TikTok nỗ lực giành được thỏa thuận an ninh với chính phủ Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TikTok đưa ra các đề xuất chịu sự giám sát từ bên ngoài để đảm bảo an ninh nhằm thuyết phục chính phủ Mỹ cho phép tiếp tục thuộc quyền sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance.
TikTok muốn duy trì quyền sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance. Ảnh CNBC
TikTok muốn duy trì quyền sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance. Ảnh CNBC

Ứng dụng video ngắn TikTok đưa ra những đề xuất điều hành các hoạt động kinh doanh trong tầm kiểm soát và chịu sự giám sát từ bên ngoài, cố gắng thuyết phục chính phủ Mỹ cho phép tiếp tục thuộc quyền sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance. CNBC, dẫn phát biểu của các chuyên gia công nghệ, quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Trong 3 năm qua, TikTok đã tìm cách đảm bảo với các cơ quan và các ban ngành của chính phủ Mỹ rằng, dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ không thể bị truy cập và nội dung của nền tảng không thể bị Bắc Kinh hoặc bất kỳ tổ chức nào khác dưới ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc thao túng hay định hướng.

Năm 2021, Tổng thống Joe Biden thu hồi lệnh hành pháp của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, cấm TikTok ở Mỹ. Nhưng những cuộc đàm phán giữa chính quyền của ông và công ty truyền thông xã hội vẫn tiếp tục nhằm có được một thỏa thuận tiềm năng giải quyết những mối quan ngại về an ninh.

Các nhà lập pháp Mỹ đang tìm mọi giải pháp trấn áp Trung Quốc như một phần của hàng loạt tranh chấp quy mô lớn hơn về thương mại, sở hữu trí tuệ và nhân quyền, tiếp tục sử dụng những lo ngại của các quan chức về vấn đề an ninh liên quan TikTok, gây áp lực buộc Nhà Trắng phải có đường lối cứng rắn.

TikTok đã công bố một số biện pháp nhằm xoa dịu sự nghi ngờ của chính phủ Mỹ, trong đó có thỏa thuận với Oracle, lưu trữ dữ liệu của người dùng ứng dụng ở Mỹ và thành lập bộ phận Bảo mật dữ liệu Mỹ (USDS), giám sát các quyết định kiểm duyệt nội dung và bảo vệ dữ liệu. Công ty TikTok Mỹ cũng đã chi 1,5 tỷ USD cho chi phí tuyển dụng và tổ chức lại để xây dựng bộ phận này đó, theo tuyên bố của công ty TikTok ngày 5/7.

Nhưng một số quan chức chính phủ, trong đó có Bộ Quốc phòng Mỹ, Cục Điều tra Liên bang và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ vẫn tiếp tục phản đối thỏa thuận an ninh. Những quan chức lãnh đạo cơ quan này lập luận rằng, người dùng Mỹ của TikTok vẫn tiếp tục dễ bị tổn thương vì ứng dụng này dựa trên công nghệ do công ty Trung Quốc ByteDance phát triển, công ty này cũng đang vận hành ứng dụng video ngắn Douyin trên lãnh thổ Trung Quốc.

Để vượt qua những rào cản khó khăn này, TikTok đã cố gắng cung cấp các hàng rào giám sát mới cho chính phủ Mỹ. Doanh nghiệp mở rộng vai trò của Oracle để đảm bảo rằng, cơ sở hạ tầng công nghệ của TikTok tách biệt hoàn toàn với ByteDance.

Theo các nguồn tin của CNBC quen thuộc với vấn đề này, Oracle sẽ xem xét cả mã ứng dụng, mã xác định giao diện của TikTok, mã máy chủ, mã máy chủ cung cấp những chức năng như tìm kiếm và đề xuất. Những đánh giá và kết luận sẽ được thực hiện tại các “trung tâm minh bạch” chuyên dụng mà các kỹ sư của Oracle đến thăm và thẩm định, trung tâm đầu tiên dự kiến ​​mở tại Maryland vào tháng 1/2023.

TikTok cũng đề xuất thành lập một hội đồng “ủy nhiệm” điều hành bộ phận USDS độc lập với ByteDance. Bộ phận này do Andrew Bonillo, cựu nhân viên Mật vụ Mỹ lãnh đạo tạm thời cho đến khi đạt được thỏa thuận an ninh với chính phủ Mỹ, bộ phận này trực thuộc quyền quản lý của Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew.

Các nguồn tin cho biết, hội đồng quản trị USDS sẽ có 3 thành viên, do Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một hội đồng an ninh quốc gia sàng lọc. ByteDance không có quyền kiểm soát hội đồng quản trị và những quyết định của hội đồng dù công ty sẽ trả tiền cho những hoạt động của bộ phận USDS.

TikTok hiện đang tìm cách thuê những kiểm toán viên và giám sát viên độc lập, những người sẽ được công ty trả lương nhưng sẽ báo cáo cho CFIUS. TikTok cũng gửi yêu cầu đề xuất một số vai trò cho các công ty và chuyên gia tư vấn với đề nghị thời hạn nhận được câu trả lời vào nửa đầu tháng Giêng.

Các nguồn yêu cầu giấu tên đã thảo luận về vai trò mở rộng của Oracle, danh sách ủy quyền được đề xuất cũng như chi tiết về hoạt động tuyển dụng và chi tiêu tại TikTok, lần đầu tiên được thông báo công khai.

Phát ngôn viên của TikTok từ chối bình luận về những nhượng bộ cụ thể mà công ty đã đưa ra với chính phủ Mỹ nhưng cho rằng, các giải pháp cho những lo ngại về an ninh, được đề xuất với CFIUS là “toàn diện”. Người phát ngôn nói thêm, TikTok không có được bất kỳ cuộc thảo luận nào với chính phủ Mỹ “về nội dung thỏa thuận được đề xuất” từ cuối mùa hè.

Phát ngôn viên TikTok cho biết: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực triển khai các giải pháp an ninh trong năm qua và mong muốn hoàn thành công việc để giải quyết những mối lo ngại đặt ra”.

Oracle không trả lời yêu cầu bình luận. Phát ngôn viên Bộ Tài chính, lãnh đạo CFIUS từ chối bình luận ngoài tuyên bố khẳng định, Hội đồng cam kết bảo vệ an ninh quốc gia. Nhà Trắng từ chối bình luận về những đánh giá của CFIUS đối với TikTok.

Nhà Trắng ra quyết định cuối cùng

Một trong những nguồn tin cho biết, các quan chức Mỹ tham gia vào những cuộc đàm phán đã chỉ ra rằng, nhiều biện pháp tự nguyện mà TikTok đang thực hiện nhằm tăng cường bảo mật có thể là một phần của một thỏa thuận tiềm năng, cho phép ByteDance giữ quyền sở hữu với TikTok. Nhưng cho đến thời điểm này, không có thông tin làm rõ, chính quyền tổng thống Joe Biden có ký vào một thỏa thuận bảo mật với TikTok hay không?

Bộ Tài chính Mỹ và Bộ Tư pháp, đang dẫn đầu những cuộc đàm phán với TikTok, đã sẵn sàng cho một thỏa thuận nhằm tránh những thách thức pháp lý từ phía công ty, từng cản trở nỗ lực của ông Donald Trump buộc ByteDance thoái vốn.

Các nguồn tin của CNBC cho biết thêm, kết quả cuối cùng sẽ do Nhà Trắng quyết định, do tổng thống Joe Biden đang được kêu gọi phán xử các lập luận từ những bộ và cơ quan chính phủ khác nhau, ủng hộ hoặc bác bỏ một thỏa thuận với TikTok.

Theo CNBC