Thông tin được ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đưa ra tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Dự án cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi tổ chức tại Hà Nội sáng 23/4.
Theo ông Khoa, chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sức khỏe lâu dài của trẻ. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này hoặc dinh dưỡng không hợp lý, trẻ có thể gặp tổn thương không thể phục hồi trong sự phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng, như thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương…
Bên cạnh đó, dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai cũng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển của trẻ sau này. Nếu bà mẹ bị thiếu dinh dưỡng ở đầu thai kỳ thì trẻ sơ sinh có trọng lượng bình thường lúc sinh nhưng có nguy cơ béo phì và bệnh mạch vành khi lớn lên.
Bà mẹ thiếu dinh dưỡng cuối thai kỳ thì trẻ sơ sinh có nguy cơ sinh ra nhẹ cân và khi lớn lên có nguy cơ béo phì và đái tháo đường type 2.
Trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh thì sẽ giảm tăng trưởng tạm thời, nếu trẻ bắt kịp tăng trưởng thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 khi trưởng thành.
Ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) thông tin về tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam
|
Dinh dưỡng kết hợp với các yếu tố môi trường khác (thể dục, thuốc, nhiệt độ, áp lực…) ảnh hưởng đến 80% tình trạng sức khỏe trọn đời, yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng tối đa 20%.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, chỉ có 62% trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 tuần đầu sau sinh, 22% trẻ được bú mẹ đến 24 tháng tuổi và 52% trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi được cung ứng đầy đủ chất dinh dưỡng. Tình trạng bà mẹ thiếu dinh dưỡng khi mang thai, trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh vẫn còn phổ biế,n khiến các nguy cơ bệnh tật luôn thường trực.
Măc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng thể còi của trẻ giảm đã từ 29,3% vào năm 2010 xuống 23,8% vào năm 2017, thể suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm còn 13,4%, nhưng ông Trần Đăng Khoa cho biết tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam còn ở mức khá cao. Thiếu chất dinh dưỡng cũng khiến cho các bệnh như thừa cân béo phì, đái tháo đường… đang ngày càng gia tăng.