Ngày 25/7 Đa Chiều đăng bài viết của Đông Pha, nói: Việt Nam một lần nữa yêu cầu các tàu Trung Quốc “rút ngay lập tức” khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hà Nội cho biết họ đã gửi nhiều thông tin cho phía Trung Quốc, yêu cầu một con tàu thăm dò của Trung Quốc rời khỏi vùng biển đang tranh cãi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với truyền thông: “Điều này rất nghiêm trọng. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp ngoại giao, bao gồm đưa ra tuyên bố ngoại giao phản đối hành động của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi vùng biển Việt Nam”. Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nói rằng phía Việt Nam sẽ dựa vào luật pháp nhà nước, sử dụng phương thức hòa bình, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển của mình.
Bài báo viết, trong một tuyên bố vào ngày 19/7, bà Hằng đã nói: “Trong mấy ngày qua, tàu thăm dò "Địa chất biển - 8" và các tàu hộ tống của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động ở phía nam Biển Đông, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam”. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc tuần trước lại bày tỏ yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng yêu sách chủ quyền của họ ở khu vực giàu tài nguyên này.
Tàu Hải cảnh 12 ngàn tấn 3901 hộ tống tàu "Địa chất biển - 8" (phía sau) thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đa Chiều
|
Theo tác giả, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei đều có yêu sách chủ quyền đối với một phần Biển Đông. Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền đối với hơn 90% Biển Đông. Đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra đã đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia như Việt Nam và Philippines. Chính phủ Bắc Kinh cho rằng các khu vực bên trong Đường 9 đoạn này đều thuộc về Trung Quốc.
Bài báo viết, trong thời gian Trung Quốc tiến hành thăm dò trong khu vực mỏ dầu của Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra trụ sở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tại thủ đô Hà Nội. Các phương tiện truyền thông Việt Nam không đưa tin về sự kiện đối đầu trên biển, nhưng cho thấy bức ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với thủy thủ đoàn tàu Cảnh sát biển thông qua kết nối cầu truyền hình. Trang web chính thức của Cảnh sát biển Việt Nam đã đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu họ “giữ vững cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu” và chuẩn bị đối phó với “những diễn biến khó lường của tình hình”.
Cuộc đối đầu mới này lần đầu tiên được tiết lộ bởi các Viện nghiên cứu của Mỹ. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng cao cấp (C4ADS) hôm 17/7 đã công bố một bản báo cáo nói các tàu Việt Nam và Trung Quốc đã phải đối mặt với nhau trong suốt mấy tuần tại mỏ dầu ngoài khơi Biển Đông thuộc Vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton: các hành động uy hiếp cưỡng bức của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á đã đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Ảnh: Đa Chiều
|
Tác giả bài báo dẫn dữ liệu do các Viện nghiên cứu của Mỹ cung cấp, trong thời gian hoạt động thăm dò, tàu “Địa chất biển – 8” đã được hộ tống bởi 3 tàu cảnh sát biển Trung Quốc, trong khi Việt Nam cử 9 tàu theo sát. Cách đây vài ngày, tàu cảnh sát biển số 35111 của Trung Quốc đã thực hiện hành động hàng hải “mang tính chất đe dọa” đối với một số tàu Việt Nam.
Phân tích sâu hơn do Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng cao cấp Mỹ đưa ra ngày 19/7 cho thấy tàu thăm dò “Địa chất biển – 8” vẫn đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Ông Timothy Heath, một chuyên gia về quốc phòng tại Tập đoàn RAND của Mỹ cho rằng qua những hành vi này, cho thấy Trung Quốc thể hiện tự tin về khả năng kiểm soát Biển Đông, trở nên tự tin và mạnh bạo hơn trong thúc đẩy những yêu sách về hải dương.
Ông nói: “Tôi nghĩ mọi người đã nhìn thấy cái thấy giá của Con đường tơ lụa trên biển; đây là thứ đi kèm với lợi ích. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở Đông Nam Á mang lại thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế lớn hơn; nhưng đi kèm với tiền bạc là súng pháo. Trung Quốc cảm thấy đồng thời với việc tài trợ cho nhiều dự án hội nhập kinh tế, họ có quyền đưa ra đòi hỏi về tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông. Tôi cho rằng trong những cuộc đối đầu này, người Trung Quốc đang trở nên tự tin và táo bạo hơn trong việc đưa ra những đòi hỏi. Họ dường như cho rằng các nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines nên chuẩn bị nghe theo Trung Quốc”.
Thông báo hàng hải của Việt Nam về việc kéo dài hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn gần bãi Tư Chính . Ảnh: Đa Chiều
|
Ông Timothy Heath cho rằng phần còn lại của thế giới cần đoàn kết lại phê phán những gì Trung Quốc đã làm. Chỉ có như thế, Trung Quốc mới kiêng dè và thay đổi.
Ngày 20/7, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố nói, Mỹ lo ngại về các tin tức liên quan đến Trung Quốc cản trở các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, bao gồm cả quấy nhiễu các hoạt động thăm dò và sản xuất mà Việt Nam đã tiến hành từ lâu. Tuyên bố dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc đã ngăn chặn sự khai thác ở Biển Đông bằng cách dọa nạt.
Cố vấn an ninh tổng thống Mỹ John Bolton đã viết trên Twitter cho rằng các hành động uy hiếp cưỡng bức của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á đã đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/7 nói: “Từ lâu nay, một số thế lực ngoài khu vực như Mỹ đã đưa ra những nhận xét thiếu trách nhiệm về vấn đề Biển Đông, đốt lửa quạt gió, kích động ly gián, lòng dạ khó lường; cách làm của họ sẽ chỉ làm rối loạn tình hình ở Biển Đông và phá hoại hòa bình ổn định của khu vực. Những nhận xét của các ông Pompeo và Bolton hoàn toàn không đếm xỉa đến sự thật, vu khống và gây tổn thương những khát vọng cùng nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và kiểm soát tranh chấp. Các quốc gia và người dân trong khu vực sẽ không bị mắc lừa”.
Không ảnh chụp giàn khoan Hakuryu-5 đang hoạt động thăm dò tại Lô 06-1 của Bồn địa Nam Côn Sơn gần bãi Tư Chính. Ảnh: Đa Chiều
|
Cũng Đa Chiều trong một bài viết khác của tác giả Chử Văn đã đề cập đến những động thái kiên quyết của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Bài báo viết, cuộc giằng co giữa hai bên Trung – Việt tại bãi Tư Chính trên Biển Đông đã kéo dài hơn 20 ngày, vẫn tiếp tục. Trước việc Bắc Kinh kêu gọi chấm dứt phức tạp hơn tình hình, Việt Nam đã nêu đích danh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, thậm chí tuyên bố kéo dài thêm thời gian khoan thăm dò.
Theo một một tài liệu lưu hành trên Internet cho thấy chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng hoạt động của giàn khoan dầu tại bãi Tư Chính ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 30 tháng 7 sẽ được kéo dài đến ngày 15 tháng 9. Thông tin trước đó cho thấy giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật Bản được thuê bởi phân công ty Việt Nam thuộc Công ty dầu khí Rosneft của Nga, đã thực hiện các hoạt động thăm dò tại Lô 06-1 của Bồn địa Nam Côn Sơn gần bãi Tư Chính.
Mặc dù thực lực của Trung Quốc vượt xa Việt Nam, nhưng Hà Nội không thể hiện sự yếu kém. Thay vào đó, hôm 19/7, họ trực tiếp nêu tên Trung Quốc, yêu cầu các tàu của Bắc Kinh rời khỏi vùng biển liên quan và tiết lộ thậm chí đã gửi công hàm ngoại giao cho Trung Quốc. Ngược lại, hôm 17/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán, không thực hiện các hành động có thể khiến tình hình phức tạp thêm.
Việc Việt Nam tuyên bố kéo dài thời gian thăm dò được thế giới bên ngoài coi là động thái mới nhất không sợ Trung Quốc. Đáng chú ý là một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam điểm tên Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố lập trường của mình và yêu cầu Trung Quốc ngừng mọi hành vi khiêu khích ở Biển Đông. Sau đó, các tổ chức nghiên cứu của Mỹ đã triệu tập các học giả nhiều quốc gia để thảo luận về cuộc giằng co Trung-Việt.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam so kè với tàu 3901 của hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Đa Chiều
|
Mặc dù tuyên bố của Mỹ và động thái mới nhất của Việt Nam không liên quan trực tiếp đến nhau, nhưng thực tế là Mỹ và Việt Nam gần đây đã tăng cường hợp tác ở Biển Đông. Mỹ thậm chí còn cung cấp các tàu tuần tra lớn cho kẻ thù cũ để đối phó với các thách thức từ quốc gia phía Bắc.
Đa Chiều cho biết, để đảm bảo tàu thăm dò của Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi Việt Nam, phía Trung Quốc đã phái đi, theo thống kê, hơn một chục tàu công vụ, bao gồm các tàu Hải cảnh 3910, 37111, 35111, 46303, 3402, 3412, 3308, và tàu đánh cá biển xa vỏ thép QiongSansha. Trong số đó, có tàu cỡ vạn tấn trọng tải lớn nhất của cảnh sát biển Trung Quốc. Hình ảnh tàu 3901 hộ tống tàu thăm dò “Địa chất biển – 8” gần đây đã được công bố. Hình ảnh do truyền thông chính thức Việt Nam công bố cho thấy trước con tàu 3901, tàu cảnh sát biển Việt Nam trở nên rất nhỏ bé.
Đa Chiều nhận xét, so với động thái cứng rắn của Việt Nam, Philippines, một quốc gia cùng ở ven Biển Đông và có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, lại yếu ớt hơn nhiều. Các quan chức cao cấp của Philippines gần đây nói rằng Việt Nam làm như thế ẩn chứa nhiều rủi ro, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không cho phép điều đó xảy ra.