Thứ Tư vừa qua, tại New York, tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán thương mại, để tiến tới một thỏa thuận nhằm bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khỏi các mức thuế quan mà chính quyền của ông Trump vừa mới áp dụng đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Bởi nếu bị đánh thuế vào thị trường Mỹ, điều này sẽ trở thành một mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản. Cả hai nước Mỹ và Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố chung của các cuộc đàm phán là "sẽ tôn trọng vị thế của các chính phủ khác".
Ông Trump tỏ ra không hài lòng với thặng dư thương mại trị giá 69 tỷ USD của Nhật Bản với Hoa Kỳ mà trong đó hai phần ba số tiền đó đến từ xuất khẩu ô tô. Chính vì vậy, ông Trump muốn có một thỏa thuận hai chiều để giải quyết vấn đề này.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.
|
Tokyo đã đẩy lùi Hiệp định Thương mại Tự do song phương (FTA) mà Washington muốn thúc đẩy. Nên một hiệp định khung mới được xây dựng nhằm cứu cánh cho cả hai, ông Abe tránh được tình huống xấu nhất là mức thuế 25% áp lên xe hơi, còn ông Trump sẽ tuyên bố chiến thắng để đưa Nhật Bản ngồi vào bàn đàm phán.
Tuyên bố hôm thứ Tư cho biết một thỏa thuận liên quan đến xe hơi đã được ký để thúc đẩy sản xuất và tạo công ăn việc làm cho lao động tại Hoa Kỳ.
Các nhà kinh tế nhận định rằng thỏa thuận này được xem như một kết quả tích cực đối với Nhật Bản bởi ông Trump hoàn toàn có thể yêu cầu giảm nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản hoặc áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc gia.
Junichi Sugawara, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Mizuho cho biết: “Nếu bạn chỉ nhìn vào những gì hai bên đã thỏa thuận, Nhật Bản đã làm rất tốt nhưng họ vẫn có thể bị tổn thất nặng nề trong cuộc chơi này".
Cổ phiếu của Subaru và Mazda, hai trong số các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ đều đã tăng lần lượt là 3% và 1,2%.
|
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp gỡ với tổng thống Trump, ông Abe nói rằng ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đã đầu tư mới một khoản có trị giá 20 tỷ USD vào Hoa Kỳ kể từ khi ông Trump nhậm chức, một động thái sẽ tạo ra khoảng 37.000 việc làm.
Những đóng góp cho nền kinh tế Mỹ được xây dựng trên tinh thần tự do thương mại và bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào cũng sẽ dẫn tới một kết quả bất lợi, ông Abe nói.
Thủ tướng Shinzo Abe còn cho biết, theo thỏa thuận mới nhất, Hoa Kỳ sẽ không áp đặt mức thuế bổ sung liên quan đến ô tô trong khi các cuộc đàm phán thương mại đang được tiến hành.
Ngành nông nghiệp quan trọng của Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với những gì đã được thỏa thuận trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã rút lui vào năm 2017.
Ông Trump muốn có một thỏa thuận hai chiều để giải quyết vấn đề thặng dư thương mại của Nhật Bản. (Ảnh: The Japan Times)
|
Ông Abe nhấn mạnh rằng hiệp định khung mới sẽ là một Hiệp định Thương mại về Hàng hóa (TAG), không phải là một FTA mở rộng. Tuy nhiên, ông Robert Lighthizer, đại diện Bộ Thương mại Mỹ lại nói với các phóng viên rằng ông đang nhắm tới một thỏa thuận thương mại tự do hoàn toàn và cần được Quốc hội phê chuẩn theo luật "đàm phánh nhanh".
Luật pháp Mỹ yêu cầu Quốc hội phải thông báo 90 ngày trước khi các cuộc đàm phán có thể bắt đầu, và Lighthizer cho biết ông đã bắt đầu tham vấn với các nhà lập pháp từ hôm thứ Năm.
Ông Lighthizer cho biết các cuộc đàm phán sẽ được giải quyết trong hai "đợt", với hy vọng sớm đạt được tiếng nói chung từ các cuộc đàm phán ban đầu về cắt giảm thuế quan và hàng rào thương mại phi thuế quan trong hàng hóa.
Ông từ chối xác định khi nào sự mất cân đối trong cán cân thương mại liên quan ô tô sẽ được giải quyết nhưng thừa nhận ô tô là một khu vực hàng hóa quan trọng tại thị trường Mỹ.