Mỹ từ bỏ Trung Đông và Trung Á
Theo Tạp chí Foreign Policy, Jonathan Finer, Phó Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, chính là người đồng chắp bút Bản ghi nhớ được lưu hành nội bộ với tiêu đề "Kết thúc các cuộc chiến bất tận", kêu gọi Mỹ "giảm ưu tiên vào chiến lược chống khủng bố đang thịnh hành của Mỹ và tập trung vào một cách tiếp cận thận trọng hơn nhiều."
Hay nói một cách ngắn gọn là chuyển sang phương thức Lãnh đạo từ phía sau và Quyền lực mềm. Sự kiện Afghanistan cho thấy dường như ông Finer đã đạt được điều ước của mình.
Rút quân khỏi Afghanistan là động thái đầu tiên trong hàng loạt các hành động nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trong thế giới Ả Rập, và khiến khu vực này có nhiều khả năng gia tăng xung đột.
Câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là: Liệu Mỹ có còn đủ ý chí để quay trở lại tiếp tục chiến đấu trong một loạt các cuộc chiến bất tận nữa hay không? Liệu các cuộc xung đột ở Trung Đông có tràn sang các khu vực khác hay không? Liệu Mỹ có còn quan tâm đến việc này nữa hay không?
Ả Rập Xê Út, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thể sẽ phải tự đặt câu hỏi là liệu quốc gia của họ có thực sự nhận được sự hỗ trợ của Mỹ hay không?
Trước khi Afghanistan sụp đổ, Mỹ đã rút quân khỏi Ả Rập Xê Út và ngưng bán vũ khí cho nước này - điều này đã cản trở nỗ lực của Ả Rập Xê Út trong cuộc chiến chống lại lực lượng thánh chiến do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Mỹ cũng loại Yemen khỏi danh sách khủng bố. Mỹ đã hứa sẽ bảo vệ các quốc gia Ả Rập trước mối đe dọa từ Iran. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, vốn luôn ủng hộ sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ, đang công khai đặt câu hỏi về sự cam kết của Mỹ đối với liên minh này.
Người dân Afghanistan đang đối diện với tương lai u tối. Ảnh: AP |
Israel, đồng minh trung thành nhất của Mỹ, nhận ra rằng họ đã bị gạt ra ngoài lề trước những nỗ lực gần đây của Mỹ trong việc gia hạn thỏa thuận vũ khí hạt nhân Iran, đặt họ trước một mối đe doạ hiện hữu.
Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel khi nước này phải tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Phong trào Hamas ở Dải Gaza cách đây không lâu chỉ dừng lại ở mức vô cùng mờ nhạt.
Mỹ cũng đảo ngược chính sách về Cao nguyên Golan hiện đang do Israel kiểm soát trước rắp tâm xâm chiếm của nhóm khủng bố Hezbolla ở Syria.
Mỹ hầu như đã không làm gì để gia tăng số lượng quốc gia tham gia Hiệp định Abraham, một sáng kiến của cựu Tổng thống Trump trong nỗ lực tăng cường các thỏa thuận thương mại và ngoại giao giữa Israel và UAE, Sudan, Bahrain và Morocco với các quốc gia khác.
Việc này không còn là trọng tâm của nước Mỹ.
Mỹ đã tuyên bố sẽ kết thúc sứ mệnh tham chiến ở Iraq vào cuối năm nay, cho phép Iran gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Điều này dường như rất giống với lối tư duy đã dẫn đến cuộc rút quân thất bại ở Afghanistan.
Tình hình Libya lại một lần nữa xấu đi, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tại khu vực Bắc Phi. Mỹ không can thiệp, mặc dù chính cuộc tấn công của Mỹ vào Libya năm 2014 đã dẫn đến cuộc nội chiến còn đang dai dẳng ở nước này.
Ấn Độ đã mất đi sức ảnh hưởng đáng kể sau cuộc rút quân của Mỹ. Ấn Độ là nước ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Afghanistan để đối trọng với việc Pakistan chống lưng cho lực lượng phiến quân Taliban.
Với việc Taliban tiếp quản Afghanistan, Ấn Độ hiện đang bị lấn át bởi Pakistan và Trung Quốc.
Afghanistan có thể trở thành “vườn ươm” khủng bố toàn cầu
Việc Mỹ từ bỏ Afghanistan có thể khiến nước này một lần nữa lại trở thành cái nôi và bệ phóng cho các hoạt động khủng bố toàn cầu và khu vực.
Taliban tuyên bố không quan tâm đến việc hỗ trợ khủng bố. Mỹ tin lời Taliban.
Tuy nhiên, theo thông tin tình báo của Mỹ và Liên Hợp Quốc, hiện ở Afghanistan đang có 4 tổ chức khủng bố khác nhau và tất cả đều là của nước ngoài, không tính Taliban.
Các nhóm này có đầy đủ khả năng tuyển mộ các chiến binh thánh chiến toàn cầu đến Afghanistan để huấn luyện và sau đó triển khai.
Taliban đang phát đi thông điệp toàn cầu: Họ đã đánh bại người Mỹ, hãy đến và tham gia cùng họ.
Nếu không có sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan, tình hình đã đến lúc chín muồi cho một cuộc tấn công 11/9 khác nhắm vào nước Mỹ, Trung Đông và châu Âu.
Afganistan chìm trong hỗn loạn sau khi Mỹ rút quân sau hai thập kỉ hiện diện tại đây. |
Điều quan trọng là, các nhóm khủng bố không nhất thiết phải là đồng minh với nhau. Nhà nước Hồi giáo (ISIS) là kẻ thù của Taliban. Họ vẫn có thể tham gia trong các hoạt động khủng bố chống lại phương Tây và Taliban.
Mỹ sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn nếu cần tái triển khai quân tới Afghanistan một lần nữa. Các đồng minh khác có thể sẽ không muốn tiếp tục chịu sự lãnh đạo của Mỹ.
Theo Liên hợp quốc, Taliban là nguồn sản xuất heroin và thuốc phiện chính, chiếm 80% nguồn cung trên thế giới.
Bởi Taliban dùng chính tiền từ sản xuất và buôn bán thuốc phiện để tài trợ cho các hoạt động của mình nên hành động rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan sẽ giúp giải phóng số lượng lớn ma tuý bất hợp pháp vào thị trường.
Điều này sẽ gây mất ổn định tại các khu vực và các nước phương Tây có tiêu thụ ma tuý từ nguồn này.
Nước được hưởng lợi chính – Trung Quốc
Có một điều trớ trêu ở đây: Mỹ muốn rút khỏi Afghanistan để tập trung vào Trung Quốc. Nhưng việc Mỹ từ bỏ Afghanistan và Trung Đông lại khiến Trung Quốc mạnh hơn.
Sau thất bại rút quân của Mỹ, Bắc Kinh đã khởi động một chiến dịch tuyên truyền lớn. Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố rằng Mỹ không thể và sẽ không duy trì nghĩa vụ lãnh đạo toàn cầu của mình khắp thế giới.
Thông điệp này nhắm mục tiêu tới "Tứ giác Kim cương", một thỏa thuận phòng thủ chung giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng khiến Hàn Quốc phải đặt ra câu hỏi về an ninh của họ: Nhiều người trong nước muốn Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn về vấn đề quốc phòng của họ.
Bắc Kinh cũng cảnh báo những người bất đồng chính kiến rằng Mỹ không có tư cách gì để giúp họ, và nhiều khả năng sẽ không giúp gì cho họ.
Mỹ rút quân khỏi Afghanistan để tập trung đối phó Trung Quốc nhưng hậu quả có thể khiến Trung Quốc mạnh lên. Ảnh: Strait Times |
Thời báo Toàn cầu cảnh báo những người biểu tình ở Hồng Kông rằng họ không thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Mỹ và cũng khuyến cáo giới lãnh đạo Đài Loan rằng họ không thể tin tưởng vào sự bảo vệ của Mỹ khi Trung Quốc tiến hành tái thống nhất Đài Loan vào với Đại lục.
Bắc Kinh cũng đạt được lợi ích từ mối quan hệ chặt chẽ với Afghanistan và Trung Đông.
Theo Nhân Dân Nhật báo, Bắc Kinh muốn mở rộng sáng kiến phát triển Vành đai Con đường "chất lượng cao" ở toàn khu vực: Afghanistan giáp ranh Trung Quốc và là một cửa ngõ quan trọng.
Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ đô la vào Pakistan. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã chính thức công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan.
Afghanistan sở hữu kim loại đất hiếm, vàng và các loại khoáng sản khác có nhu cầu cao trên thị trường, đặc biệt là các nguyên liệu sản xuất linh kiện máy tính, pin và các thiết bị điện tử khác.
Nhưng giờ đây, tất cả những thứ này đã được Mỹ, vốn là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trong các lĩnh vực này, trao tặng lại cho Trung Quốc như “một món quà” sau cuộc rút quân.
Nhưng cũng không hẳn mọi chuyện đều thuận lợi đối với Trung Quốc. Theo Bloomberg Politics, các chiến binh thánh chiến ở Pakistan đã tấn công người Trung Quốc đang làm việc trong các dự án Vành đai Con đường.
Bắc Kinh có thể thấy rằng việc duy trì sự hiện diện ở Afghanistan và khu vực này đồng nghĩa với việc đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Hậu quả
Mỹ vẫn giữ nguyên những tuyên bố hùng hồn về vai trò lãnh đạo toàn cầu nhưng các hành động của Mỹ lại cho thấy điều ngược lại.
Thực chất Mỹ đang rút khỏi vai trò này khi theo đuổi phương thức tiếp cận Lãnh đạo từ phía sau và Quyền lực mềm với sự ứng dụng vô cùng hạn chế ở phạm vi toàn cầu.
Mặc dù vậy, những gì vừa diễn ra ở Afghanistan đã chỉ ra rằng Mỹ sẵn sàng hành động đơn phương, không cần đến sự đồng thuận hoặc tham vấn.
Sau hai thập kỉ, với 2400 lính Mỹ tử trận và hơn 1000 tỉ USD đổ vào tái thiết và xây dựng Afghanistan, Mỹ đã rút quân và để lại khoảng trống quyền lực tại quốc gia Trung Á này. Ảnh: Getty |
Mỹ cũng đang tập trung vào chính sách đối nội, đặt nước Mỹ lên trên hết – mang đậm dấu ấn Donald Trump.
Bất chấp nguyên lý đặt ra là lãnh đạo bằng các giá trị Mỹ, các chính trị gia của chính quyền Biden đã không ngừng tự chỉ trích nước Mỹ, rằng Mỹ là một quốc gia phân biệt chủng tộc, thành kiến với phụ nữ, kỳ thị đồng tính, chống người nhập cư, và thậm chí là một nước tư bản – tất cả những điều này đi ngược lại với cam kết quyền lực mềm.
Trước khi giải quyết xong các vấn đề đối nội, nước Mỹ sẽ không thể lãnh đạo thế giới.
Ngoài chính sách cho rằng lãnh đạo toàn cầu không phải là mục tiêu, Mỹ đã không phân bổ đủ ngân sách để thực hiện vai trò lãnh đạo tích cực, đặc biệt không ưu tiên ngân sách để đảm bảo duy trì lực lượng quân đội, dịch vụ tình báo và phương thức đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn.
Nhưng những tuyên bố hùng hồn thì không có gì thay đổi. Tới đây, Mỹ đang có kế hoạch chi từ 6-10 nghìn tỷ đô la vào các sáng kiến trong nước.
Để mô hình của Mỹ thắng thế trước Trung Quốc, đối trọng mạnh mẽ với nước này về mặt kinh tế, chính trị và xã hội thì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ phải là thực chất, chứ không phải là một điều tưởng tượng.
Thực tế là vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã bị xói mòn nhiều phần sau thất bại ở Afghanistan, chưa nói đến việc trước đó đã có khá nhiều vấn đề tồn tại.
Câu hỏi đặt ra cho nhiều người Mỹ lúc này là: Liệu nước Mỹ có trụ vững được đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2022 tới đây, với hy vọng một dàn lãnh đạo mới sẽ được bầu ra để đưa nước Mỹ quay trở lại quỹ đạo hay không?
(Chuyển ngữ: Đào Thuý)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu