Tình hình bán đảo Triều Tiên thời gian tới sẽ như thế nào?

Viettimes -- Tuyên bố Bàn Môn Điếm không đưa ra thời gian biểu cho thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong khi đó vấn đề bán đảo Triều Tiên là vấn đề đa phương và còn phụ thuộc vào quan hệ Trung - Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc ký kết Tuyên bố Panmunjom. Ảnh: Sina.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc ký kết Tuyên bố Panmunjom. Ảnh: Sina.

Tiến triển quan trọng

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp như những nụ cười, những cái bắt tay, những bước chân đi qua đường ranh giới hai miền, những tuyên bố thiện chí, hòa giải, hàn gắn… của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại Panmunjom.

Đặc biệt, sau khi kết thúc hội đàm thượng đỉnh, hai bên đã ký Tuyên bố Panmunjom, đã tiếp tục xác nhận mục tiêu chung nỗ lực thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý cùng thúc đẩy thực hiện chuyển đổi từ hiệp định đình chiến sang hiệp định hòa bình, thiết lập cơ chế hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.

Theo Tân Hoa xã ngày 28/4, có 3 nội dung đáng chú ý trong Tuyên bố Panmunjom là: Thứ nhất, vấn đề phi hạt nhân hóa. Tuyên bố đã xác định phi hạt nhân hóa bán đảo là mục tiêu chung, đồng thời đã đề xuất từ bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn. Điểm này lập tức gây chú ý rất cao.

Thứ hai, thiết lập cơ chế hòa bình bán đảo. Tuyên bố đã đưa ra thời gian biểu về tranh thủ chuyển đổi từ hiệp định đình chiến sang hiệp định hòa bình trong năm 2018.

Thứ ba, cải thiện quan hệ liên Triều, bao gồm chấm dứt toàn diện các hành động thù địch, thiết lập cơ quan liên lạc quân sự chung của hai miền ở Kaesong, tổ chức gặp gỡ các gia đình ly tán.

Những thỏa thuận quan trọng này được các bên đánh giá cao. Ngày 27/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Trung Quốc tin tưởng hai bên sẽ thực hiện tốt nhận thức chung đạt được của lãnh đạo hai nước lần này, tiếp tục hợp tác, thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo và tiến trình giải quyết chính trị vấn đề bán đảo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/4 viết trên Twitter rằng việc tốt đang xảy ra, nhưng chỉ có thời gian sẽ chứng minh tất cả.

Đương sự chính là Mỹ và Triều Tiên

Đối với phi hạt nhân hóa, Tuyên bố Bàn Môn Điếm không đưa ra thời gian biểu cụ thể. Điều cần chú ý là, điều Tuyên bố nhắc tới không phải là “phi hạt nhân hóa có điều kiện”. Có học giả Hàn Quốc cho rằng điểm này là một tín hiệu tích cực của hội đàm thượng đỉnh liên Triều, có lợi cho tăng cường lòng tin giữa nhà lãnh đạo hai nước Triều Tiên và Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dắt tay nhau đi qua đường phân định ranh giới quân sự hai miền Triều Tiên. Ảnh: South China Morning Post.

Có chuyên gia cho rằng phi hạt nhân hóa lần đầu tiên trở thành vấn đề trực tiếp của hội đàm thượng đỉnh liên Triều, bản thân điều này đã là một tiến triển của phi hạt nhân hóa bán đảo.

Về khả năng thực hiện phi hạt nhân hóa, điều quan trọng hơn là thái độ và hành động của hai bên đương sự chính gồm Triều Tiên và Mỹ. Hiện nay, giữa Triều Tiên và Mỹ còn tồn tại bất đồng về phương thức và bước đi của tiến trình phi hạt nhân hóa, đòi hỏi hai bên phải có thiện chí và hướng tới mục tiêu chung.

Trong hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Mỹ sắp tới, Mỹ có đưa ra cam kết, thay đổi chính sách thù địch với Triều Tiên, không tiến hành đe dọa quân sự đối với Triều Tiên, không lật đổ chế độ, thể chế ở Triều Tiên hay không – đây có thể trở thành vấn đề khó tiếp theo của phi hạt nhân hóa.

Vấn đề mang tính khu vực

Ngoài ra, bất kể hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hay hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Mỹ đều chỉ có thể giải quyết được các vấn đề song phương.

Các chuyên gia phổ biến cho rằng đối với một vấn đề mang tính khu vực liên quan đến nhiều bên như phi hạt nhân hóa bán đảo, hội đàm 6 bên vẫn là cơ chế giải quyết được chứng minh là có sức sống mạnh nhất hiện nay.

Đối với phi hạt nhân hóa bán đảo, cần tái khởi động và vận dụng linh hoạt hội đàm 6 bên vào thời điểm thích hợp, thúc đẩy thực hiện cuối cùng phi hạt nhân hóa bán đảo.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã có một bước đi mang tính lịch sử ở Bàn Môn Điếm, làm cho hòa bình bán đảo Triều Tiên đã đứng trên điểm khởi đầu mới trong lịch sử.

Cùng với việc dư luận cảm thấy vui mừng với thành quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều, cũng cần nhận thức được rằng vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên vô cùng phức tạp, mặc dù bán đảo bắt đầu thổi lên “gió xuân hòa bình”, nhưng “tảng băng cứng lâu năm” không thể dễ dàng tan ra chỉ trong có một ngày.

Hòa bình cần phải tranh thủ, cơ hội cần phải nắm bắt. Các bên cần kiên trì hướng tới mục tiêu chung, có dũng cảm chính trị, đưa ra quyết đoán chính trị, không ngừng làm dịu tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy thực hiện hòa bình lâu dài, tạo dựng tương lai hoàn toàn mới cho tình hình bán đảo và khu vực.

Việc thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phụ thuộc rất lớn vào thái độ và hành động của Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Sina

Nước lớn chi phối

Hãng tin VOA Mỹ ngày 28/4 dẫn lời học giả Mỹ và Hàn Quốc cho rằng việc nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tay, ôm hôn tại Bàn Môn Điếm là những “diễn xuất” của chính khách. Tình hình này cũng đã xảy ra hai lần vào năm 2000 và 2007. Khi đó hai nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đưa ra thông điệp chấm dứt chiến tranh, hòa bình vĩnh viễn, nhưng cuối cùng đã không được thực hiện.

Triều Tiên và Hàn Quốc có ý “trình bày khác nhau” trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm về phi hạt nhân hóa, định nghĩa về phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ càng khác nhau. Cùng một cụm từ “phi hạt nhân hóa”, nhưng Triều Tiên và Hàn Quốc hoặc cộng đồng quốc tế có cách hiểu khác nhau.

Theo học giả Hàn Quốc, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có kết thúc chiến tranh hay không cần có sự “đồng ý” của Mỹ, vì vậy không thể năm nay sẽ kết thúc chiến tranh như Tuyên bố Bàn Môn Điếm.

Hiện nay, Triều Tiên và Hàn Quốc nói muốn kết thúc chiến tranh chỉ có ý nghĩa chính trị mang tính tượng trưng. Mặc dù Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng ý, nhưng nếu Triều Tiên và Mỹ không hài lòng với nhau thì sẽ không thể thực hiện.

Các quan chức cấp cao Mỹ như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đưa ra giới hạn phi hạt nhân hóa trong vòng 6 tháng, nhưng Tuyên bố Bàn Môn Điếm không có chữ nào đề cập đến thời gian biểu phi hạt nhân hóa.

Ngoài ra, việc quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc là một vấn đề quan trọng trong đàm phán sắp tới. Theo chuyên gia Hàn Quốc, Mỹ cần tiếp tục xây dựng mô hình như NATO ở khu vực Đông Á.

Học giả Mỹ cho rằng trước hết cần giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân thì mới bàn đến hòa bình giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cuối cùng mới là vấn đề quân đội Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Quyết định này không chỉ có liên quan đến hai miền Triều Tiên.

Việc này còn tùy thuộc và xu hướng của quan hệ Trung - Mỹ. Bởi vì, nếu Trung Quốc và Mỹ ở trong trạng thái đối đầu chiến lược và quân đội Mỹ còn ở lại bán đảo Triều Tiên thì việc ở lại này chắc chắn là nhằm vào Trung Quốc.