“TP.HCM chủ động đàm phán, nhập vaccine COVID-19 chưa hẳn là đáng mừng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Người dân vui mừng khi Chính phủ cho phép TP.HCM chủ động nhập vaccine COVID-19. Tuy nhiên, nhìn toàn diện, việc một địa phương chủ động đàm phán, nhập vaccine COVID-19 tồn tại nhiều vấn đề.

Tiêm vắc xin cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh Duyên Phan
Tiêm vắc xin cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh Duyên Phan

Bộ Y tế có nhiều kinh nghiệm và chuyên nghiệp nhất trong việc đàm phán, mua và quản lý vaccine

Việt Nam đang trong làn sóng dịch thứ 4 với mức độ các ca nhiễm liên tục gia tăng mạnh. Tính từ đầu dịch COVID-19 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 12.000 ca nhiễm. Trong đó tại làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu từ 29/4 đến nay ghi nhận gần 9.000 ca nhiễm, riêng tại TP.HCM có hơn 1.000 ca nhiễm.

Vừa qua, UBND TPHCM đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn TP được chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine COVID-19. Điều này nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số TPHCM được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND TP.HCM về việc mua và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Rõ ràng, sự quyết định nhanh chóng của UBND TP.HCM và Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi để TP.HCM sớm đẩy lùi dịch bệnh trong bối cảnh TP đã có hơn 1.000 ca nhiễm kể từ cuối tháng 4 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, theo ông Lưu Đức Quang - Giảng viên Luật tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), đây chưa hẳn là điều đáng mừng.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: HCDC

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: HCDC

Trao đổi với VietTimes, ông Q. cho biết: “Việc TP.HCM hay các tỉnh chủ động nhập vaccine và tiêm cho người dân, nghe qua có vẻ hay nhưng khi nhìn một cách toàn diện thì rõ ràng tồn tại nhiều vấn đề".

"Khi TP.HCM được tự nhập vaccine, có khả năng sắp tới nhiều tỉnh thành sẽ xin được tự nhập. TP.HCM cho phép doanh nghiệp tìm kiếm, đàm phán, nhập khẩu vaccine. Như vậy, sẽ phát sinh vấn đề doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước được làm việc này và quy chế ra sao? Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện như thế nào mới được đàm phán, nhập khẩu vaccine?

Khi giao cho các doanh nghiệp đàm phán, nhập khẩu vaccine, TP.HCM phải có trách nhiệm, giám sát, kiểm tra. Với tình hình hiện tại, chúng ta đã phân bổ, chi viện nguồn lực nhân viên y tế đi chống dịch, bây giờ mỗi tỉnh phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra đàm phán, nhập khẩu vaccine. Trong khi đó, từ trước đến nay, trách nhiệm tìm kiếm, đàm phán, mua vaccine thuộc về Bộ Y tế nên Bộ sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn" - ông Q. đưa ý kiến.

Theo ông Q., vaccine là hàng hóa đặc biệt. Bộ Y tế là nơi độc quyền quản lý, là đầu mối đàm phán, mua và phân phối cho các tỉnh. Do đó, Bộ Y tế sẽ có nhiều kinh nghiệm và chuyên nghiệp nhất trong việc đàm phán, mua và quản lý vaccine.

“Hiện tại, TP.HCM được tự đàm phán để mua thì có thể sắp tới các tỉnh khác sẽ yêu cầu. Nhưng rõ ràng các tỉnh không có nguồn lực và kinh nghiệm trong việc đàm phán. Các doanh nghiệp trên địa bàn TP được chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine thì sẽ có nhiều mức giá khác nhau. Nếu đã mua được thì vấn đề bảo quản như thế nào và tiêm chủng ra sao nếu Trung ương không hỗ trợ, không xuất phát từ một đầu mối? Trong khi đó, nếu Bộ Y tế chủ động đàm phán, mua vaccine thì sẽ hiệu quả hơn, giá vaccine đến được tay người dân sẽ nhẹ nhàng hơn” – Ông Q. cho hay.

Cần ban hành quy định về quy trình, thủ tục mua vaccine trong tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn TP được chủ động đàm phán tìm nguồn và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục, cơ chế để mua vaccine trong tình trạng khẩn cấp chưa được quy định.

“Từ trước đến nay, Bộ Y tế là “đầu mối” mua và phân phối vaccine trên cả nước. Việc mua vaccine khẩn cấp chưa từng có tiền lệ và hiện tại là mua với giá đàm phán không có đấu thầu, do đó cũng chưa có cơ chế chi trả và thủ tục phân phối. Bộ Y tế nói riêng và Chính phủ nói chung phải gấp rút ban hành quy định về quy trình, thủ tục để mua, sử dụng vaccine trong tình trạng khẩn cấp” – Ông Q. nêu ý kiến.

Dịch bùng phát mạnh ở khắp các khu vực của TP.HCM, vaccine COVID-19 trở thành vấn đề cấp thiết - Ảnh: HCDC

Dịch bùng phát mạnh ở khắp các khu vực của TP.HCM, vaccine COVID-19 trở thành vấn đề cấp thiết - Ảnh: HCDC

Vấn đề ban hành quy định về quy trình, thủ tục để mua vaccine trong tình trạng khẩn cấp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng 288.000 liều vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất mà VNVC nhập vẫn đang ở trong kho tại Việt Nam, trong khi đại đa số người dân vẫn chưa có vaccine để tiêm.

Chiều 16/6, Bộ Y tế cho biết Chính phủ có thông báo sẽ ban hành nghị quyết về việc mua lại toàn bộ lượng vaccine này theo giá phi lợi nhuận. Dù vậy, dư luận vẫn rất quan tâm đến lô vaccine này vì đã nhập về từ ngày 25/5/2021, hạn sử dụng đang ngắn lại (hạn dùng vắc xin này chỉ 6 tháng).

“Bộ Y tế cho rằng 288.000 liều này chưa được “giải cứu” vì chưa có quy trình. Vậy phải xác định quy trình này do ai xây dựng? Nếu do Bộ Y tế xây dựng thì Bộ phải có trách nhiệm. Nếu quy trình này khẩn cấp do liên quan đến Bộ Công an, Bộ Công thương,… thì Chính phủ có trách nhiệm trong việc xây dựng.

Khi chưa có quy trình cụ thể về việc sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp như hiện nay thì vấn đề mua được, nhập về và sử dụng vaccine sẽ còn nhiều khó khăn. Với 288.000 liều vaccine của AstraZeneca, Bộ Y tế quản lý còn chưa có quy trình để đưa ra sử dụng thì liệu các tỉnh nhập về, giả sử như TP.HCM dự kiến muốn nhập 5 triệu liều thì khi nào sẽ tiêm?” – Ông Q. đặt vấn đề.

Bài học tham nhũng ngay trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến vấn nạn tham nhũng khi TP.HCM được đàm phán, nhập khẩu vaccine.

Trong đại dịch COVID-19, khi cả nước oằn mình chống dịch thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lợi dụng dịch bệnh để “thổi giá” hệ thống xét nghiệm tự động Realtime PCR, khiến nó đội giá gấp nhiều lần. Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội đã để lại bài học cho các BV, Trung tâm Y tế về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.

Cũng ngay trong đại dịch này, Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cũng mắc sai phạm khi tổ chức thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động chưa đúng các thủ tục theo quy định pháp luật. Cụ thể, trong 3 bằng cáo giá của 3 công ty để Sở Y tế đề xuất và Sở Tài chính thẩm định làm căn cứ xác định dự toán giá gói thầu thì có 2 bảng báo giá không đúng quy định, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu năm 2013.

Việc mua máy móc, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định cũng xảy ra nhiều sai phạm: các thành viên tổ tư vấn đấu thầu không có thành viên nào có trình độ chuyên môn liên quan đến chuyên môn gói thầu cần là chuyên môn về máy móc, trang thiết bị y tế; Danh mục thiết bị mua sắm hệ thống máy Realtime-PCR do CDC tỉnh Nam Định lập gồm 13 thiết bị trong đó từng thiết bị có thể sử dụng độc lập và có tuổi thọ không giống nhau nhưng không có giá chi tiết cho từng máy móc, thiết bị.

800.000 liều vaccine Covid-19 đã hỏa tốc từ Hà Nội đến TP.HCM ngày hôm qua 17/6, được VNA vận chuyển miễn toàn bộ cước phí (Ảnh: VNA)
800.000 liều vaccine Covid-19 đã hỏa tốc từ Hà Nội đến TP.HCM ngày hôm qua 17/6, được VNA vận chuyển miễn toàn bộ cước phí (Ảnh: VNA)

Từ vụ việc đáng tiếc đã xảy ra tại CDC Hà Nội, Quảng Nam, Nam Định cũng như nhiều tỉnh thành khác về mua trang thiết bị y tế, dư luận đặt ra vấn đề tham nhũng sẽ có cơ hội khi cấp phép cho địa phương mua vaccine mà thiếu kiểm soát.

“Nguyên tắc của đàm phán là bí mật. Khi các doanh nghiệp tự đàm phán, tự nhập có thể dẫn đến cùng 1 loại vaccine nhưng có nhiều mức giá. Các mức giá chênh lệch này là chi phí xã hội không đáng phải chịu.

Thông tin từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá mỗi liều vaccine xin Pfizer (do Mỹ sản xuất) khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) là 39,90 USD/liều (tương đương 917.700 đồng) và giá mỗi liều vắc xin AstraZeneca (do Anh sản xuất) là 12 EUR (tương đương 335.808 đồng). Như vậy, giá vaccine tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đàm phán là bao nhiêu, và tại TP.HCM, mức giá vaccine sẽ như thế nào?” – Ông LĐQ nói.

Hơn nữa, ngay sau khi ban hành văn bản về việc đã đàm phán mua vaccine Pfizer, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập tức thu hồi văn bản này mà không nêu rõ lý do vì sao.

Nên nhớ, thông tin chính thức từ hãng Pfizer (do Mỹ sản xuất) cho hay, hãng này chỉ đàm phán với Chính phủ các nước, chứ không làm việc với từng tỉnh, thành phố hoặc doanh nghiệp.