Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 3/2, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby hôm 2/2 đã tiết lộ trong cuộc họp báo rằng Mỹ sẽ đưa 2.000 binh sĩ từ Mỹ tới Ba Lan và Đức, 1.000 binh sĩ Mỹ hiện đang đồn trú tại Đức sẽ được chuyển đến Romania. Tuy nhiên John Kirby nhấn mạnh rằng những người lính được đề cập trong vụ điều quân này sẽ không vào Ukraine tham gia tác chiến.
Ông Kirby cho biết việc triển khai quân sẽ được bắt đầu trong vài ngày tới và không mang tính lâu dài; đồng thời nhấn mạnh rằng hành động quân sự này không thể hiện Mỹ cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định xâm lược Ukraine hoặc các nước khác. Ông cho biết 3.000 binh sĩ nói trên và 8.500 binh sĩ khác đã được Bộ Quốc phòng Mỹ ra lệnh nâng cao tình trạng báo động trước đó là hai nhóm khác nhau, trong đó 1.700 binh sĩ thuộc Sư đoàn 82 Đổ bộ đường không, 300 binh sĩ khác thuộc Sư đoàn 18 Dù và 1.000 người còn lại là thuộc quân số đã đóng tại Đức. Ông cũng nói, Lầu Năm Góc không loại trừ khả năng huy động thêm nhiều quân nữa trong những ngày tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden báo động 8.500 quân và đưa 3 ngàn quân tới châu Âu để đối phó Nga tập kết quân đội ở biên giới với Ukraine (Ảnh: AP). |
Về việc báo Tây Ban Nha El Pais hôm thứ Tư (2/2) tiết lộ Mỹ và NATO đã chính thức từ chối các yêu cầu an ninh của Nga trong các văn bản trả lời gửi Điện Kremlin trước đó, Kirby xác nhận đó là sự thật và "chính thức xác nhận với thế giới những gì chúng tôi đã nói xưa nay".
Đông Phương cho biết, vì NATO hiện vẫn chưa huy động Lực lượng phản ứng nhanh (NRF) đối phó tình hình ở Nga và Ukraine, nên các binh sĩ Mỹ được điều động sẽ hành động theo sự đồng thuận song phương với các nước nơi họ tới đóng. Tin cho biết, vào tuần trước Mỹ đã thảo luận với một số thành viên NATO rằng trước khi Nga phát động bất cứ cuộc tấn công nào vào Ukraine, Mỹ sẽ đưa mấy ngàn binh sĩ tới Đông Âu để ứng phó với việc Nga liên tục tập kết Quân đội ở gần biên giới Ukraine.
Theo báo chí Anh, Lầu Năm Góc cho biết một đơn vị Stryker với khoảng 1.000 lính Mỹ hiện đóng tại căn cứ Wiersek, CHLB Đức sẽ được gửi đến Romania và khoảng 1.700 lính Mỹ, chủ yếu từ Sư đoàn ĐBĐK số 82, sẽ được đưa đến Ba Lan từ căn cứ Fort Bragg, bang North Carolina, 300 lính Mỹ khác sẽ được chuyển từ Fort Bragg đến Đức.
Quân đội Ukraine được chuyên gia Mỹ hướng dẫn sử dụng tên lửa chống tăng (Ảnh: Sohu). |
Hồi tháng trước Lầu Năm Góc đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động để triển khai tới châu Âu nếu cần.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby đã nói với các phóng viên khi thông báo quyết định này: "Điều quan trọng là chúng tôi phải gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới ông Putin và thẳng thắn mà nói, với cả thế giới rằng NATO rất quan trọng đối với Mỹ và đối với các đồng minh của chúng tôi."
Nhưng khi được hỏi về cái gọi là “kế hoạch xâm lược" của Tổng thống Nga Putin, ông Kirby nói: "Chúng tôi vẫn không tin rằng ông ấy đã đưa ra quyết định xâm lược thêm Ukraine".
Về phản ứng của các nước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã mạnh mẽ chỉ trích động thái của Mỹ là hành động mang tính phá hoại vô căn cứ, sẽ chỉ làm gia tăng tình hình căng thẳng quân sự trong khu vực. Ông Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), tuyên bố: với việc đưa thêm quân đến châu Âu, Mỹ đang mưu đồ chuyển trọng tâm từ vấn đề đảm bảo an ninh sang tình hình Ukraine. Động tác này mang là động thái "khoe cơ bắp" và mang "tính phá hoại".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko mạnh mẽ chỉ trích động thái của Mỹ đưa thêm quân tới châu Âu (Ảnh: Daily Mail). |
Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói, việc triển khai của Mỹ là "một tín hiệu mạnh mẽ thể hiện tình đoàn kết".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh động thái này, cho rằng đây là một "tín hiệu mạnh" cho thấy Mỹ đang thực hiện các cam kết của mình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng với Tổng thống Biden trong những giờ tới và có thể sẽ tới Nga để gặp ông Putin. Macron nói, việc cấp bách hiện nay là tránh làm gia tăng tình hình căng thẳng.
Thủ tướng Đức Scholz cho biết ông sẽ sớm gặp Tổng thống Putin tại Moscow nhưng không đưa ra ngày giờ cụ thể.
Theo các báo trước đó, ngày 1/2 theo giờ địa phương, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang "chĩa súng vào đầu Ukraine" trong một nỗ lực nhằm buộc thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu. Ngày 2/2, hai ông Putin và Johnson đã có một cuộc điện đàm. Hai ông đã trao đổi quan điểm về các vấn đề như cuộc khủng hoảng Ukraine. Hai bên nhất trí hướng tới một "giải pháp hòa bình" cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Putin cho rằng NATO đã không đáp ứng thỏa đáng những lo ngại về an ninh chính đáng của Nga và sử dụng cái gọi là “chính sách mở cửa" của NATO làm vỏ bọc, vi phạm nguyên tắc cơ bản về an ninh không thể chia cắt. Văn phòng của ông Johnson cho biết Thủ tướng Anh đã cảnh báo Putin nếu Nga xâm lược Ukraine, sẽ là một "phán đoán sai lầm bi thảm".
Thủ tướng Ukraine, Anh, Ba Lan (từ phải qua) tuyên bố lập mô hình hợp tác khu vực ba bên để tăng cường hợp tác chống lại Nga (Ảnh: Đông Phương). |
Những ngày gần đây, căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine tiếp tục leo thang. Theo báo chí Anh, Nga đã tập kết hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine. Mỹ, Ukraine và NATO cho rằng Nga đang đe dọa "xâm lược" bằng cách đưa quân ồ ạt đến tập kết ở gần biên giới phía đông Ukraine. Về vấn đề này, Nga đã nhiều lần phủ nhận, đồng thời nhấn mạnh Nga có quyền điều động quân đội bên trong biên giới của mình để bảo vệ lãnh thổ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Ba Lan Morawiecki đã cùng đến thăm Ukraine hôm thứ Ba (1/2) để hỗ trợ quốc gia Đông Âu này đang chịu áp lực từ các lực lượng Nga. Thủ tướng Ukraine Shmegar bày tỏ hy vọng rằng mô hình hợp tác khu vực Ukraine-Anh-Ba Lan sẽ được đưa ra trong tương lai nhằm tăng cường quan hệ giữa ba bên, củng cố an ninh khu vực và chống lại mối đe dọa từ Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Morawiecki, Shmegar nói: "Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, chúng tôi sẽ có thể chính thức khởi động mô hình hợp tác khu vực Ukraine-Ba Lan-Anh mới trong trường hợp Nga tiếp tục gây hấn.
Thủ tướng Morawiecki cho biết Ba Lan sẽ cung cấp cho Ukraine đạn pháo, súng cối, hệ thống tên lửa phòng không vác vai và máy bay không người lái dùng để giám sát. Ông cũng mô tả Nga như một nước láng giềng, có cảm giác ở cạnh Nga "như sống dưới chân núi lửa".
Lính Ukraine được chuyên gia Mỹ huấn luyện sử dụng tên lửa phá vật cản M141 (Bunker Defeat Munition,BDM). Ảnh: CCTV. |
Ông Morawiecki cũng kêu gọi Đức không khởi động dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream nối với Nga, cho rằng điều này gây ra rủi ro lớn về an ninh, nếu không sẽ giống như cung cấp đạn dược cho Nga, Nga có thể sử dụng để cưỡng bức toàn bộ châu Âu.
Ngoại trưởng Ukraine Kuleba đăng trên mạng xã hội cho rằng mô hình an ninh ba bên Ukraine- Ba Lan-Anh giúp tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh của Ukraine, ông nói thẳng rằng ông không chỉ trông chờ an ninh và thịnh vượng được đảm bảo khi gia nhập Liên minh châu Âu và NATO trong tương lai, “hiện nay chúng tôi đang cần họ", ông nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Ba (1/2) đã thông báo lực lượng vũ trang của nước này sẽ được tăng thêm 100.000 người trong vòng 3 năm tới.