Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 26/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba (25/1) cảnh báo, nếu Nga tấn công Ukraine, ông sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng nếu chiến tranh nổ ra, đây sẽ là "cuộc xâm lược lớn nhất kể từ Thế chiến II" và sẽ gây nên "hậu quả vô cùng to lớn".
Phát biểu của ông Biden được đưa ra vào lúc quân đội Nga rầm rộ tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Ukraine. Hôm thứ Hai (24/1), Lầu Năm Góc cho biết hiện có 8.500 lính Mỹ đã được nâng cấp báo động sẵn sàng tới châu Âu. Ông Biden nhấn mạnh, nếu tình hình leo thang, quân số được báo động sẽ gia tăng, nhưng ông cũng nhấn mạnh: Mỹ sẽ không đưa quân vào Ukraine và nói về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng có thể xảy ra, tất cả phụ thuộc vào những gì ông Putin quyết định.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp nhau tại Berlin vào thứ Ba (25/1). Hai nhà lãnh đạo này cho rằng ngoại giao là cách để giải quyết căng thẳng giữa Ukraine và Nga, nhưng cũng cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu Nga tấn công Ukraine.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz gặp nhau tại Berlin hôm 25/1 bàn giải quyết khủng hoảng Ukraine (Ảnh: AP). |
Ông Scholz kêu gọi Nga thực hiện "các bước đi rõ ràng" để giảm bớt tình hình căng thẳng, nhưng nói thêm: "Nếu họ tấn công, sẽ bị trả đũa và cái giá phải trả sẽ rất cao".
Đức, Pháp kêu gọi đối thoại
Các đại biểu của Nga, Ukraine, Đức và Pháp sẽ gặp nhau tại Paris vào ngày 26/1 tham dự cuộc đàm phán theo "mô hình Normandy", một sự phát triển mà ông Scholz rất hoan nghênh. Tổng thống Pháp cũng cho biết ông sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/1. Ông Macron nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ đối thoại với Moscow”.
Cả Đức và Pháp đều bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga. Scholz trước đây đã nói rằng các nước châu Âu cần phải xem xét giá phải trả của các lệnh trừng phạt chống lại Nga và tác động của điều này có thể gây ra đối với nền kinh tế của chính họ.
Ví dụ, Đức là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên chủ yếu của Nga; còn quan hệ thương mại Pháp-Nga đã bị giảm khoảng 1/3 ít lâu sau khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt do Nga sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng đã dần được hồi phục sau đó.
Ông Macron trước đây từng nói rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không mấy tác dụng với việc kiềm chế các hành động của Nga. Pháp cũng đã kêu gọi dùng cách tiếp cận của châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như tiến hành đàm phán theo cái gọi là "mô hình Normandy", thay vì dựa vào Mỹ để giải quyết vấn đề.
Lính Ukraine trên tuyến tiếp giáp với lực lượng ly khai ở miền đông (Ảnh: AP). |
Mặc dù cả hai nước đều hy vọng rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể được giải quyết thông qua đối thoại, lập trường giống nhau. Nhưng, hai nước đang lại bất đồng về việc có cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không. Pháp bày tỏ sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, trong khi Đức lại ngăn chặn xuất khẩu cho Kiev. Ngoại trưởng Ukraine đã chỉ trích việc Đức không muốn cung cấp vũ khí "có tính phòng ngự" cho họ, nói rằng động thái này của Đức là một sự khích lệ đối với ông Putin.
Kể từ sau Thế chiến thứ Hai, xuất khẩu quân sự luôn là một vấn đề nhạy cảm ở Đức. Về nguyên tắc, nước này tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho các khu vực xung đột, nhưng các nhà phê bình cho rằng Đức thực tế không tuân thủ nguyên tắc như vậy.
Mặc dù hai nước bất đồng về việc có cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không, nhưng Đức và Pháp vẫn nhất trí trong việc cung cấp hỗ trợ ngoại giao và tài chính cho Ukraine.
Nga tiếp tục đưa thêm quân đội ra biên giới với Ukraine (Ảnh: AP). |
Tình hình hiện tại ở Ukraine
Các nước phương Tây lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine. Các quan chức nói có tới 100.000 quân Nga đã tập kết gần biên giới với Ukraine. Hoa Kỳ và Anh đã rút gia đình các nhà ngoại giao của họ khỏi Kiev, Canada cũng đã tuyên bố làm theo.
Về phần mình, Moscow phủ nhận Nga có kế hoạch tấn công Ukraine, đổ lỗi tình hình căng thẳng do phương Tây gây ra, đồng thời đưa ra một loạt các yêu cầu bao gồm đảm bảo rằng Ukraine sẽ vĩnh viễn không gia nhập NATO và liên minh quân sự này chấm dứt mở rộng về phía đông.
Hôm thứ Hai (24/1), NATO cho biết, để đối phó với tình hình căng thẳng, họ sẽ gửi máy bay chiến đấu và tàu chiến đến Đông Âu. Trước tình hình khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trên truyền hình rằng nước này có đủ thực lực để kiểm soát mọi thứ và kêu gọi dân chúng không hoảng sợ. Ông nói thêm, việc các nước phương Tây rút khỏi đại sứ quán của họ ở Kiev không có nghĩa là một cuộc xung đột sắp xảy ra.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết không có dấu hiệu trực tiếp nào cho thấy một cuộc xâm lược của Nga sắp xảy ra.
Leo thang xung đột có thể dẫn tới lạm phát gia tăng
Một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 26/1 nói, leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine có thể làm tăng giá năng lượng và giá hàng hóa ở nhiều nước, khiến lạm phát sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài.
Bà Gita Gopinath, Cố vấn kinh tế kiêm Giám đốc nghiên cứu của IMF, nói với Reuters rằng tình hình hiện nay rất khác so với năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, trong bối cảnh nhu cầu thấp và một nguồn cung cấp khí đá phiến (Shale gas) dồi dào, giá năng lượng đã giảm mạnh.
Lính Ukraine đi tuần tra ở khu vực tiếp giáp với "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng (Ảnh: AP). |
“Lần này… nếu có xung đột như vậy, ta sẽ thấy giá năng lượng tăng lên”. Gopinath chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng hiện nay xảy ra vào mùa đông, và lượng khí đốt tự nhiên dự trữ của châu Âu tương đối thấp.
Gopinath nói với Reuters sau khi IMF công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất giá các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga cũng đang tăng và nếu xung đột gia tăng có thể kích hoạt "mức tăng lớn hơn, rộng hơn" về giá hàng hóa.
Nền kinh tế Nga trong năm 2015 giảm 3,7% do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt sau khi sáp nhập Crimea. Gopinas cho biết IMF hiện ước tính nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 2,8% vào năm 2022, nhưng dự báo đó không tính đến xung đột Nga-Ukraine.
Trước đó, Gopinath phát biểu trong một cuộc họp báo rằng xung đột leo thang giữa hai nước và các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây đối với Nga có thể đẩy giá dầu và khí đốt, đẩy chi phí năng lượng ở nhiều nước trên thế giới. Điều đó có nghĩa là lạm phát toàn cầu, vốn đã ở mức cực cao, có khả năng sẽ tiếp tục "giữ mức cao trong thời gian dài", bà nói.
Gopinath cũng chỉ ra rằng một cuộc xung đột như vậy cũng sẽ có tác động đến thị trường chứng khoán Nga và đồng Rúp của Nga, bà nói thêm rằng các quan chức IMF vẫn hy vọng về một giải pháp hòa bình.