Nhiều lần khúc mắc cũng như cảm thấy bị lừa, Tôn Ngộ Không quyết định đại náo thiên cung, đánh một trận long trời lở đất, một mình chống lại 10 vạn thiên binh thiên tướng. Cuối cùng Tề Thiên Đại Thánh chỉ chịu khuất phục sau khi Ngọc Hoàng mời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đứng ra giúp đỡ và bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm.
Sau nhiều thăng trầm, tai kiếp, cuối cùng, Bật Mã Ôn ngày nào đại náo thiên cung ngày nào đã thuần phục, một lòng hộ tống Đường Tam Tạng đến Tây Trúc thỉnh kinh. Suốt chặng đường dài đằng đẵng, Tôn Ngộ Không cùng 2 sư đệ Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh đương đầu với muôn vàn gian khó, trải đủ 81 kiếp nạn, giúp Đường Tăng hoàn thành tâm nguyện thỉnh kinh.
Tôn Ngộ Không nhanh hơn hay âm thanh, ánh sáng nhanh hơn?
Ngược lại đầu chuyện, sau khi Ngộ Không học được 72 phép thần thông biến hóa khiến chú khỉ đá ngày nào có thể bay lượn thỏa thích, đi mây về gió, hóa nhỏ biến to... Với khả năng như vậy, cộng thêm Kim Cô Bổng (gậy như ý) "mượn tạm" của Đông Hải Long Vương, Mỹ Hầu Vương càng như "hổ mọc thêm cánh".
Nhưng thay vì góc nhìn cũ chúng ta hãy nhìn dưới con mắt của khoa học xem sẽ thú vị đến đâu?
Tương truyền, Kim Cô Bổng (Như Ý Kim Cô) được Tôn Ngộ Không "mượn dùng tạm" của Đông Hải Long Vương chính là Định Hải Thần Châm, được Nguyên Thủy Thiên Tôn dùng để đo trời, đo biển.
Nó nặng tới một vạn ba ngàn năm trăm cân (theo hệ đo lường Trung Hoa, 1 cân tương đương gần 6 lạng). Như vậy là trọng lượng của gậy như ý sẽ là:
Gậy như ý = 13500 x 0,6 = 8100 kg (tương đương 8,1 tấn)
Trọng lượng này tương đương với 2 con voi châu Á hoặc xấp xỉ khối lượng "một miếng đậu phụ". Có điều đặc biệt là "miếng đậu phụ kỷ lục" đó nặng đến 8 tấn, được làm ra ở tỉnh An Huy, Trung Quốc vào năm 2015. Tương tự, nếu chúng ta so sánh với Tôn Ngộ Không thì âm thanh hay ánh sáng nhanh hơn hay chậm hơn?
Như đã biết, Tôn Ngộ Không lộn 1 vòng là đi được 10 vạn 8 ngàn dặm (108.000 dặm). Thông thường, thời gian để 1 người bình thường lộn 1 vòng (front flip) dao động từ 1,5-2 giây. Nếu lấy tròn là 2 giây thì 1 giây Tôn Ngộ Không đi được 54.000 dặm (1 dặm trung quốc xấp xỉ 0,5 km) tương đương 27.000km. Từ đây chúng ta dễ dàng tính ra được vận tốc của Tề Thiên Đại Thánh:
Vận tốc = Quãng đường đi được trong 1 giờ (3600 giây) = 27.000km x 3600s = 97,2 triệu km/h.
Mặt khác, ta có:
Vận tốc âm thanh = 244 m/s = 1.238 km/h
Vận tốc ánh sáng = 1.080 triệu km/h
Từ đây ta có thể thấy, Tôn Ngộ Không bay nhanh gấp nhiều lần âm thanh nhưng dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ nhanh bằng khoảng 1/10 tốc độ ánh sáng. Nhưng tất nhiên, mọi so sánh trên chỉ dựa trên thông số từ trong truyện và phim ảnh - không mang tính thực tế, mọi thứ đều có thể là cách nói hình tượng có sự thần thông của Tôn Ngộ Không.
Theo Trí thức trẻ