Trao đổi với VietTimes về tình hình thực tế điều trị sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn, TS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) đã phân tích tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến "nóng”, đồng thời, cảnh báo người dân về việc không tự ý dùng thuốc, lạm dụng truyền dịch, có thể nguy hiểm tính mạng.
Số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng rất cao
Phóng viên: - Thưa bác sĩ, diễn biến của dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.HCM hiện tại vẫn đang rất “nóng”, từ thực tế điều trị xin bác sĩ cho biết dự báo về dịch SXH trong thời gian tới?
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn: - Thời điểm hiện tại đang là những tháng đầu của mùa mưa, cho nên, số ca SXH chắc chắn sẽ tăng rất cao. Đặc biệt, năm 2022 đúng vào chu kỳ của dịch SXH bùng phát mạnh sau mỗi 3-4 năm.
Biết trước tình hình này nên các cơ quan, ban, ngành đều nỗ lực bắt tay vào tuyên truyền và phòng, chống SXH từ đầu năm. Nhiều chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi và loăng quăng trong cộng đồng đã diễn ra, nhưng thực tế là do TP đông dân, cộng với mùa mưa, nên điều kiện để trứng loăng quăng nở và hình thành nguồn bệnh SXH rất thuận lợi, vì thế số ca bệnh vẫn rất cao.
Có thể dự báo trước là số ca bệnh SXH sẽ còn tiếp tục tăng cao từ giờ cho tới cuối năm, ít nhất cũng phải từ tháng 10 trở đi, khi thời tiết chuyển dần sang mùa khô thì số ca SXH mới giảm dần.
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 - Ảnh: Hòa Bình |
*Hiện tại, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận số lượng bệnh nhân như thế nào, thưa bác sĩ?
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn: - Ở thời điểm này, trung bình mỗi ngày BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị nội trú từ 90-120 ca bệnh SXH, trong đó, 5-10% số ca bệnh nặng. Đáng lưu ta khi có những trường hợp trẻ SXH trên thể trạng dư cân, trẻ nhũ nhi, hoặc trẻ có bệnh nền như thiếu máu, tan máu bẩm sinh di truyền, trẻ mắc bệnh về tim, phổi, thận… Các trẻ có bệnh nền khi mắc SXH dễ diễn tiến nặng, hoặc bệnh nền có thể biến chứng nặng hơn.
Một số trường hợp bệnh nhân chủ quan cứ nghĩ là SXH có thể điều trị tại nhà, tự cho trẻ uống nước, truyền dịch hoặc cho khám ở các phòng khám tư, nhưng đã nhận được những đơn thuốc hoặc điều trị không đúng chỉ định, nên đến khi có biểu hiện tăng nặng thì nhập viện trễ, bệnh nhân đã sốc SXH, suy các cơ quan, rất nguy hiểm đến tính mạng.
*Liệu ngoài nguyên nhân đúng chu kỳ, có còn nguyên nhân nào khác dẫn tới sự bùng phát dịch nặng nề như năm nay, thưa bác sĩ?
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn: - Đúng là có nguyên nhân khác nữa. Năm nay là năm hoành hành của type virus Dengue 2, thực tế ghi nhận những bệnh nhân SXH virus Dengue 2 có số lượng và khả năng diễn tiến nặng nhiều hơn type 1.
Tuyệt đối không thể coi thường, sốt xuất huyết có thể nguy hiểm đến tính mạng
*Thưa bác sĩ, liệu có khả năng sức khỏe cộng đồng đã suy yếu đi hơn do ảnh hưởng của các dịch bệnh khác như COVID-19?
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn: - Chúng ta chưa có bằng chứng cơ sở khoa học để đối chiếu so sánh và cũng chưa có cơ quan nghiên cứu nào đứng ra thực hiện nghiên cứu xem có hay không sự tác động của các dịch bệnh khác như COVID-19 làm sức khỏe cộng đồng suy yếu đi hay không.
Giải pháp gì cho tình trạng thiếu thuốc, vật tư?
*Thưa bác sĩ, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có gặp phải những khó khăn như thiếu thuốc, vật tư y tế để điều trị SXH?
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn: - Liên quan đến điều trị SXH, đúng là BV có tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử HES 200.000 và Dextran 40 để chống sốc SXH. Tuy nhiên, Bệnh viện cũng có phương án thay thế, là sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 thay thế cho HES 200.000, dù hiệu quả kém hơn HES 200.000 nhưng cũng có thể điều trị được bệnh nhân SXH.
*Có thể thấy thiếu hụt dung dịch cao phân tử không ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị SXH, thưa bác sĩ?
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn: - Sự thiếu hụt này ảnh hưởng phần nào tới công tác điều trị. Dung dịch HES 130.000 không hiệu quả bằng HES 200.000, vì thế bệnh nhân dễ bị suy hô hấp do thoát huyết tương và phải điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như thở máy, thở áp lực dương…
Các giải pháp này cũng là những phương pháp trong phác đồ điều trị SXH, nhưng nếu có đủ nguồn HES 200.000 thì đỡ phải điều trị suy hô hấp nặng bằng thở máy. Bệnh viện đã kiến nghị tới Bộ Y tế và Bộ đang hỗ trợ tìm kiếm những nguồn cung. Trong thời gian tới, có thể Bộ sẽ chỉ định các đơn vị đủ điều kiện sản xuất dịch truyền này trong nước để các bệnh viện chủ động hơn trong điều trị SXH.
* Thưa bác sĩ, với mức độ tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, liệu BV Nhi Đồng 1 có bị quá tải cũng như thiếu hụt y bác sĩ chăm sóc người bệnh dẫn tới buộc phải chuyển bệnh nhân tới BV khác?
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn: - BV Nhi Đồng 1 hoàn toàn không gặp phải các khó khăn, quá tải như vậy. Từ đầu năm 2022 tới giờ, BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận điều trị hơn 7.000 trường hợp SXH. Cũng có những ngày bệnh nhân nhập viện đông, dồn dập nhưng có thể điều phối giữa các khoa.
Chúng tôi có 4 khoa có thể điều trị SXH, đó là Khoa SXH, Khoa Hồi sức – Tăng cường chống độc, Khoa Hồi sức – Nhiễm và Khoa Cấp cứu. BV Nhi Đồng 1 là tuyến cuối rồi, chúng tôi còn hỗ trợ các tuyến trước chứ không có cảnh phải chuyển bệnh nhân đi các tuyến khác.
Gia đình bệnh nhi này cho biết trong nhà có 2 con thì cả 2 bé cùng mắc sốt xuất huyết và phải nhập viện vào hai bệnh viện khác nhau, ba mẹ phải chia nhau nghỉ làm để chăm nuôi hai con |
Không lạm dụng truyền dịch, có thể nguy hiểm tính mạng
*Trước tình trạng dịch tiếp tục "nóng", để cảnh báo tới cộng đồng, xin bác sĩ cho những lời khuyên thiết thực nhất?
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn: - Trước tình hình diễn biến dịch SXH còn diễn biến phức tạp từ nay tới cuối năm, đề nghị người dân cần hết sức chú ý, không chủ quan. Nếu thấy bản thân hoặc người thân đột ngột sốt cao từ 2-3 ngày thì cần nghĩ ngay tới nguy cơ mắc SXH, bệnh nhân cần vào các cơ sở y tế để được thăm khám sớm, xét nghiệm.
Rất cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, buồn nôn, ói nhiều, đau bụng nhiều, tiểu ít, đau đầu, xuất huyết bất thường ví dụ chảy máu niêm mạc, chảy máu răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, hoặc xuất huyết bất thường ở bé gái, phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt, cần đưa tới bệnh viện ngay lập tức để khám và điều trị kịp thời.
Hết sức tránh tự điều trị ở nhà, lạm dụng truyền dịch, tự sử dụng thuốc hạ sốt có thể gây xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng, ảnh hưởng tính mạng. Nên nhớ, truyền dịch ở nhà sớm cũng không phòng được SXH mà có thể gây sốc phản vệ do phản ứng với dịch truyền hoặc truyền dịch vào sớm sẽ gây thoát huyết tương, khi bệnh vào giai đoạn nguy hiểm sẽ gây khó thở, suy hô hấp, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, cần lưu ý người dân các giải pháp phòng ngừa để diệt loăng quăng và muỗi vằn. Đơn giản nhất là cũng phải súc rửa hết các lu vại quanh nhà, thả cá bảy màu trong hồ cá để diệt loăng quăng, loại bỏ hết các vật dụng cũ quanh nhà là nơi có thể đọng nước, phun thuốc diệt muỗi, mặc áo dài tay, mang vớ, nằm ngủ trong mùng để phòng chống muỗi đốt.
Hòa Bình (thực hiện)