Dừng hoạt động xe buýt công cộng 15 ngày, kể từ 1/4
Căn cứ tình hình thực tế lượng khách sử dụng xe buýt tại TP.HCM đã giảm trên 90%, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - đã đề xuất tạm dừng mọi hoạt động xe buýt công cộng. Đề xuất này vừa được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đồng ý.
Theo đó, từ ngày 1/4, TP.HCM sẽ tạm dừng tất cả hoạt động xe buýt đến hết 15/4. Sau đó, căn cứ tình hình thực tế, UBND TP.HCM sẽ có chỉ đạo tiếp theo.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thành phố đang có hơn 3.000 xe buýt hoạt động ở hơn 200 tuyến. Hiện, số lượng khách đi lại bằng xe buýt đã giảm mạnh, nhưng đây vẫn là phương tiện của một bộ phận như học sinh, sinh viên, người cao tuổi,...
Để hạn chế lây nhiễm COVID-19, thì việc tạm dừng phương tiện này là một trong những giải pháp thiết thực.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thông báo từ 0h ngày 28/3 đến hết 15/4, TP.HCM sẽ tạm ngừng hoạt động 54 tuyến xe buýt, trong đó có một số tuyến nội thành và tuyến kết nối tỉnh liền kề.
Tạm dừng hoạt động xe hợp đồng trên 9 chỗ đi và đến TP.HCM
Cùng ngày, Sở Giao giao thông vận tải TP. HCM đã có công văn hỏa tốc gửi đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, các bến xe khách liên tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn TP.HCM; Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng về hoạt động vận tải ứng phó với dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, kể từ ngày 30/3-15/4, các sở đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, các bến xe khách liên tỉnh và các tổ chức cá nhân có liên quan, sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn thực hiện nghiêm việc tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe hợp đồng trên 9 chỗ và xe du lịch trên 9 chỗ có điểm đi/đến TP.HCM.
Tạm dừng hoạt động xe hợp đồng trên 9 chỗ đi và đến TP.HCM. Ảnh: N.T
|
Riêng các xe hợp đồng dùng để vận chuyển lao động đến các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, xe phục vụ tang lễ, cưới hỏi, xe vận chuyển người đi cách ly tập trung và các trường hợp khác nhằm phục vụ mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động thì vẫn được phép hoạt động. Các đơn vị vận tải báo cáo danh sách các phương tiện này về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp.
Bên cạnh đó, các tuyến cố định từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ngược lại chỉ vận chuyển hành khách tối đa hai chuyến/ngày đối với các tuyến có cự ly dưới 100 km. Các tuyến còn lại chỉ vận chuyển hành khách tối đa một chuyến/ngày.
Công văn yêu cầu các chuyến xe được phép hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu khử trùng xe trước và sau khi đón khách; không vận chuyển quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người trên một chuyến xe. Đồng thời, các lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách phải đeo khẩu trang, được kiểm tra y tế trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế tại từng tuyến, từng bến xe để chủ động phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải khai thác các tuyến cố định từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ngược lại. Đồng thời, phải công bố thời gian hoạt động cụ thể của từng tuyến vận tải hành khách cố định tại bến xe khách liên tỉnh để người dân biết và có kế hoạch đi lại phù hợp.
Các bến xe phải thông báo, hướng dẫn và bố trí hành khách đảm bảo không tụ tập từ 10 người trở lên; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và kiểm soát đảm bảo số lượng hành khách trên mỗi chuyến xe theo đúng quy định.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải chủ động và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.