”.
“Bạn sẽ không thể biết được các hình ảnh scan của ai. Chúng tôi hiện nay đã khác, đây là nghiên cứu rất công phu, và chúng tôi phải mất nhiều năm nữa mới có thể triển khai vào thực tế”, ông nói.