Trí tuệ nhân tạo có thể đoán tính cách con người qua ánh mắt

VietTimes – Thuật toán Machine Learning đã phát hiện ra mối liên hệ mật thiết giữa các chuyển động của mắt và cá tính đặc trưng của con người.
Ảnh: GetStem
Ảnh: GetStem

Nhà hiền triết lỗi lạc thời La Mã, Marcus Tullius Cicero đã nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Bạn có thể không tin nhưng khoa học đã chứng minh quan điểm này vẫn đúng sau hàng thế kỷ nhờ trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, thuật toán Machine Learning (học máy) tiên tiến đã phát hiện ra mối quan hệ mật thiết giữa các chuyển động của mắt và 4 trên 5 cá tính đặc trưng của con người.

Vừa qua, Đại học Nam Australia hợp tác với Đại học Sturttgart đã công bố một kết quả nghiên cứu dựa trên 42 tình nguyện viên thực hiện hoạt động trong khuôn viên trường học. Họ được gài sẵn cảm biến theo dõi và đo lường hành vi thị giác do công ty Sensor Motoric Instruments cung cấp. Sau đó, dữ liệu thu thập được tổng hợp để kiểm tra chéo với các câu hỏi khảo sát cá tính thông thường.

Các nhà khoa học tin rằng, con người luôn sở hữu 5 yếu tố đặc trưng tính cách đặc trưng bao gồm: hướng ngoại (extraversion), tận tâm (conscientiousness), dễ chịu (agreeableness), sẵn sàng trải nghiệm (openness to experience) và neuroticism (tâm lý bất ổn). Và kỳ lạ thay, trí tuệ nhân tạo có thể xác định chính xác 4 trên 5 cá tính đó chỉ qua ánh mắt.

Đây là một phát hiện thú vị của khoa học khi lần đầu tiên chuyển động của mắt được biết có thể sử dụng để xác định các đặc điểm tính cách. Tuy nhiên, theo Giáo sư Tobias Loetscher từ Đại học Nam Australia, mục tiêu dự án là cải thiện khả năng tương tác giữa xã hội loài người và máy móc trong tương lai.

Giáo sư Loetscher cho biết: “Chúng ta luôn tìm cách để cải tiến các dịch vụ giao tiếp cá nhân. Tuy nhiên, robot và máy tính ngày nay vẫn không thể thấu hiểu được xã hội loài người. Vì vậy, máy móc không thể thích nghi được với những dấu hiệu khác, ngoại trừ lời nói”. Ông nói thêm: “Nghiên cứu này cung cấp cơ hội để phát triển robot và máy tính để chúng có thể giao tiếp tự nhiên hơn, cũng như thích nghi tốt hơn với những tín hiệu khác của con người”.

Theo Getstem